Tập trung chăm bón, bảo vệ lúa xuân

08:03, 23/03/2011

Những ngày trung tuần tháng 3-2011, trên các cánh đồng, rộn rã tiếng nói cười của bà con nông dân đang đổ ra đồng chăm bón, bảo vệ lúa xuân. Bác Nguyễn Đức Hiệp, trưởng thôn Tiên Hào, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) đang cùng mọi người dặm tỉa dàn lúa gieo sạ trên cánh đồng cho biết: Vụ xuân này thôn có gần 90% diện tích lúa gieo sạ. Do nắm vững kỹ thuật nên dàn lúa lên đều, ít phải dặm tỉa. Song thời tiết cứ âm u thế này lợi cho việc “theo” nước nhưng sâu bệnh khó lường, nhất là bệnh đạo ôn hại lúa nên chúng tôi phải ra thăm đồng thường xuyên để phát hiện và xử lý kịp thời…

Ở vùng tưới tiêu tự chảy gồm các huyện: Giao Thuỷ, Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, hệ thống mương đều ăm ắp nước. Anh Đỗ Như Hùng, thủ cống Múc 2 của Cty TNHH một thành viên KTCTTL Hải Hậu liên tục đo độ chênh của nước giữa sông với kênh trong đồng rồi đo thử độ mặn. Anh cho biết: “Vì các hồ thuỷ điện không xả nước đợt 3 như năm ngoái nên Cty liên tục cử người “bám” cống để khi nước không mặn, độ chênh cho phép là mở cống tích nước vào mương, tạo nguồn bơm tát dưỡng lúa…”. Trước khi các hồ thủy điện xả nước chống hạn, toàn bộ trên 2.000ha canh tác của 7 HTX thuộc miền Tân Phong do anh phụ trách đã lấy nước thau chua rửa mặn 2 lần. Khi các hồ thuỷ điện xả nước chống hạn, nhiều diện tích được thau chua rửa mặn tới 4-5 lần nên trà lúa vùng Tân Phong bén rễ nhanh, sinh trưởng phát triển tốt với độ đồng đều cao. Ở hệ thống tưới Bình Hải II (Nghĩa Hưng) cũng ắp nước, kể cả các xã giáp biển, cuối nguồn tưới như Nam Điền, Nghĩa Thắng, Nông trường Rạng Đông, Nghĩa Hải… Đồng chí Nguyễn Văn Túc, Giám đốc Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nghĩa Hưng trao đổi: “Rút kinh nghiệm vụ xuân năm 2010, năm nay Cty đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, quyết tâm không để hiện tượng hạn mặn xảy ra, không để diện tích nào thiếu nước tưới…”. Với 5 lần thau chua rửa mặn cho những diện tích trồng lúa của các xã ven biển, cửa sông - quả là một kỳ tích trong vụ xuân này ở Nghĩa Hưng. Cũng do tập trung nạo vét kênh mương, làm thuỷ lợi nội đồng nên nguồn nước ngọt được tích trong hệ thống đủ nguồn đấu tát. Các thủ cống thường xuyên túc trực khi độ mặn cho phép và nước ngoài sông lớn hơn trong kênh là mở cống tích nước vào kênh… Ngoài ra, Cty còn làm việc với Cty xăng dầu, điện lực… cung ứng đủ xăng dầu, xây dựng lịch bơm tát để ngành Điện ưu tiên cung cấp đủ điện và chất lượng điện tốt cho chống hạn. Các giải pháp chống hạn của Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nghĩa Hưng cũng là những giải pháp của hệ thống thuỷ nông Xuân Thuỷ, Hải Hậu, Nam Ninh. Với các vùng tưới tiêu bằng động lực, Cty Điện lực đã cùng với các Cty TNHH một thành viên KTCTTL các huyện, Mỹ Thành và Bắc Nam Hà lên lịch cụ thể cho từng đợt bơm tát dưỡng lúa kiên quyết không để thiếu điện chống hạn. Các Cty còn bàn kỹ với các HTX, Ban nông nghiệp xã tiết kiệm nước tưới theo phương châm “rút dưới tưới trên” không để úng cục bộ, không để vùng nào khô hạn, không để thiếu nguồn bơm tát. 

