[links()]
II - Những vấn đề đặt ra
Lường trước được khó khăn, chủ động chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nên sản xuất vụ xuân ở tỉnh ta đã đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn lại việc triển khai tổ chức sản xuất cũng còn nhiều vấn đề cần khắc phục.
Về làm thuỷ lợi nội đồng, tuy thực hiện vượt kế hoạch cao nhưng vẫn còn có địa phương chưa đạt kế hoạch. Việc nạo vét, kiên cố hoá kênh cấp III của các xã, thị trấn, thôn, xóm chưa được chú trọng nên triển khai chậm. Khi hạn hán xảy ra, nhiều kênh mương cấp III cao hơn kênh cấp II, cấp I nên không thể lấy được nước. Trong khi tỷ lệ xây đúc của các Cty TNHH một thành viên KTCTTL vượt cao (xây gạch, đá vượt 45% kế hoạch, đúc bê tông vượt 89% kế hoạch) thì khối lượng xây do các huyện, thành phố mới đạt 83% kế hoạch và đúc bê tông chỉ đạt 92% kế hoạch?! Nhiều xã, thị trấn chưa kết hợp giữa làm thủy lợi nội đồng với nạo vét, xây dựng giao thông nông thôn, giao thông đồng ruộng theo sự chỉ đạo của tỉnh nhằm từng bước hoạch định vùng thâm canh và cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp theo mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Bài học nạo vét kênh mương kết hợp với làm giao thông đồng ruộng của Hải Hậu vừa giá rẻ, vừa thông thoáng dòng chảy, vừa đắp nền đường rộng đủ cho cơ giới hoá đồng ruộng, vừa không phải đền bù giải phóng mặt bằng, thậm chí cả nắn tuyến kênh, đường giao thông nội đồng… chưa được nhân ra diện rộng.
Về khâu làm đất, ở các huyện phía bắc tỉnh nhiều năm nay vẫn duy trì tình trạng ít cày ải sau khi thu hoạch xong vụ mùa. Trong đợt cày ải cuối năm 2010, nếu các huyện phía nam tỉnh như: Hải Hậu, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng… đến 20-12-2010 cơ bản đã cày ải xong thì các huyện phía bắc tỉnh vẫn ỳ ạch “ải nằm”, “ải lười” chỉ cày lật đất được vài chục phần trăm, thậm chí đã hết thời gian cày ải phơi nỏ nhưng diện tích cày của Ý Yên mới đạt 41%, Mỹ Lộc đạt 50%, Thành phố Nam Định đạt 55% tổng diện tích cấy lúa; cao nhất là huyện Vụ Bản cũng chỉ cày lật đất được 78% diện tích(!). Với tầng canh tác nông, độ phì kém, trong khi lượng phân hữu cơ, phân chuồng gần như không có thì các địa phương này lại bỏ mất “một giỏ phân” từ việc cày ải(!).
Xã viên HTX Yên Dương (Ý Yên) chăm sóc lúa xuân.
Ảnh:
Xuân Thu
|
Xác định vụ xuân là vụ chính cho nhiệm vụ bảo đảm an toàn lương thực của cả năm nên tỉnh ta chọn cấy lúa lai là chủ lực, bởi đây là giống cho năng suất cao, thích ứng rộng có khả năng chống chịu sâu bệnh, chống chịu hạn, mặn, úng tốt hơn so với các giống lúa thuần; hơn nữa nhiều giống lúa lai có chất lượng gạo, cơm ngon hơn như TX111, HYT… Mặc dù tỉnh, Sở NN-PTNT đã có nhiều giải pháp, khuyến khích nhưng vụ xuân 2011, tỷ lệ lúa lai của toàn tỉnh chỉ chiếm 34% tổng diện tích, thấp hơn trên 20% so với kế hoạch. Ngoài huyện Giao Thuỷ có tỷ lệ lúa lai đạt 50% diện tích, các địa phương khác chỉ chiếm 25-45%, thậm chí có huyện tỷ lệ lúa lai chỉ chiếm 15%(?). Trái lại, giống lúa Bắc thơm số 7 là giống chống chịu kém, nhiễm sâu bệnh nặng, nhất là bệnh lùn sọc đen (LSĐ) thì tỷ lệ chiếm tới 41% tổng diện tích cấy lúa vụ xuân 2011 toàn tỉnh. Hơn nữa, một số nơi, các hộ nông dân gieo mạ quá muộn (sau 8-2) không che phủ nilon, chăm sóc không tốt nên mạ sinh trưởng chậm, cây thấp làm chậm tiến độ cấy. Qua kiểm tra cho thấy đến ngày 25-2, các vuông mạ ven đường của xã Nghĩa An, Nam Dương, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) mạ đã đạt 2-2,5 lá nhưng chưa cao quá 5cm nên chưa cấy được. Đặc biệt, trong khi toàn tỉnh cơ bản cấy xong lúa xuân trong tháng 2 thì đến ngày 28-2, tỷ lệ lúa cấy của huyện Nam Trực mới đạt 42% diện tích, Thành phố Nam Định cũng chỉ đạt 65% diện tích. Gieo sạ là một tiến bộ kỹ thuật đã được khẳng định trong nhiều vụ nay và được khuyến cáo mở rộng nhưng đến vụ xuân 2011, diện tích mới đạt 3.448ha, tuy cao gấp trên 3 lần vụ xuân năm 2010, nhưng mới chỉ chiếm 4,4% tổng diện tích sản xuất lúa vụ xuân năm 2011(?).
Theo đồng chí Lê Xuân Thuỷ, Giám đốc Sở NN-PTNT, vụ xuân 2011 mới chỉ đi được nửa chặng đường. Để bảo đảm giành thắng lợi sản xuất vụ xuân này, ngành NN-PTNT, các địa phương và nông dân cần tiếp tục chăm sóc, bảo vệ an toàn cho lúa, các cây màu trong điều kiện khó khăn vẫn thường trực như thiếu nước tưới, các loại sâu bệnh, nhất là rầy và bệnh LSĐ. Hiện tại, nước đã đủ, các Cty TNHH một thành viên KTCTTL còn nhập nước vào các sông chìm, mương tiêu, ao hồ... để tạo nguồn bơm tát giữ mực nước mặt sau cấy. Đặc biệt trong tháng 3 là thời điểm lúa hồi xanh và đẻ nhánh có tính chất quyết định tới năng suất nhưng các hồ thuỷ điện không xả nước nữa thì vấn đề bảo đảm đủ nước tưới cho lúa, màu cũng cần các Cty đặc biệt quan tâm. Với cơ cấu giống lúa lai thấp, giống lúa Bắc thơm số 7 chiếm tỷ lệ cao nên việc phòng trừ sâu bệnh là một vấn đề cần quan tâm đặc biệt... Mặc dù ngành NN-PTNT đã khuyến cáo với nông dân triển khai bón thúc sớm, gọn, tập trung (bón thúc lần 1 sau cấy 7-10 ngày, bón thúc lần 2 sau cấy 15-20 ngày, không lạm dụng phân đạm...) nhưng với tập quán thói quen của nông dân các huyện phía nam tỉnh vẫn bón nhiều đạm so với số lượng hướng dẫn của Sở NN-PTNT vẫn chưa khắc phục được trong nhiều năm qua. Đặc biệt bệnh LSĐ vẫn là nguy cơ đe doạ mất mùa. Bằng kinh nghiệm thực tế khống chế bệnh LSĐ ở tỉnh ta trong 2-3 vụ gần đây, các địa phương và ngành NN-PTNT cần tăng cường công tác quản lý, phòng bệnh LSĐ là chính, kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và có biện pháp quyết liệt khi xuất hiện lúa có triệu chứng của bệnh LSĐ. Đó là chưa kể tình trạng mặn ở các xã vùng ven biển bốc lên khi thiếu nước tưới, nắng sớm và sâu rầy cuối vụ vì vụ cấy năm nay chậm hơn so với các vụ xuân trước 5-7 ngày.
Việc nhận thức được những thiếu sót, hạn chế... để chỉ đạo khắc phục và tổ chức chăm sóc, bảo vệ tốt lúa, cây màu trong thời gian tới là yếu tố quyết định giành thắng lợi vụ xuân năm 2011./.
Tuấn Anh