Yên Khánh phát triển ngành nghề

07:03, 18/03/2011

Những năm qua, nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển ngành nghề nên đời sống của nhân dân xã Yên Khánh (Ý Yên) không ngừng được cải thiện. Năm 2010, số hộ nghèo của xã chỉ còn trên 7%.

Được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng uỷ, UBND xã, năm 2008 Cty Hoàng Khánh kết hợp với Trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định, Trung tâm Khuyến công tỉnh tổ chức lớp đào tạo nghề thêu ren cho 200 lao động trong xã. Sau thời gian học, các học viên đều có việc làm với thu nhập 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng. Trong các năm 2009, 2010, Cty Hoàng Khánh tiếp tục hợp tác với Trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định mở các lớp học nghề thêu cho lao động trong xã và các xã lân cận như Yên Bình, Yên Phú, Yên Phong, Yên Chính... Đến năm 2010, đã có gần 500 lao động trong và ngoài xã được đào tạo nghề thêu và có việc làm ổn định. Bên cạnh đó, nghề móc sợi cũng tạo việc làm cho nhiều lao động. Chị Hoàng Thị Hiền ở thôn An Lạc là người đầu tiên đi học nghề dệt len và mua máy dệt len rồi tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho 10 lao động và khoảng 10 hộ nhận hàng về gia công. Thông qua chương trình tạo nghề cho lao động nông thôn, xã được cấp 10 máy dệt len và tổ chức dạy nghề. Đến nay, cả xã có khoảng 60 lao động dệt len, thu nhập đạt trên 1 triệu đồng/người/tháng. 

Cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng, mộc xây dựng của anh Đỗ Trọng Cường, thôn An Lạc, xã Yên Khánh (Ý Yên).
Cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng, mộc xây dựng của anh Đỗ Trọng Cường, thôn An Lạc, xã Yên Khánh (Ý Yên).

Vừa tập trung phát triển nghề mới, xã Yên Khánh chú trọng duy trì các nghề truyền thống như mộc, nề, cơ khí. Trong xã có nhiều tổ hợp, hộ gia đình sản xuất đồ mộc. Trước đây, sản phẩm chủ yếu là mộc dân dụng thì ngày nay các cơ sở sản xuất trong xã phát triển mạnh sản phẩm mộc mỹ nghệ. Nhiều người được đào tạo nghề tại các trường trung cấp nên đã có nhiều sáng tạo trong cải tiến mẫu mã sản phẩm, từng bước đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Nhiều cơ sở sản xuất đã đầu tư hàng chục triệu đồng mua các loại máy chế biến gỗ nhằm giảm nhẹ sức lao động, tăng năng suất tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Cơ sở sản xuất của các ông Hợi, Kiệm, Lưu, Hưng, Luân ở thôn Tu Cổ tạo việc làm cho 5-7 lao động, thu nhập trên 2 triệu đồng/người/tháng. Nghề nề cũng thu hút nhiều lao động tham gia. Anh Đào Duy Hùng ở thôn Tu Cổ đã học và nhận phục chế, làm mới kiểu nhà cổ, tạo việc làm cho 3 lao động có thu nhập ổn định. Đội xây dựng của anh Đào Duy Nghĩa ở xóm 2 thu hút 15-20 lao động, nhận thi công các công trình trong và ngoài xã, bảo đảm chất lượng về kỹ, mỹ thuật. Lao động nghề nề có thu nhập gần 3 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh phát triển sản xuất CN-TTCN, Yên Khánh cũng chú trọng tạo việc làm từ sản xuất nông nghiệp. Năm 2007, thôn Từ Liêm và thôn Thượng được sự giúp đỡ của Viện Kinh tế sinh thái (Bộ NN-PTNT) và tổ chức phi Chính phủ của Pháp (CCFD) có gần 20 hộ tham gia dự án sản xuất bền vững. Các hộ được hỗ trợ một khoản tiền để xây chuồng trại, đào ao, đầu tư con giống và được tập huấn kỹ thuật về nuôi trồng các loại cây, con, sản xuất kinh doanh hiệu quả. Gia đình chị Nguyễn Thị Khuyến có 1,5 mẫu đất xây dựng mô hình vườn, ao, chuồng. Chị nuôi 10 con lợn nái, 60-100 con lợn thịt, dưới ao thả các loại cá truyền thống, trên vườn trồng cây màu theo thời vụ. Năm 2010, trừ chi phí gia đình chị còn thu trên 80 triệu đồng. Nhiều hộ trong vùng dự án có thu hoạch cao như hộ các ông: Hoàng Trọng Hán, Hoàng Trọng Đũa, Hoàng Trọng Huân. Xã có trên 80 mô hình VACR; trong đó 60 mô hình có thu nhập từ 50-100 triệu đồng một năm. Chăn nuôi phát triển, hàng năm đàn lợn thịt đạt trên 2.000 con, 8.000 con lợn sữa và trên 34 nghìn con gia cầm.

Tập trung phát triển ngành nghề, tạo nhiều việc làm cho người lao động, cuộc sống của người dân Yên Khánh đang từng bước được cải thiện./.

Bài và ảnh: Trần Hữu Quyết



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com