Những khó khăn trong xây dựng thương hiệu làng nghề

09:03, 28/03/2011

Trong tổng số 229 xã, phường, thị trấn của tỉnh, đã có 185 địa phương có nghề, trong đó có 18 làng nghề truyền thống. Sản phẩm của nhiều làng nghề đã nổi danh khắp cả nước như đồ mộc mỹ nghệ La Xuyên, sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Tống Xá, hoa cây cảnh Vị Khê, mây tre đan Vĩnh Hào, dệt lụa ươm tơ Cổ Chất… Tuy nhiên, hiện nay quy mô sản xuất ở nhiều làng nghề vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, công nghệ lạc hậu nên việc xây dựng thương hiệu để quảng bá sản phẩm, phát triển làng nghề gặp khó khăn. Hiện chỉ có sản phẩm cây cảnh Vị Khê, đúc đồng Yên Xá, rượu nếp Yên Phú, mây tre đan Vĩnh Hào, gạo tám xoan Hải Hậu và sản phẩm ngao Giao Thủy… đã đăng ký thương hiệu thông qua các hình thức xác lập quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ tên gọi, xuất xứ hay đăng ký độc quyền về chỉ dẫn địa lý…

Thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực) có nghề làm đèn ông sao truyền thống từ hơn một thế kỷ trước. Sản phẩm đèn ông sao giá thành rẻ, mẫu mã đẹp với nguyên liệu là tre nứa và giấy bóng kính… được tiêu thụ trên toàn quốc. Đến nay, cả làng có gần 300 hộ làm đèn, trung bình, mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 2 triệu chiếc đèn ông sao, trong đó, nhiều cơ sở có khả năng xuất xưởng 3-4 vạn chiếc đèn mỗi năm nhưng việc tiêu thụ vẫn chỉ theo  hình thức ký gửi, gặp khi thuận lợi thì đèn bán hết nhưng qua rằm Trung thu, đèn không bán được lại trả về nơi sản xuất, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho người dân làng nghề. Song có một điều mà những người tâm huyết với nghề còn trăn trở, đó là không mấy ai biết đến địa danh làng Báo Đáp khi mua đèn ông sao?!

Sản xuất nước mắm theo phương pháp cổ truyền tại một gia đình ở thôn Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy).
Sản xuất nước mắm theo phương pháp cổ truyền tại một gia đình ở thôn Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy).

Không chỉ riêng làng nghề Báo Đáp mà nhiều làng nghề trong tỉnh cũng đang trong tình trạng tương tự. Xã Giao Châu (Giao Thủy) có nghề sản xuất nước mắm truyền thống, sản phẩm được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Quá trình sản xuất nước mắm tuân thủ theo phương thức cổ truyền, không sử dụng hoá chất: Cá được ngâm ủ để lên men tự nhiên và phơi nắng phơi sương cho ngấu rồi chôn ủ trong lòng đất để nước mắm hội đủ hương vị của đất trời nên có hương thơm đậm, sánh trong với độ đạm cao. Thời hưng thịnh, cả thôn Sa Châu có đến 400 hộ làm nghề. Nhưng hiện tại, cả thôn Sa Châu chỉ còn hơn 100 hộ làm nghề, với sản lượng khoảng 450-500 nghìn lít/năm… Để thúc đẩy làng nghề phát triển, những năm trước đây, HTX Tân Châu đã bắt tay vào xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nước mắm Sa Châu nhưng không thành. Anh Vũ Văn Chinh là người tâm huyết với sản phẩm làng nghề đã tự bỏ kinh phí, thời gian và công sức để xây dựng thương hiệu nhưng đến bước đăng ký xuất xứ, mã vạch cho sản phẩm thì phải dừng lại...

Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề gặp khó khăn là do phần lớn các cơ sở sản xuất vẫn quan niệm sản phẩm có chất lượng thì sẽ được mọi người ưa chuộng nên chưa quan tâm đến việc đăng ký, xây dựng và quảng bá thương hiệu. Các hộ làm nghề hoạt động tự phát, sản xuất nhỏ lẻ mạnh ai nấy làm, chưa chú ý đến nhãn mác, bao bì sản phẩm. Mặt khác, các cơ sở sản xuất ở làng nghề không muốn cung cấp thông tin về sản phẩm nên không tạo được sự gắn kết, thống nhất về tiêu chí chung cho sản phẩm. Ngoài ra, thủ tục, chi phí quảng bá thương hiệu cũng khá tốn kém và mất nhiều thời gian... Vậy nên, quy mô sản xuất của làng nghề ngày càng thu hẹp, sản phẩm đạt chất lượng cao nhưng khâu tiêu thụ rất vất vả. Khi phát hiện hàng nhái, hàng giả hoặc có tranh chấp thương mại xảy ra thì các cơ quan chức năng không bảo vệ được quyền lợi của người sản xuất bởi các sản phẩm chưa đăng ký thương hiệu!

Để tạo điều kiện cho các làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề trong hội nhập kinh tế hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Với chức năng của mình, Sở KH-CN đã triển khai dự án Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề có hàng hóa truyền thống xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, giai đoạn 2006-2007 và tiếp tục xây dựng đề án Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản sở hữu trí tuệ giai đoạn 2010-2011. Trong năm 2010, Sở KH-CN đã tổ chức 2 lớp tập huấn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp tại CCN An Xá và các làng nghề thủ công tại huyện Ý Yên; tư vấn hướng dẫn 15 đơn vị nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Các ngành chức năng như Sở NN-PTNT, Sở Công Thương, các địa phương cũng có biện pháp hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp, làng nghề như: cung cấp thông tin thị trường, tổ chức cho các làng nghề tham gia hội chợ triển lãm, quảng bá giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ đầu tư nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật và áp dụng phương pháp quản lý để nâng cao khả năng sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của sản phẩm. Nhờ đó, một số làng nghề đã xây dựng được thương hiệu dưới dạng xây dựng logo, mã số, mã vạch, đăng ký chỉ dẫn địa lý… cho sản phẩm. Thương hiệu gạo tám xoan Hải Hậu được Sở NN-PTNT và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam xây dựng, chuẩn hóa và hỗ trợ bà con áp dụng mô hình quản lý sản phẩm cho tất cả các giai đoạn từ gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch đến các hoạt động thu mua, chế biến, đóng gói, tiếp thị, tiêu thụ... Sở KH-CN trực tiếp hướng dẫn thủ tục đăng ký nhãn hiệu và tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức cho các hộ dân. Năm 2008, Hiệp hội gạo tám xoan Hải Hậu đã xây dựng thành công thương hiệu tập thể và được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp đăng ký độc quyền về chỉ dẫn địa lý và bảo hộ tên gọi xuất xứ cũng như công nhận biểu tượng thương hiệu cho sản phẩm. Gạo tám xoan Hải Hậu trở thành sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh thực hiện xây dựng tên gọi xuất xứ. Tham gia xây dựng thương hiệu, hơn 100 hộ dân ở 15 xã hoạt động dựa trên quy chế bắt buộc. Dịp Tết Nguyên đán năm 2010, Hiệp hội gạo tám xoan Hải Hậu đã xuất bán 40 tấn gạo ra thị trường, tăng 10 tấn so với năm 2009, góp phần đưa sản phẩm gạo tám xoan Hải Hậu trở thành thương hiệu nổi tiếng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Như vậy, để giải quyết những khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu làng nghề, ngoài việc hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc xúc tiến thương mại, thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ… thì các làng nghề phải chủ động đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, cùng nhau xây dựng tiêu chí chung tiến tới đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền để xây dựng thành công thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com