Nông dân xã Nghĩa An (Nam Trực) kiểm tra tốc độ sinh trưởng của lúa xuân.  Ảnh: Xuân Thu
Nông dân xã Nghĩa An (Nam Trực) kiểm tra tốc độ sinh trưởng của lúa xuân.
Ảnh: Xuân Thu

Cùng với bảo đảm đủ nước tưới, các địa phương chủ động phòng trừ dịch hại lúa xuân. Do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 3-1 đến 2-2-2011, có nhiều ngày nhiệt độ xuống dưới 10oC sau đó trời ấm lên chừng một tuần rồi rét trở lại. Tuy rét trở lại nhẹ hơn, nhiệt độ trung bình 15-200C kết hợp với mưa phùn là điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Do sâu bệnh đã qua vụ đông nên sức sinh sản lớn, diễn biến của sâu bệnh hại lúa có xu thế giống với năm 2008, song khả năng mức độ cao hơn, diện phân bổ rộng và không gọn lứa. Cùng với tiết trời âm u và mưa phùn kéo dài, bệnh đạo ôn lá sẽ phát sinh vào trung tuần tháng 3, gây hại nặng từ cuối tháng 3 đến trung tuần tháng 4 trên các giống DT10, BC15, BT7, Q5 và cả lúa lai Nhị ưu 838. Đặc biệt vụ xuân này giống BT7 chiếm tới 41% diện tích cấy lúa toàn tỉnh, giống BC15 được các xã phía bắc huyện Vụ Bản và Mỹ Lộc cấy với diện tích lớn. Những diện tích nhiễm đạo ôn lá nếu trừ không triệt để và khi lúa trỗ gặp mưa sẽ phát sinh đạo ôn cổ bông. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 1, lứa 2 sẽ gây hại từ trung tuần tháng 3 đến hết tháng 4. Mật độ sâu cuốn lá lứa 2 sẽ rất lớn, có thể đạt 30-80 con/m2, nơi cao 300-600 con/m2, cục bộ lên tới trên 800 con/m2 nếu không trừ tốt sẽ giảm năng suất đáng kể nhất là lứa thứ 2. Đề phòng sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 gây hại ở trà lúa trỗ muộn cuối tháng 5. Đặc biệt rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 1 đến lứa 3 phát sinh và gây hại từ cuối tháng 3 đến khi thu hoạch. Rầy lứa 1 khả năng mật độ không cao, phổ biến 30-50 con/m2, cục bộ có thể đạt trên 300 con/m2 nhưng trừ diệt tốt rầy lứa 1 sẽ hạn chế mật độ rầy lứa 2, 3 gây hại. Rầy là vật trung gian truyền bệnh lùn sọc đen (LSĐ) gây mất mùa trên diện rộng. Vụ xuân năm 2010, diện tích nhiễm bệnh LSĐ của toàn tỉnh là 1.327ha… Như vậy, nguy cơ nhiễm bệnh LSĐ trên lúa xuân 2011 là có, nếu các địa phương, các hộ nông dân không quyết liệt trong công tác phòng bệnh, trực tiếp là diệt trừ rầy và triển khai đồng bộ các biện pháp như Sở NN-PTNT đã hướng dẫn. Ngay trong những ngày đầu tháng 3-2011, Chi cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác bảo vệ thực vật vụ xuân, trong đó đặc biệt lưu ý đến phòng trừ rầy và phòng trừ bệnh LSĐ. Với rầy lứa 1, khi phát hiện 2-3 con/khóm lúa là tổ chức phun trừ bằng các loại thuốc nội hấp. Để tránh bột phát rầy cuối vụ, chi cục yêu cầu các hộ nông dân không hỗn hợp các loại thuốc trừ rầy nội hấp với các nhóm thuốc Pyrethroid như: Fastac, Bestox, Cyperkill, Cyper… để phun. Riêng với bệnh LSĐ, các hộ phải tự kiểm tra thường xuyên ruộng của gia đình mình, khi thấy khóm lúa bị bệnh xuất hiện phải kiểm tra khoanh vùng phun trừ rầy ruộng bị nhiễm và ruộng lân cận, sau đó nhổ cây lúa bị bệnh vùi ngay tại chỗ, nếu còn thời vụ thì cấy dặm để bảo đảm mật độ. Đặc biệt quan tâm ngăn ngừa bệnh LSĐ song cũng chú ý cả các đối tượng gây hại khác như: Sâu đục thân 2 chấm, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn khi lúa làm đòng đến cuối vụ; bệnh khô vằn từ khi lúa đẻ nhánh đến cuối vụ; bọ xít đen, bọ trĩ, chuột, rong rêu… gây hại cục bộ. Phòng, trừ sâu bệnh kết hợp với bón phân cân đối, bón sớm, kết thúc bón đạm sớm, không lạm dụng phân đạm, mỗi sào phải bón đủ 15kg lân… là giải pháp hữu hiệu bảo vệ vụ lúa xuân.

Chống hạn, chăm bón đúng kỹ thuật, đủ và cân đối các loại phân, đồng thời tích cực phòng trừ sâu bệnh, sẵn sàng đối phó với thiên tai đang được ngành NN-PTNT, các địa phương và từng hộ nông dân tập trung dồn sức quyết giành vụ lúa xuân thắng lợi./.

Tất Thắc

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com