Nghề làm giành tích ở Vạn Đồn

09:03, 11/03/2011

Từ lâu, thôn Vạn Đồn, Thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) nổi tiếng với nghề đan rổ, rá truyền thống. Ngày nay, nhiều sản phẩm bằng nhựa, inox vừa bền vừa đẹp thay thế rổ, rá nên làng nghề gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Không để mất nghề, một số người ở làng đã dành thời gian tìm hiểu thị trường, lựa chọn sản phẩm phù hợp cho làng nghề sản xuất. Người đầu tiên có công đưa nghề làm giành tích về thôn là anh Phạm Hữu Quỳnh. Anh Quỳnh đến Chương Mỹ (Hà Nội), vào làng nghề Cát Đằng (Ý Yên) tìm hiểu cách làm giành tích. Qua tìm hiểu, anh Quỳnh nhận thấy, để có hiệu quả với loại giành tích bằng mây, sơn mài thì chỉ tham gia vào công đoạn làm ruột, còn với sản phẩm bằng tre thì làm hoàn chỉnh. Để có được sản phẩm bền và đẹp người thợ phải có kinh nghiệm trong việc chọn mua nguyên liệu. Đây là công đoạn khó, nhất là sơn màu, đòi hỏi người thợ phải có con mắt thẩm mỹ. Trước khi quét màu, người thợ lấy tờ giấy cắt hình cây dừa, phong cảnh, dán ở bên ngoài giành tích sau đó lấy màu quét xung quanh. Điều khác biệt của nghề làm giành tích ở Vạn Đồn với các nơi khác chính là cách nhồi lớp lót giữ nhiệt. Trong quá trình làm, người Vạn Đồn đã có sáng kiến chế ra ống nhôm (thay cho việc đặt ấm tích vào) để làm lõi sau đó lót vải và xếp lớp giữ nhiệt. Cách làm này vừa nhanh, vừa dễ làm góp phần tạo ra sản phẩm bền, đẹp. Từ một vài hộ làm giành tích ban đầu, giờ đây trong thôn hầu như nhà nào cũng làm nghề. Nghề làm giành tích phát triển, lượng hàng hoá làm ra nhiều nên trong thôn đã có hơn 10 hộ làm đại lý cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho các hộ khác. Gia đình ông Lê Đình Quế đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất rộng hơn 300m2 và thuê 10 người làm. Để quảng bá sản phẩm của mình tới nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, người dân Vạn Đồn đã gửi số điện thoại cùng với lời giới thiệu sản phẩm qua những chuyến xe khách liên tỉnh hoặc mang sản phẩm đến các đại lý bán ấm, tích để giới thiệu. Nhờ cách làm này mà đã có nhiều đơn đặt hàng được ký kết. Làng nghề phát triển, thu nhập của người dân đã tăng lên rõ rệt, cuộc sống được cải thiện đáng kể. Trước đây, nghề đan rổ rá, thu nhập bình quân 500 nghìn đồng/người/tháng, nhưng hiện nay tăng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của làng nghề đều được tiêu thụ hết, mỗi tháng thôn Vạn Đồn bán ra thị trường trên 1 vạn sản phẩm chủ yếu ở các thành phố Vinh, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh,… Để đa dạng hoá sản phẩm, thời gian gần đây làng nghề có thêm loại giành tích thổ cẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng. Giành tích làm từ mây có giá 80 nghìn đồng/chiếc, hàng thổ cẩm có giá 300 nghìn đồng/chiếc./.

Ngọc Linh
(Trường CĐ PT-TH I)


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com