Những năm gần đây, năng suất lúa của xã Trực Thanh (Trực Ninh) thường đạt 126 tạ/ha/năm, tổng sản lượng lương thực trên 4.200 tấn, giá trị 1ha đất canh tác đạt trên 65 triệu đồng. Giá trị sản xuất CN-TTCN, dịch vụ ước tính mỗi năm đạt 25 tỷ đồng. Đạt được kết quả trên là do Đảng uỷ, UBND, HTXNN đã tập trung lãnh đạo, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương.
Để sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, hàng năm xã đầu tư hàng trăm triệu đồng từ nguồn vốn tập thể và sự đóng góp của nhân dân để xây dựng hệ thống thủy nông, thủy lợi, bờ vùng, bờ thửa một cách hợp lý, khoa học. Trong sản xuất nông nghiệp, các giống lúa có năng suất, chất lượng và giá trị cao như Bắc thơm số 7, BC15 được đưa vào thay thế các giống lúa kém hiệu quả. Quy trình sản xuất được xây dựng kịp thời và phù hợp để phổ biến đến từng hộ xã viên. Việc chuyển giao KHKT và tổ chức tập huấn tiến bộ về trồng trọt, chăn nuôi mỗi năm từ 15-20 lớp, mỗi lớp từ 150-200 người. Ngoài cây lúa, cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa của xã tăng dần qua từng năm. Năm 2010, tổng diện tích cây màu đạt trên 45ha, trong đó có 13ha trên đất 2 vụ lúa. Đã có 8/15 xóm tham gia trồng cây vụ đông với các loại bí xanh, khoai tây, đậu tương, ngô. Nhiều hộ có thu nhập cao từ cây vụ đông như hộ ông Khanh, ông Tuân ở xóm 12 trồng bí xanh cho thu 1,5 triệu đồng/sào và trồng ngô cho thu 500 nghìn đồng/sào. Chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng tạo nguồn thu lớn. Toàn xã có trên 30 gia trại chăn nuôi lợn theo phương pháp công nghiệp, bán công nghiệp với quy mô trên 50 con. Tổng đàn gia súc đạt trên 3.500 con, đàn gia cầm đạt 20-22 nghìn con. Diện tích nuôi thuỷ sản của xã tăng qua từng năm; giá trị 1ha thuỷ sản ước tính đạt trên 80 triệu đồng. Gia đình anh Châu ở xóm 5 chuyển đổi 3.000m2 ruộng cấy lúa năng suất thấp sang nuôi thuỷ sản cho thu nhập gấp 2,5 lần.
Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã đã tập trung đẩy mạnh xúc tiến các thủ tục GPMB với diện tích 22,4ha cho 5 doanh nghiệp sửa chữa, đóng mới tàu thuyền và sản xuất VLXD vào đầu tư. Cty Minh Tiến thuê 2,5ha đã hoàn thành thủ tục xây dựng nhà máy sản xuất gạch tuynel, khi đi vào sản xuất sẽ tạo việc làm cho khoảng 100 lao động. 6 lò gạch cải tiến áp dụng công nghệ mới và tạo việc làm cho gần 200 lao động. Cty Thành Nam (Hải Phòng) có dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm cơ khí. Bên cạnh đó, xã luôn tạo điều kiện cho nghề truyền thống ở địa phương phát triển như nghề đan cót thu hút hàng trăm hộ tham gia, thu nhập bình quân 15-20 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài ra, xã đưa về các nghề mới như mây tre đan, thêu ren, sơn chắp nứa, đan bẹ chuối xuất khẩu… Hàng năm, giá trị sản xuất CN-TTCN, dịch vụ của xã đạt 25 tỷ đồng.
Trong phát triển kinh tế, HTXNN và các tổ chức đoàn thể có vai trò quan trọng. HTXNN làm tốt các khâu dịch vụ: làm đất, bảo vệ thực vật, chuyển giao tiến bộ KHKT, cung ứng vật tư nông nghiệp, cho vay tín dụng. Mỗi năm HTX cung ứng thuốc trừ sâu trị giá 30-50 triệu đồng/vụ. Dịch vụ tín dụng nội bộ có số dư 1,8-2 tỷ đồng cho 200 hộ vay sản xuất kinh doanh. Hội Nông dân xã xây dựng 10 mô hình sản xuất kinh doanh giỏi và tín chấp cho hội viên vay 2,4-2,5 tỷ đồng mỗi năm để phát triển kinh tế. Hội Phụ nữ làm chủ đề án tín chấp vay từ Ngân hàng CSXH mỗi năm 2,2-2,5 tỷ đồng cho hàng trăm hộ vay phát triển sản xuất, làm công trình nước sạch và VSMT.
Trong thời gian tới, xã Trực Thanh tập trung xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại; tiếp tục dồn điền đổi thửa chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Tạo điều kiện cho các hộ vay vốn, quảng bá sản phẩm để ổn định nghề truyền thống, phát triển thêm nghề mới phù hợp với đặc điểm, lợi thế của địa phương góp phần tăng giá trị sản xuất CN-TTCN, dịch vụ mỗi năm 10%./.
Hữu Quyết