Sản xuất ở Cty CP may Sông Hồng, Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường).
Ảnh:
Thanh Thủy
|
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam, đã đến lúc doanh nghiệp dệt may Việt cần tham gia vào Chuỗi cung ứng dệt may ASEAN (SAFSA).
Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt trên 11 tỷ USD, đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu trong 26 mặt hàng chính của cả nước. Trong 2 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là con số kỷ lục từ trước đến nay của ngành. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thì các doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam vẫn còn thụ động, vấp phải nhiều đối thủ cạnh tranh lớn và chưa đạt được kết quả xứng với tiềm năng. Bước sang năm 2011, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng nguyên vật liệu cho ngành dệt may. Bên cạnh đó, công tác marketing của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, điều này lý giải nguyên nhân vì sao dệt may Việt Nam chưa có chỗ đứng cao trên thị trường thế giới.
Trong buổi hội thảo giới thiệu về SAFSA tại Hà Nội do Hiệp hội Dệt May Việt Nam tổ chức, ông Chris Koh - thành viên Hội Tư vấn của SAFSA - cho rằng, sở dĩ các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nên tham gia vào SAFSA bởi trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, các nhà nhập khẩu không phải chọn doanh nghiệp đưa ra giá thấp nhất mà họ lựa chọn những doanh nghiệp có thể cung ứng một sản phẩm và dịch vụ có chất lượng, bao gồm cả giao hàng nhanh và chuỗi cung ứng hiệu quả, tin cậy. Hiện nay, các DN trong ngành dệt may Việt Nam chưa đẩy mạnh được xuất khẩu là do hầu hết sản phẩm dệt may gia công. Ông Chris Koh cho biết, chuỗi cung ứng dệt may ASEAN (SAFSA) được hình thành trên cơ sở liên kết các nhà máy dệt và nhà máy may của khu vực thành một nhóm để nâng cao chất lượng và uy tín các sản phẩm của ngành dệt may toàn khu vực khi gia nhập vào thị trường dệt may hiện đại của thế giới. Với chuỗi cung ứng này, cả bên cung cấp và khách hàng đều có lợi. Các nhà cung cấp sẽ chuyển dần từ gia công sản phẩm đơn thuần sang sản xuất dịch vụ trọn gói, nắm bắt chính xác thị hiếu của khách hàng, chủ động về thời gian, có quyền chọn khách hàng phù hợp với dịch vụ mình cung cấp nhất... Trong khi đó, khách hàng tiết kiệm được thời gian và công sức, có nhiều sự lựa chọn về các nhà cung ứng dịch vụ hơn.
Ông Chris Koh khẳng định, tham gia vào SAFSA, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may sẽ cao hơn rất nhiều so với những doanh nghiệp “đơn thương độc mã” trên thị trường rộng lớn của thế giới. SAFSA sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tháo gỡ khó khăn từ khâu mua nguyên phụ liệu đến khi may, thành phẩm và bán hàng, giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam ổn định nguồn nguyên phụ liệu đầu vào và xuất khẩu hàng hoá ra thị trường lớn, đặc biệt là thị trường Mỹ chiếm 55% thị phần.
Bà Cao Thị Kim Oanh, phòng Thị trường - Tổng Cty may 10 - chia sẻ, hiện nay, công tác quảng bá thương hiệu và marketing của doanh nghiệp Việt Nam còn kém, chủ yếu là khách hàng nước ngoài tự tìm đến. Do vậy, tham gia vào SAFSA sẽ mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, tăng cường được khả năng cạnh tranh trên thị trường dệt may thế giới. Một vấn đề mà các doanh nghiệp còn băn khoăn là chi phí để có thể tham gia vào SAFSA không hề nhỏ, với chi phí ban đầu là 1.750 USD cho một lần đánh giá tiêu chuẩn chất lượng SAFSA, 1.500 USD cho một lần đánh giá việc tuân thủ bộ quy tắc ứng xử SAFSA và chi phí hội viên 500 USD/tháng. Nhưng theo Tổng giám đốc Tổng Cty may 10 Nguyễn Thị Thanh Huyền - với lợi ích mà việc tham gia vào SAFSA mang lại cho doanh nghiệp thì chi phí như vậy không phải là cao./.
Theo: baocongthuong.com.vn