Dạy nghề cho nông dân: Hiệu quả bước đầu và những giải pháp

09:03, 28/03/2011

 I - Đa dạng hình thức đào tạo

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 16/CT-TU của Ban TVTU về việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, UBND tỉnh đã xây dựng, triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020”. Qua điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn tại 243 nghìn hộ (chiếm tỷ lệ 44% số hộ toàn tỉnh), kết quả có trên 108 nghìn người có nhu cầu học nghề; trong đó học nghề thường xuyên dưới 3 tháng có gần 50 nghìn người, sơ cấp nghề có trên 50 nghìn người, trung cấp nghề có trên 7.000 người, cao đẳng nghề có trên 1.300 người. Nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là trên 62 nghìn người. Trong đó nhóm ngành nghề nông, lâm nghiệp cần 3.620 người; nhóm ngành ngư nghiệp cần 350 người; nhóm ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cần trên 21 nghìn người; nhóm ngành công nghiệp cần trên 32 nghìn người và nhóm ngành dịch vụ cần 4.650 người. Để triển khai các chương trình, đề án đào tạo nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND ngày 16-6-2010, quy định mức hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Theo đó, các nghề có chi phí nguyên vật liệu thực tập lớn như nghề: Hàn, cắt gọt kim loại, cơ khí sửa chữa, đúc kim loại, kỹ thuật điêu khắc gỗ, may công nghiệp… được hỗ trợ 2 triệu đồng/người/khóa học; các nghề còn lại như: thêu ren, dệt thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, trồng hoa cây cảnh, dịch vụ nhà hàng khách sạn… mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng/người/khóa học. Thực hiện đề án của tỉnh, các huyện, thành phố chọn mở 7 lớp thí điểm theo mô hình cho 250 lao động, tập trung vào các nghề: mây tre đan xuất khẩu; chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản, trồng hoa cây cảnh… Trong đó, tại huyện Giao Thủy đã có 2 lớp dạy nghề thêu ren; huyện Trực Ninh có 1 lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc gia cầm; TP Nam Định có 2 lớp dạy nghề về nuôi cá nước ngọt và nghề hàn. Song song với việc triển khai các lớp dạy nghề thí điểm theo mô hình, 22 cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã tiến hành dạy nghề theo chương trình đã ký kết với Sở LĐ-TB và XH. Trong đó, có 126 lớp cho gần 5.000 lao động nông thôn đã được tham gia các lớp dạy nghề về mây tre đan, cơ khí, dệt, chăn nuôi…; 4 lớp dạy nghề may cho 120 lao động là người tàn tật; 50 lớp cho gần 1.500 người thuộc đối tượng hộ nghèo. Cùng với các lớp dạy nghề sơ cấp, dài hạn, việc dạy nghề cho các xã thí điểm “xây dựng nông thôn mới” được các địa phương quan tâm. Đến hết tháng 12-2010, các xã điểm đã tổ chức mỗi xã một lớp dạy nghề, mỗi lớp 30 học viên, với các nghề: vê đay; đan bẹ chuối; chăn nuôi gia súc, gia cầm; thêu ren; mộc mỹ nghệ; nuôi thủy sản… Riêng xã Hải Đường (Hải Hậu) đã tổ chức 10 lớp dạy nghề cho 310 học viên. Nhiều mô hình đào tạo mới đã được triển khai thí điểm hoặc triển khai thực hiện có hiệu quả. Đối với việc đào tạo nghề cho người lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp như: chăn nuôi, trồng hoa cây cảnh, nuôi tôm, trồng nấm… các huyện, thành phố đã giao cho các xã, thị trấn, HTX nông nghiệp trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phải xác định được quy hoạch vùng sản xuất, ngành nghề cần tập trung phát triển, từ đó tạo điều kiện cho học viên sau khi học nghề có diện tích đất, ao hồ, môi trường, vay vốn tín dụng… để triển khai sản xuất. Đối với các nghề bán nông nghiệp như: đan bẹ chuối, bèo tây, mây tre… ngoài các quy định trách nhiệm của các bên liên quan còn phải có cam kết giữa UBND xã với doanh nghiệp và các cơ sở dạy nghề để cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người lao động. Đối với việc đào tạo nghề phi nông nghiệp như: chạm khắc gỗ, khảm, đúc, dát đồng mỹ nghệ, may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp… các ngành liên quan và các huyện, thành phố xác định nghề đào tạo và chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn huyện phối hợp với cơ sở dạy nghề để mở các lớp đào tạo nghề và cam kết thu hút lao động sau khi được đào tạo.

