Tăng cường quản lý chất thải nguy hại

09:03, 02/03/2011

Toàn tỉnh hiện có gần 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại (CTNH). Trung bình mỗi tháng, lượng chất thải nguy hại phát sinh tại các cơ sở này khoảng 112,423 tấn, trong đó có hơn 89 tấn ở dạng rắn; còn lại ở dạng bùn. Tại các khu, CCN, lượng CTNH phát sinh khoảng 1.000 tấn/ngày. Rác thải xây dựng cũng chiếm số lượng lớn gồm nhiều chất thải rắn như đất, đá, gạch vỡ, vỏ bao bì, cốp-pha hỏng... Ngoài ra còn có một lượng không nhỏ CTNH như bơm kim tiêm, túi ni lon, chai lọ… phát sinh từ các bệnh viện, cơ sở y tế; dầu thải, vỏ thùng dầu, bình ắc quy, vỏ bao bì đựng các loại hóa chất… của các cơ sở sản xuất tại làng nghề cơ khí Bình Yên, xã Nam Thanh; Vân Chàng, thị trấn Nam Giang (Nam Trực); Tống Xá (Ý Yên), Quang Trung (Vụ Bản)… Nguồn chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh có tính chất dễ ăn mòn, dễ cháy nổ... gây nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng tới môi trường. Tại Thành phố Nam Định, lượng rác thải thu gom mỗi ngày khoảng 156 tấn, trong đó, một lượng nhỏ các chất thải như bìa các tông, nhựa, giấy… có thể tái chế, còn lại các chất thải rắn khác hầu hết không được phân loại tại nguồn mà thu gom tập trung, sau đó xử lý tại nhà máy xử lý rác thải thành phố. Ở khu vực nông thôn, lượng chất thải rắn được thu gom ước tính gần 266 tấn/ngày, chiếm 43% lượng rác thải phát sinh, chủ yếu được chôn lấp tại các bãi lộ thiên.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nguồn CTNH, thời gian qua, các cấp, các ngành và các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chưa đăng ký, cam kết bảo vệ môi trường thực hiện kê khai, đăng ký chủ nguồn thải CTNH. Tổ chức tập huấn những kiến thức cơ bản về tác hại của chất thải đối với sức khoẻ con người cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường các huyện, thành phố; lãnh đạo chủ chốt và cán bộ phụ trách về công tác môi trường của các địa phương có làng nghề và các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Đến nay, việc thu gom, xử lý CTNH đã được nhiều cơ sở chú trọng, triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp: Thay thế máy móc, công nghệ cũ, lạc hậu, từng bước bổ sung, đầu tư các thiết bị sản xuất mới thân thiện với môi trường, thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn… Một số doanh nghiệp như Tổng Cty dệt may Nam Định, Cty TNHH Youngone Nam Định… ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH theo đúng quy định. Nhà máy xử lý rác thải thành phố đầu tư xây dựng lò đốt rác thải vô cơ và rác thải công nghiệp, công suất 0,4 tấn/giờ. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đầu tư 1 lò đốt chất thải rắn y tế, công suất 80kg/mẻ/6giờ. Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, Bệnh viện Phụ sản tỉnh xây dựng lò đốt rác thải y tế, đã đi vào hoạt động. Từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng 48 bãi chôn lấp rác thải tại 45 xã, thị trấn trong toàn tỉnh, trong đó 39 bãi của 35 xã, thị trấn cơ bản hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, công tác quản lý, xử lý nguồn CTNH hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do vẫn còn có doanh nghiệp chưa thực hiện đúng cam kết, đăng ký bảo vệ môi trường, kê khai đăng ký chủ nguồn CTNH. Việc xử lý CTNH chưa được thực hiện nghiêm túc. Do thiếu phương tiện vận chuyển và kho chứa CTNH nên lượng chất thải rắn được xử lý tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh không thường xuyên (2 lần/tuần). Vẫn còn 3/11 bệnh viện tuyến huyện xử lý chất thải bằng phương pháp đốt ngoài trời, chôn lấp hoặc đưa ra bãi rác tập trung của địa phương. Phần lớn các trạm y tế cấp xã xử lý chất thải bằng phương pháp đốt, chôn lấp thông thường. Đội ngũ cán bộ quản lý môi trường còn thiếu và yếu. Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn tại nhiều CCN còn hạn chế, chưa đúng quy định của Nhà nước.

Những năm tới, sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục tập trung vào những ngành mũi nhọn, có nhiều lợi thế như: cơ khí chế tạo, điện, điện tử, gia công kim loại; dệt may; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống; vật liệu xây dựng… Dự kiến lượng rác thải nói chung và CTNH nói riêng tăng trên 10%/năm. Do vậy các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm về chấp hành các quy định trong công tác bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp cần tích cực đổi mới trang thiết bị, công nghệ và công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, tăng cường việc tái tạo sử dụng nguyên liệu ngay từ các khâu lựa chọn dự án, sản phẩm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng... Phấn đấu mỗi xã, thị trấn trong toàn tỉnh có bãi chôn lấp rác thải tập trung theo tiêu chuẩn quy định; nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà máy xử lý rác thải phục vụ cho các khu, CCN và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố../

Thanh Thủy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com