Ở vùng chuyển đổi Nghĩa Châu

09:03, 16/03/2011
Chuẩn bị cá giống cho vụ nuôi thủy sản 2011 ở trại cá của ông Đồng Văn Vơn, xóm 6, xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng).
Chuẩn bị cá giống cho vụ nuôi thủy sản 2011 ở trại cá của ông Đồng Văn Vơn, xóm 6, xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng).

Xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) có hơn 500ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó có một phần diện tích ven sông Đáy chỉ cấy được một vụ lúa xuân. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác, năm 2008, xã Nghĩa Châu đã quy hoạch chuyển đổi 30ha diện tích cấy lúa năng suất thấp tại xóm 6 và 7 thôn Hải Dương sang nuôi thủy sản. UBND xã mời cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh (Sở NN-PTNT) về khảo sát thực địa và xây dựng dự án chuyển đổi. Để dự án triển khai có hiệu quả, xã đã thành lập Ban quản lý dự án, tổ chức triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, của xã và một phần đóng góp của nhân dân, vùng chuyển đổi đã được đầu tư trên 12 tỷ đồng nâng cấp, cải tạo một số công trình như làm 4,2km đường bê tông, lắp đặt 2,8km đường điện hạ thế; xây mới, sửa chữa 7 cống cấp nước, 2 cầu qua sông và kênh tiêu, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu tưới tiêu... Tham gia dự án, các hộ phải có 2.500m2 trở lên, diện tích chuyển đổi liền vùng, liền thửa và chỉ được xây nhà bảo vệ vùng nuôi với diện tích 12-15m2 theo đúng quy hoạch. Ngoài ra, UBND xã chỉ đạo HTXNN mời cán bộ khuyến nông, khuyến ngư của tỉnh, của huyện về tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn xã viên cách phòng bệnh và chọn nuôi các loại con nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đồng đất địa phương. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đứng ra tín chấp với Ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng CS-XH cho các hộ vay vốn để đầu tư xây dựng, đào đắp, nạo vét ao đầm. Trong năm đầu tiên, đã có 37 hộ tham gia chuyển đổi với diện tích 10ha, chủ yếu nuôi, sản xuất các giống cá truyền thống như: cá trôi, cá chép, cá mè và cá lóc bông. Nhờ nắm vững kỹ thuật và có cơ sở hạ tầng thuận lợi cho việc tưới, tiêu nước nên vùng chuyển đổi của xã đã cho hiệu quả cao, với tổng sản lượng là 50 tấn cá các loại, trong đó có 30 tấn cá lóc bông, sau khi trừ chi phí, vùng dự án đã thu lãi gần 650 triệu đồng. Năm 2009, đã có thêm 56 hộ dân tự nguyện đăng ký tham gia vùng chuyển đổi, nâng tổng diện tích nuôi thủy sản lên 24ha. Ngoài các loại cá truyền thống, các hộ đưa giống mới như cá Diêu hồng, cá Trường Giang vào nuôi nên giá trị thu nhập cao hơn cấy lúa từ 4-5 lần. Tiêu biểu như hộ các ông: Phạm Văn Chuyền, Đồng Văn Khải, Phạm Thành Chung ở xóm 7; Vũ Đình Hạnh ở xóm 6, mỗi hộ thu lãi khoảng 200 triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá. Năm 2009, sản lượng cá của các hộ ở vùng chuyển đổi đạt 110 tấn cá các loại, thu lãi trên 1 tỷ đồng. Năm 2010, xã Nghĩa Châu tiếp tục mở rộng vùng nuôi thủy sản sang khu vực dưới bãi sông của xóm 6 và 7, đồng thời hoàn tất việc đổ bê tông 4 trục đường xương cá đảm bảo thuận tiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ. Tại vùng chuyển đổi nuôi thủy sản hiện có 3 trại cá giống, sản xuất 6 vụ cá mỗi năm, cung cấp cho thị trường khoảng 800 triệu con giống. Các trại giống không chỉ cung ứng đủ nhu cầu về con giống cho các hộ dân trong xã mà còn xuất bán ra các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… Trong đợt rét đậm, rét hại kéo dài trong dịp trước Tết Nguyên đán Tân Mão, các hộ dân ở vùng chuyển đổi đã chủ động giữ an toàn cho cá thịt và cá giống. Ông Đồng Văn Vơn, chủ trang trại cá giống ở xóm 6 có kinh nghiệm qua 23 năm sản xuất cá giống đã nghĩ ra cách chống rét hiệu quả cho đàn cá chim trắng (loại cá yếu chịu rét, thường chết khi nhiệt độ xuống dưới 100C) bằng cách dùng nilông hoặc bạt căng cao trên bờ chắn gió hướng bắc kết hợp với việc thả bèo lục bình kín mặt nước, bó rơm, gốc rạ thành tổ thả xuống đáy ao cho cá tránh rét, đồng thời bơm nước giếng khoan tạo thành dòng nước ấm cho cá chống rét. Cách làm hiệu quả của gia đình ông Vơn đã được các hộ dân trong vùng nuôi học tập và áp dụng vào bảo vệ đàn cá, giảm được thiệt hại đáng kể do thời tiết bất thuận gây ra.

Bằng sự năng động trong chuyển đổi sản xuất, xã Nghĩa Châu đã có vùng nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com