Bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

09:04, 11/04/2011

Cán bộ Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường (Sở TN và MT) phân tích mẫu nước thải tại các doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN.  Bài và ảnh: Thanh thủy
Cán bộ Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường (Sở TN và MT) phân tích mẫu nước thải tại các doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN.

Những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN trong các khu, CCN, làng nghề trong tỉnh, sự tăng trưởng về kinh tế nhưng do thiết bị công nghệ còn lạc hậu nên sản xuất CN-TTCN đã và đang ảnh hưởng tới môi trường. Dọc theo quốc lộ 10, đường 57, qua Thị trấn Lâm, các xã Yên Tiến, Yên Khang, Yên Lộc... (Ý Yên), nhiều sông, ngòi, ao hồ nồng nặc mùi tre, nứa ngâm. Nghề sơn chắp nứa truyền thống đã góp phần tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động, tăng giá trị sản xuất CN-TTCN trong cơ cấu kinh tế của huyện Ý Yên nhưng cũng khiến cho môi trường sống bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nguồn nước, không khí... Trong đó, chỉ tiêu nước sinh hoạt tại làng nghề Yên Tiến bị ô nhiễm vượt tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 1,8 đến 2 lần. Tại các làng nghề cơ khí như Vân Chàng, Bình Yên (Nam Trực), Tống Xá (Ý Yên), Quang Trung (Vụ Bản)..., tình trạng ô nhiễm môi trường cũng đang ở mức báo động. Theo số liệu của Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường tỉnh (Sở Tài nguyên - Môi trường), tại làng nghề Bình Yên, lượng phốt pho do các cơ sở sản xuất, tái chế nhôm thải ra đã vượt TCVN từ 1,09 đến 7,6 lần; thông số kẽm vượt TCVN 7,7 đến 33,8 lần. Bình quân mỗi tháng, lượng chất thải độc hại thải ra môi trường gần 40 tấn. Lượng khí thải độc hại như khói, bụi, CO, SO2, NO2... trong quá trình đốt than, nung chảy phế liệu có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp. Trước đây ở làng nghề Tống Xá, mặc dù lượng chất thải sinh hoá được các chuyên gia môi trường đánh giá là không cao, hàm lượng COD từ 1,5 đến 2 lần TCVN và BOD đo được thấp hơn giới hạn cho phép nhưng tại một số khu chứa nước thải công nghiệp tập trung, nồng độ kim loại vượt nhiều lần so với quy định. Nguyên nhân là do các cơ sở sản xuất trong làng nghề hầu như chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh. Nguồn nước thải chủ yếu xả trực tiếp xuống các cống, kênh tiêu thoát nước chung của xã. Làng nghề Vân Chàng hàm lượng Cr vượt 1,8 lần, Ni vượt 8 lần TCVN. Đó là chưa kể một lượng không nhỏ các chất thải rắn khác do thiếu hệ thống thu gom, xử lý gây mất vệ sinh, ô nhiễm nguồn nước ngầm. Ở Thành phố Nam Định, kết quả giám định của các cơ quan chức năng cũng cho thấy, tại các khu, CCN, hơi khí độc từ sản xuất CN-TTCN vượt tiêu chuẩn cho phép chiếm tỷ lệ 12,3%; bụi 13,7% số mẫu được đo, tiếng ồn vượt 1,1 đến 1,3 lần... Tại các khu, CCN, do số lượng doanh nghiệp sản xuất tập trung đông nên lượng chất thải, khí thải vào môi trường khá lớn nhưng công tác bảo đảm vệ sinh môi trường chưa thực sự được chú trọng. Trong số 20 CCN của toàn tỉnh đã được phê duyệt, mới có 6 CCN lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vi phạm các yêu cầu bảo vệ môi trường tại các CCN chiếm gần 50%. Bình quân mỗi tháng, các CCN xả thải khoảng 20 nghìn m3 nước thải, 41 nghìn tấn chất thải nguy hại. Riêng 3 KCN, lượng nước thải mỗi tháng từ 35-38 nghìn m3 (chủ yếu ở KCN Hoà Xá) nhưng mới có hơn 20% được thu gom, xử lý, còn lại xả trực tiếp ra môi trường qua hệ thống kênh, mương. Ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN không nằm trong khu, CCN, mặc dù phần lớn đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc ký cam kết bảo vệ môi trường song vẫn còn mang tính hình thức, chưa tuân thủ việc giám sát môi trường định kỳ hàng năm theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, chưa thực hiện đúng các nội dung về đầu tư xử lý nước thải như cam kết, chưa có biện pháp bảo quản, che chắn lượng rác thải tạm lưu. Ước tính hiện nay mới có khoảng 15% số doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải.

Để hạn chế giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhiều địa phương, đặc biệt tại các xã có làng nghề, khu, CCN đã được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng bãi chôn lấp và xử lý rác thải, chất thải từ sản xuất CN-TTCN. Năm 2007, tại làng nghề Tống Xá, thực hiện dự án quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở Nam Định, mô hình xử lý nguồn nước thải có chứa kim loại rắn do Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Liên bang về nghiên cứu và đào tạo (Cộng hoà liên bang Đức) xây dựng đã bước đầu phát huy hiệu quả. Toàn bộ nguồn nước thải của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được đưa về khu xử lý tập trung, sau đó đưa sang hệ thống bể lọc đã được nuôi cấy các chủng sinh vật có khả năng phân huỷ kim loại nặng trong nước thải. Lượng nước này sau thời gian ngâm, lọc có thể tái sử dụng phục vụ sản xuất. Tại KCN Hoà Xá cũng đang xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung công suất dự kiến 4.500m3/ngày đêm và tại KCN Mỹ Trung xây dựng một trạm xử lý nước thải, công suất 2.500m3/ngày đêm. CCN An Xá (TP Nam Định) đã lập dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải, công suất 3.000m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư trên 25 tỷ đồng. Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các CCN Yên Xá (Ý Yên), Xuân Tiến (Xuân Trường) cũng đang được triển khai xây dựng. Một số đơn vị đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải bảo đảm vệ sinh môi trường như: Cty cổ phần may Sông Hồng, Cty may Youngone Nam Định, Cty cổ phần dệt may Sơn Nam, Cty cổ phần bia NaDa…

Bảo vệ môi trường nói chung và trong sản xuất CN-TTCN nói riêng rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, cơ quan quản lý và ý thức trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng như mỗi cá nhân. Trong đó cần tiếp tục nhân rộng các mô hình đã triển khai có hiệu quả như mô hình xử lý nước thải có chứa kim loại tại CCN Tống Xá. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường cho các chủ doanh nghiệp, người trực tiếp lao động và nhân dân. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về môi trường… để hoạt động sản xuất CN-TTCN không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội mà còn bảo đảm vệ sinh môi trường theo hướng an toàn bền vững./.

Bài và ảnh: Thanh Thủy

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com