Yên Lợi: Phát triển kinh tế trang trại, gia trại

06:03, 11/03/2011

Xã Yên Lợi (Ý Yên) đồng đất không bằng phẳng nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là về tưới tiêu nước. Để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, xã Yên Lợi đã khuyến khích các hộ thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, chuyển đổi các vùng ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả và tận dụng diện tích thùng đào, thùng đấu xây dựng các trang trại, gia trại tổng hợp. Qua thực tế phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tiêu biểu như hộ các ông: Nguyễn Việt Hùng (xóm Nam Sơn), Trần Văn Nghiên (xóm Thanh Thủy 2)… Ông Hùng cho biết: Sau nhiều năm nuôi bò lai Sind, nuôi dê, nhận thấy chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún hiệu quả kinh tế thấp, năm 2007,  ông đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ở khu đất rộng gần 1ha sát chân núi Phương Nhi. Ông xây dựng gần 2.000m2 chuồng trại, quy hoạch thành 5 dãy riêng biệt, trong đó có 2 dãy nuôi lợn thịt siêu nạc, 2 dãy nuôi lợn giống và một khu chuyên nuôi lợn nái ngoại theo tiêu chuẩn của Cty thức ăn CP Thái Lan. Khu chuồng được thiết kế có độ dốc, đảm bảo tiêu chí “đông ấm, hè mát”, được vệ sinh hàng ngày để tránh dịch bệnh. Từ năm 2008 đến nay, ông thường xuyên nuôi 30 con lợi nái ngoại. Toàn bộ đàn nái ngoại và 2 lợn đực giống đều được đánh số, có bảng theo dõi ngày phối giống, ngày đẻ để tiện theo dõi. Lợn giống sau một tháng nuôi cùng mẹ được xuất bán một phần, phần còn lại để nuôi thành lợn thịt với số lượng thường xuyên trên 100 con, nuôi theo hình thức gối sóng, tháng nào cũng có lợn thịt, lợn giống xuất bán. Hàng năm, trang trại xuất bán từ 35-40 tấn thịt lợn hơi, gần 500 con lợn giống, thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.

Hiện nay, xã Yên Lợi có trên 270 trang trại, gia trại với tổng diện tích trên 60ha ở cả 14 thôn, với các mô hình: lúa - cá, chăn nuôi tổng hợp (lợn, gà), con nuôi đặc sản (ba ba, nhím). Sau nhiều năm thực hiện, phong trào nuôi thủy sản của xã đã thu hút gần 30 hộ tham gia sản xuất theo mô hình cấy lúa, nuôi cá ở vụ xuân, chuyên cá trong vụ mùa và kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến cuối năm 2010, diện tích chuyển đổi theo mô hình lúa - cá của xã đã đạt trên 40ha, bình quân thu nhập đạt 60-70 triệu đồng/ha/năm. Một số hộ có diện tích lớn, đầu tư tập trung đã có lãi hàng trăm triệu đồng/ha/năm như hộ các ông: Đinh Văn Phong (thôn Đồng Lợi), Ngô Văn Toán (thôn Bình Điền), Đỗ Tiến Nhị (thôn Hưng Thịnh), Nguyễn Văn Thứ (thôn Thịnh Đại), Nguyễn Văn Phòng (thôn Thanh Thủy 2)… Ngoài các mô hình sản xuất truyền thống, những năm gần đây ở Yên Lợi đã có một số hộ mạnh dạn thử nghiệm mô hình nuôi đặc sản nhím, ba ba cho hiệu quả kinh tế cao như hộ các ông: Nguyễn Văn Toan, Nguyễn Văn Sử (nuôi ba ba, thôn Thịnh Đại), Đỗ Văn Hùng, Trần Văn Tân (nuôi nhím, thôn Thanh Trung)… Ông Sử cho biết: Từ năm 2007, sau khi đi nhiều nơi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, ông tận dụng diện tích vườn nhà cải tạo thành 3 ao nuôi ba ba trơn, với tổng diện tích gần 1.000m2, gồm 1 ao nuôi ba ba đẻ, 1 ao nuôi ba ba bố mẹ và 1 ao chuyên thả ba ba giống. Vụ đầu ông thả 1 tạ ba ba giống loại 0,5 kg/con. Sau 2 năm chăm sóc, ba ba trưởng thành và bắt đầu sinh sản đều từ tháng 2 đến tháng 9 âm lịch. Lượng trứng thu mỗi ngày được xếp vào các quây cát để ấp, sau 65-70 ngày ấp, ba ba con bắt đầu nở và tự động bò xuống chỗ có nước, tỷ lệ nở ổn định trên 90%. Ba ba giống sau khi nuôi 25-30 ngày, đạt kích thước bằng miệng chén uống nước mới xuất bán, với giá từ 30 nghìn đồng/con trở lên. Mỗi năm ông Sử bán được trên 4.000 con giống và gần 4 tạ ba ba thịt với giá 350 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, còn thu lãi trên 80 triệu đồng/năm.  

Sản xuất nông nghiệp theo mô hình trang trại, gia trại đã trở thành phong trào, từ đó nhiều hộ ở Yên Lợi vươn lên làm giàu chính đáng. Năm 2010, toàn xã đã có 470 hộ sản xuất kinh doanh có doanh thu trên 64 triệu đồng/năm, trên 203 hộ có doanh thu trên 120 triệu đồng/năm và đặc biệt có 27 hộ đạt mức doanh thu trên 240 triệu đồng/năm. Thời gian tới, xã Yên Lợi tiếp tục đẩy mạnh việc giao diện tích đất công ích cho nhân dân để mở rộng mô hình trang trại tổng hợp; khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển kinh tế gia trại theo hướng đa dạng hoá cơ cấu vật nuôi, tiến tới quy hoạch vùng nuôi thuỷ sản tập trung để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển./.

Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com