Các doanh nghiệp chủ động đối phó với lạm phát

08:04, 13/04/2011
Sản xuất tại Cty cơ khí đúc Toàn Thắng, xã Yên Xá (Ý Yên).  Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy
Sản xuất tại Cty cơ khí đúc Toàn Thắng, xã Yên Xá (Ý Yên).

Trong giai đoạn lạm phát hiện nay, giá các mặt hàng liên tục tăng cao khiến cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Anh Nguyễn Văn Cuộng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Đồng Côi (Nam Trực) cho biết: Từ đầu năm đến nay giá các loại sắt thép liên tục biến động. Với mức giá bình quân trong năm là 10,5 triệu đồng/tấn thép cuộn phi 6, phi 8, thép thanh định hình hiện đã lên 15 đến 17 triệu đồng/tấn, khiến các doanh nghiệp sản xuất cơ khí thành viên trong hiệp hội phải chịu lỗ lớn trong các hợp đồng đã ký với các đối tác. Đối với những hợp đồng mới, dù nhu cầu sử dụng của đối tác rất lớn nhưng họ chỉ ký hợp đồng ngắn hạn, để trông chờ sự hạ nhiệt của giá, vì vậy việc sản xuất của các doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị động, cầm chừng. Anh Trần Thế Hưng, giám đốc Cty TNHH Việt Cường (TP Nam Định) là doanh nghiệp sản xuất mặt hàng quần áo thời trang, dệt kim xuất khẩu không chịu áp lực lớn về thiếu đơn hàng nhưng do không kiểm soát được giá nguyên vật liệu đầu vào nên không tính đúng giá thành sản phẩm và phải chịu lỗ trong một số hợp đồng. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp còn bị ngưng trệ hoạt động, do các đối tác quay lưng để lựa chọn những đơn vị mới giá cả “mềm” hơn dù chỉ là chút ít... Trước những tác động bất lợi từ lạm phát, hầu hết các doanh nghiệp đều chủ động tìm biện pháp đối phó, thích nghi. Theo khảo sát của ngành Công thương, hầu hết các doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí gia tăng cũng như tạm dừng và giãn tiến độ nhiều dự án đầu tư. Tại Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Đồng Côi, các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm tối đa nguyên nhiên liệu trong sản xuất để có thể giảm giá thành cho sản phẩm; liên kết, hỗ trợ nhau để bảo đảm tiến độ, thời gian giao hàng, sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng cao. Nhờ đó, các doanh nghiệp trong Hiệp hội vẫn duy trì và phát triển mới được các đơn hàng. Việc giữ vững chất lượng, uy tín ngay trong khó khăn đã giúp các doanh nghiệp trong Hiệp hội có thêm được các đối tác lớn như Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tổng Cty đường sắt Việt Nam. Tại Cty TNHH Việt Cường đã thực hiện biện pháp không sản xuất ca ba, cắt giảm các chi phí sản xuất, tính toán lại đơn giá sản phẩm. Cty tiếp tục đầu tư một số thiết bị máy móc công nghệ cao để giảm lao động. Nhờ bảo đảm cung cấp sản phẩm chất lượng cao ở mức giá sàn do có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, nên ngay trong giai đoạn lạm phát, Cty vẫn mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm sang Nhật Bản. Với số lượng đơn hàng đã ký, dự tính doanh thu năm 2011, Cty đạt 15 tỷ đồng, tăng 8 tỷ đồng so với năm 2010. Bên cạnh các biện pháp kể trên, nhiều doanh nghiệp lại lựa chọn giải pháp thiết lập mạng lưới bán hàng sâu rộng, chuyên nghiệp, hoặc chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất. Tổng Cty cổ phần sợi Việt An (CCN An Xá, Thành phố Nam Định) đã chủ động đầu tư kinh phí, xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, quy mô 3.000ha tại Sơn La, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của Cty. Với tổng số sợi cần sử dụng một năm khoảng 3.000 tấn, nếu so với trước kia nhập với giá 40 nghìn đồng/kg, thì việc sử dụng nguyên liệu do Cty tự sản xuất ước tính giảm được 15% kinh phí. Cty TNHH chế tạo điện cơ Axuzu Xuân Kiên (Xuân Trường) đã chủ động chế tạo nhiều chi tiết máy ngay tại Cty nên ngay trong giai đoạn lạm phát sản phẩm máy phát điện của Cty luôn giữ được giá thành so với giá trên thị trường. Ngoài ra, Cty còn phát triển mở rộng đại lý về các tỉnh miền Trung, miền Nam, nâng tổng số lên 20 đại lý trên toàn quốc. Nhờ đó, số lượng sản phẩm máy phát điện, động cơ phục vụ ngành đóng tàu, ngư nghiệp, công nghiệp và dân dụng do Cty sản xuất đã được xuất bán khoảng 700 sản phẩm/tháng. Các Cty TNHH Toản Chung, Xuân Tiến, Xuân Trường cũng tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm máy tách hạt ngô cả áo và máy tuốt lạc về các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, nâng tổng số lượng hàng xuất bán gần 100 máy/tháng. Với sự chủ động đối phó với lạm phát của các doanh nghiệp, trong quý I-2011, sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 2.300 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả 25 ngành sản xuất đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, để đối phó hiệu quả với tình hình lạm phát, các doanh nghiệp cần phải nâng cao trình độ quản lý chuyên sâu như: xây dựng hệ thống quản lý, chủ động ứng phó với các nguy cơ tiềm ẩn do lạm phát cao; đồng thời, phải xem xét lại danh mục đầu tư trong kế hoạch ngân sách, sử dụng vốn, kiểm soát chặt chẽ chi phí thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt các nguồn vốn trong khi xuất hàng và chủ động tìm kiếm nhiều vùng cung ứng nguyên vật liệu./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com