Quy hoạch tổng thể (QHTT) phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 1995-2010 là công trình quy hoạch đầu tiên của ngành được thực hiện trên cơ sở kế thừa kết quả của dự án “Xây dựng kế hoạch chỉ đạo phát triển du lịch Việt Nam 1991-2005” do Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) và Tổ chức Du lịch thế giới (WTO) tài trợ thực hiện. QHTT du lịch giai đoạn 1995-2010 được triển khai thực hiện trong bối cảnh đất nước mở cửa và hội nhập, Đảng và Nhà nước xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Bằng sự nỗ lực của ngành du lịch, du lịch đã có một chặng đường phát triển vượt bậc. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam không ngừng tăng cao, năm 1995 đón 1.351.000 lượt khách quốc tế, năm 2010 đón 5 triệu lượt khách. Tốc độ tăng trưởng trung bình về khách quốc tế cả giai đoạn đạt 9,2%. Du lịch phát triển đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước: Thu nhập du lịch tăng từ 6,4 nghìn tỷ đồng vào năm 2010 với tốc độ tăng trưởng 19,8%/năm; tính đến cuối tháng 11-2010 có khoảng 625 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đăng ký đạt 12,258 tỷ USD. Đặc biệt, du lịch đã tạo việc làm cho nhiều lao động (tính đến năm 2010, khoảng 450 nghìn lao động trực tiếp và gần 1 triệu lao động gián tiếp), góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo… Phát triển du lịch đồng thời đã đưa hình ảnh đất nước đến với thế giới, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là các di sản thế giới ở Việt Nam.
Ruộng bậc thang Mù Căng Chải (Yên Bái).
Ảnh: Internet
|
Theo PGS-TS Phạm Trung Lương - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - mặc dù kết quả thu nhập du lịch là đáng ghi nhận, nhưng tỷ lệ đóng góp GDP du lịch trong tổng GDP cả nước giai đoạn 1995-2010 còn hạn chế, chưa thực sự tương xứng với mục tiêu chiến lược và QHTT đặt ra là ngành kinh tế mũi nhọn. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2005-2010 còn mang tính hình thức. Đặc biệt, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn thấp. Năm 2008, Việt Nam xếp thứ 97 trên tổng số 113 nước, trong khi Singapore xếp thứ 7, Malaysia xếp thứ 32. Điều này cho thấy, Việt Nam thiếu các sản phẩm đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, giá cả thiếu cạnh tranh, nhiều khu du lịch, điểm du lịch phát triển tự phát, chưa có thương hiệu du lịch quốc gia, quảng bá xúc tiến du lịch còn hạn chế, thông tin du lịch chưa được cung cấp đủ và kịp thời cho du khách và các nhà đầu tư… Hoạt động phát triển du lịch theo lãnh thổ còn thiếu sự gắn kết giữa các địa phương; vai trò của Trung tâm du lịch với sự phát triển du lịch của vùng, tiểu vùng, các địa phương trong lãnh thổ chưa được phát huy đầy đủ. Hoạt động du lịch gắn với bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hóa lịch sử còn hạn chế; cảnh quan môi trường du lịch chưa được chú trọng bảo vệ; sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch còn hạn chế, ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững… Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến việc cạnh tranh thấp là quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư khu du lịch còn nhiều bất cập, thực hiện chưa triệt để, dẫn tới đầu tư manh mún, dàn trải, không tạo ra hiệu quả tổng thể. Cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế, trong đó có du lịch. Nhiều tuyến du lịch đến các điểm tham quan chất lượng kém, kéo dài thời gian tham quan của du khách, giảm sự hấp hẫn của điểm đến, an toàn giao thông đường bộ, đường thủy chưa đảm bảo, an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều vấn đề…
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo ông Phạm Trung Lương, cần rút ra một số bài học cho phát triển du lịch giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, phải xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 trên cơ sở những quyết sách mạnh mẽ hơn về tổ chức, quản lý, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và xúc tiến quảng bá du lịch. Cần tăng cường nhận thức xã hội, đặc biệt là đội ngũ quản lý về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về du lịch, chú trọng tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, mang bản sắc Việt Nam có sức cạnh tranh cao song song với việc xây dựng thương hiệu cho du lịch, coi trọng đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch như một yếu tố đặc biệt quan trọng để thu hút đầu tư FDI và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam…