Phát triển kinh tế thuỷ sản Nam Định theo hướng hiệu quả và bền vững

09:03, 30/03/2011

Năm 2010, tuy gặp nhiều khó khăn về thời tiết, ngư trường, nguồn lợi, giá cả vật tư tăng cao... song kinh tế thuỷ sản của tỉnh vẫn phát triển khá. Nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh phát triển mạnh, sôi động cả ở vùng mặn lợ và vùng nuôi ngọt. Khai thác, chế biến thuỷ sản và dịch vụ hậu cần nghề cá vẫn được quan tâm và duy trì ổn định. Sản lượng thuỷ sản đạt 89.195 tấn, bằng 100,03% kế hoạch, tăng 10,2% so với năm 2009.

Năm 2010, đã đưa 15.734ha mặt nước vào nuôi thả; sản lượng đạt 49.305 tấn, tăng 16,8% so với năm 2009. Toàn tỉnh có 46 cơ sở sản xuất giống thuỷ hải sản, năm 2010 đã sản xuất được 3.423 triệu giống thuỷ sản các loại, tăng 62% so với năm 2009. Đã làm chủ hoàn toàn được công nghệ sản xuất giống một số loài nhuyễn thể (hàu, tu hài, ngao), tôm sú, cá bống bớp, cua biển, nhiều loài cá nước ngọt có giá trị như cá lăng chấm, rô đầu vuông... Một số giống mới được mở rộng sản xuất như cá song, ngao, tu hài. Đặc biệt, năm 2010, cá chim biển vây vàng được đưa vào sản xuất giống thành công, tạo hướng đi mới cho nuôi thuỷ sản mặn lợ.

Bến cá xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng).  Ảnh: Văn Trọng
Bến cá xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng).
Ảnh: Văn Trọng

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công tác khuyến ngư được chú trọng. Các đơn vị trong ngành đã tổ chức triển khai thực hiện 6 dự án khoa học - công nghệ về sản xuất giống và nuôi các đối tượng mới như tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược, tu hài, chim biển vây vàng... Đã phối hợp với các cơ quan khoa học của Bộ NN-PTNT, các đoàn thể của tỉnh mở được 100-150 lớp tập huấn kỹ thuật cho trên 5.000 lượt nông, ngư dân tham gia. Công tác phòng trừ dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ. Đã tổ chức phối hợp với các địa phương hướng dẫn người nuôi về khung thời vụ thả giống tốt nhất, làm tốt công tác thú y thuỷ sản nên bệnh dịch đã được ngăn chặn và khống chế. Công tác quản lý chất lượng trong nuôi trồng thuỷ sản đã được triển khai. Vùng nuôi nhuyễn thể được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, nhiều năm được EU công nhận là vùng nuôi an toàn hạng B.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản, UBND tỉnh đã phê duyệt cho phép thực hiện 44 dự án chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản với tổng diện tích là 2.889ha, tổng kinh phí đầu tư là 462,185 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 132,947 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 549 trang trại nuôi trồng thuỷ sản và nhiều tổ đội hoạt động theo mô hình Ban quản lý vùng NTTS đang hoạt động.

Diện tích nuôi thuỷ sản nước mặn - lợ năm 2010 là 6.214ha, bằng 101% so với năm 2009. Sản lượng nuôi mặn lợ năm 2010 đạt 24.395 tấn, bằng 123,6% so với năm 2009. Cùng với nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, nhiều đối tượng nuôi trồng khác được chú ý phát triển cho hiệu quả kinh tế cao, như trồng rong câu chỉ vàng, nuôi cua biển, cá bống bớp, cá vược, cá song... Đặc biệt, cá chim biển vây vàng đã được nuôi thử nghiệm trong ao đất và cho hiệu quả tốt, tạo ra hướng phát triển mới cho nuôi trồng thuỷ sản nước lợ. Nuôi thuỷ sản nước ngọt tiếp tục phát triển. Diện tích nuôi nước ngọt là 9.520ha, tăng 1,4% so với năm 2009; sản lượng đạt 24.910 tấn, bằng 110,9% so với năm 2009. Ngoài các đối tượng nuôi truyền thống, các loài thuỷ đặc sản có giá trị kinh tế cao như ba ba, ếch, rắn, cá tra, cá diêu hồng, cá lóc bông, cá lăng chấm, cá rô đồng... được nhiều hộ nông dân phát triển nuôi ở Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Mỹ Lộc...

Khai thác hải sản tiếp tục được duy trì và phát triển, từng bước được kết hợp với công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Sản lượng khai thác hải sản đạt 39.890 tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Các sản phẩm khai thác đã được kiểm soát ATVSTP sau thu hoạch.

Chế biến tiêu thụ nội địa tiếp tục phát triển mạnh. Các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá như sản xuất nước đá, mạng lưới thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, các cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền tiếp tục được mở rộng, tạo điều kiện và hỗ trợ cho phát triển khai thác thuỷ sản.

BQL Cảng cá Ninh Cơ bước đầu làm tốt việc sắp xếp cho tàu thuyền neo đậu và tổ chức các hoạt động dịch vụ hậu cần phục vụ các đội tàu khai thác hải sản; Dự án Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại cửa Ninh Cơ (Nghĩa Hưng) đã được phê duyệt và khởi công xây dựng theo đúng tiến độ, góp phần tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hậu cần dịch vụ, tạo thuận lợi cho phát triển khai thác, chế biến hậu cần dịch vụ thuỷ sản và phòng, tránh trú bão cho tàu cá.

Phát huy những kết quả đạt được của năm 2010, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XVIII, Chiến lược phát triển kinh tế thuỷ sản của Chính phủ; năm 2011, phấn đấu tổng sản lượng đạt 92.500 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 53.000 tấn, sản lượng khai thác đạt 39.500 tấn.

Để hoàn thành được các chỉ tiêu trên, một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được triển khai trong năm 2011 là:

Một là, rà soát và bổ sung quy hoạch, quản lý và thực hiện tốt quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản đã được xây dựng và phê duyệt gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020; quy hoạch sử dụng đất đai; phát triển sản xuất nông, lâm, thuỷ sản; quy hoạch thuỷ lợi; quy hoạch xây dựng NTM của các địa phương; chiến lược phát triển kinh tế thuỷ sản Việt Nam đến năm 2020; đảm bảo có hiệu quả và thực hiện từng bước vững chắc.

Hai là, tập trung chỉ đạo phát triển đồng bộ nuôi trồng, khai thác và chế biến thuỷ sản, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thuỷ sản theo hướng ưu tiên phát triển nuôi trồng thuỷ sản đảm bảo bền vững, trên cơ sở diện tích hiện có, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Hạn chế nuôi trồng thuỷ sản nhỏ lẻ; đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng trang trại, gia trại, vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung. Hướng dẫn ngư dân tiếp tục tổ chức tốt sản xuất trên biển theo hướng liên kết, hợp tác giữa các tàu thuyền, giữa khai thác và hậu cần dịch vụ. Phát triển mạnh mạng lưới dịch vụ thu gom và hậu cần thuỷ sản; tận dụng lợi thế về thị trường truyền thống, đa dạng hoá các loại hình xuất khẩu các sản phẩm thuỷ sản có ưu thế; tiếp tục mở rộng thị trường thuỷ sản nội địa, nhất là ở các đô thị lớn.

Ba là, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực; tranh thủ sự quan tâm của các cơ quan nghiên cứu khoa học Trung ương, các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế thuỷ sản. Tăng cường công tác khuyến ngư, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Bốn là, tiếp tục tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế thuỷ sản. Từng bước xây dựng thương hiệu thuỷ sản của Nam Định.

Năm là, tiếp tục đầu tư phát triển xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho nuôi trồng, khai thác và chế biến thuỷ sản. Tranh thủ nguồn vốn lập dự án xây dựng các bến cá, khu neo đậu tàu thuyền tại cửa Hà Lạn (Giao Thuỷ) xây dựng hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung, vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung tại Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng./.

Nguyễn Quang Trực
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com