 

Dạy nghề thêu ở cơ sở thêu xuất khẩu của chị Phạm Thị Loan, xóm 8, xã Hải Đường (Hải Hậu).  Bài và ảnh: thanh tuấn
Dạy nghề thêu ở cơ sở thêu xuất khẩu của chị Phạm Thị Loan, xóm 8, xã Hải Đường (Hải Hậu).

II - Một số giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề có hiệu quả

Từ những kết quả bước đầu trong công tác đào tạo nghề cho nông dân ở một số địa phương, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở về công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, thông qua các hội, đoàn thể, các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dạy nghề để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của công tác dạy nghề đối với việc nâng cao nguồn nhân lực; tăng cường công tác quản lý nhà nước về dạy nghề; tạo cơ chế chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, thành lập mới các cơ sở dạy nghề, đặc biệt là các cơ sở dạy nghề đặt ở các huyện, cơ sở dạy nghề công nghệ cao. Thực hiện chính sách hỗ trợ vốn vay, miễn giảm thuế, hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý đối với các cơ sở dạy nghề công lập và ngoài công lập; tăng cường đầu tư cho các cơ sở dạy nghề trọng điểm theo quy hoạch; tiếp tục hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách, người nghèo, bộ đội xuất ngũ. Một giải pháp quan trọng khác đó là việc tạo ra mối quan hệ, liên kết giữa các cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp và các thành phần kinh tế trong công tác tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm. Khuyến khích và tăng cường các hình thức liên kết giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sản xuất; kết hợp đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản tại cơ sở đào tạo với đào tạo kỹ năng nghề nghiệp tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo hướng nâng cao kỹ năng thực hành, xây dựng nội dung, chương trình đào tạo nghề phù hợp với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như ở địa phương. Sắp xếp đội ngũ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, bổ sung giáo viên dạy những nghề mới nhằm đáp ứng yêu cầu dạy nghề của người lao động.

Với sự phát triển ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông, nhất là mạng Internet, hình thức đào tạo nghề cho nông dân thông qua hoạt động thông tin - tư vấn cũng cần phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng tạo ra đội ngũ nông dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Các trung tâm dạy nghề, các đoàn thể cần cung cấp cho người lao động những tri thức và thông tin cần thiết về sản xuất nông nghiệp; quản lý nông nghiệp; tiếp cận thị trường; thông tin về cơ sở pháp lý và thương mại trong sản xuất nông nghiệp. Để biện pháp này đạt hiệu quả, các trung tâm dạy nghề cần xây dựng mạng lưới thu thập và xử lý thông tin về thị trường nông sản cũng như các hàng hóa khác liên quan tới sản xuất nông nghiệp... Các cơ sở dạy nghề cần nâng cao năng lực dạy nghề; liên kết mở các lớp dạy nghề miễn phí cho nông dân.

Bên cạnh việc phát huy những ngành nghề sẵn có, cần lựa chọn các ngành nghề mới, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với lao động nông nghiệp, nông thôn. Bài học thực tế ở nhiều địa phương cho thấy đã có nhiều ngành nghề mới như: nuôi ba ba, ếch, lươn, giun đất, nhím, lợn rừng... đã đem lại hiệu quả không nhỏ. Địa phương cần dự báo chính xác thị trường lao động, nhu cầu học nghề để từ đó các cơ quan quản lý đưa ra quy hoạch hệ thống đào tạo phù hợp với từng vùng, miền, chuẩn hoá chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu thông tin, tư vấn nghề, học nghề và có việc làm đúng nghề đã học của người lao động./.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com