Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh: Góp phần xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội

09:03, 07/03/2011

Năm 2008, gia đình anh Nguyễn Tiến Lâm ở đội 6 Nhân Lý, xã Yên Cường (Ý Yên) thuộc diện hộ nghèo và được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Ý Yên cho vay 20 triệu đồng. Từ nguồn vốn được vay cộng thêm nguồn vốn của anh em họ hàng cho vay, anh Lâm mua máy làm đất giá 15 triệu đồng và dành 20 triệu đồng mua máy tuốt lúa, một đôi trâu và nuôi 100 con gà. Mỗi vụ làm đất, trừ chi phí anh thu trên 10 triệu đồng, mỗi vụ gặt anh thu 3-4 tạ lúa. Gia đình anh còn cấy 1,4 mẫu ruộng… Từ chỗ khó khăn đến nay gia đình anh Lâm đã có tích luỹ và xây được căn nhà mái bằng có diện tích gần 100m2 trị giá gần 200 triệu đồng. Có hàng nghìn hộ trong tỉnh đã thoát nghèo từ chính sách ưu đãi tín dụng của Đảng và Nhà nước.

Năm 2010, Ngân hàng CSXH tỉnh tổ chức giải ngân 7 chương trình: cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, học sinh sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn, đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, cho vay nước sạch và VSMTNT, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay hộ nghèo về nhà ở. Doanh số cho vay trong năm đạt 685,4 tỷ đồng (cao hơn năm trước 24,8 tỷ đồng) với gần 48 nghìn lượt người vay và doanh số thu nợ đạt 282,6 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 31-12-2010 của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 1.730,9 tỷ đồng tăng 402,8 tỷ đồng so với cùng kỳ (tăng trưởng 30,3%). Tỷ lệ nợ quá hạn thấp, đến 31-12-2010 tổng nợ xấu trên 3,67 tỷ đồng, chiếm 0,21% dư nợ. Năm 2010, cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, các hộ chính sách khác đều có sự tăng trưởng. Quy mô hoạt động của Ngân hàng CSXH ngày càng được mở rộng, nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH được vay dài hạn, lãi suất thấp, người nghèo vay không phải thế chấp, thủ tục đơn giản đã giúp cho nhiều hộ có nguồn vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả rõ rệt. Trong năm 2010, có 16.863 lượt hộ nghèo được vay vốn đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, cải tạo vườn tạp, nuôi thuỷ sản, mở các loại dịch vụ… tạo việc làm cho nhiều lao động và giúp trên 4.000 hộ thoát nghèo. Đa số các hộ chỉ sau 1-2 năm đã có thể trả hết nợ gốc và tạo lập được nguồn vốn. Số hộ làm ăn tốt vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá, giàu xuất hiện ngày càng nhiều ở các địa phương trong tỉnh. Từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH, gần 20 nghìn công trình nước sạch và VSMT của các hộ gia đình được xây dựng góp phần cải tạo môi trường nông thôn, hạn chế dịch bệnh. 323 lao động thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động đã giúp tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Từ thu nhập của người xuất khẩu lao động, năm qua có 91 hộ thoát nghèo, 185 hộ tăng thu nhập hàng năm, 20 hộ xây nhà mới. Có 727 dự án của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh được vay gần 6,3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 2.000 lao động góp phần khôi phục các làng nghề truyền thống. Chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn với dư nợ trên 594 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng dư nợ của các chương trình đã giúp cho 65 nghìn HSSV của trên 56 nghìn hộ có điều kiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng, THCN, dạy nghề. Năm 2010, có 1.068 lượt khách hàng vay với dư nợ gần 8,54 tỷ đồng để cải tạo nhà ở. Như vậy trong 2 năm 2009 và 2010 đã có 1.068 hộ/2.874 hộ nghèo được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ cải thiện nhà ở và được Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay vốn theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ.

Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện giải ngân nhanh chóng và đồng bộ ở các địa phương, bảo đảm đúng quy trình nghiệp vụ của ngân hàng. Cán bộ Ngân hàng CSXH luôn bám sát cơ sở, căn cứ vào mục đích vay vốn để vừa hướng dẫn, vừa kiểm tra quá trình sử dụng vốn, giúp bà con sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Ngân hàng CSXH phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến các chính sách tín dụng mới của Chính phủ như cho vay hộ nghèo về nhà ở, các điểm mới trong cho vay HSSV… Các tổ chức hội, đoàn thể làm tốt khâu bình xét bảo đảm dân chủ công bằng đúng đối tượng. Ngân hàng CSXH đã kiện toàn các tổ tiết kiệm và vay vốn, nâng cao năng lực cho các tổ trưởng. Toàn tỉnh có 4.057 tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập ở các thôn, xóm. Ngân hàng CSXH đã tổ chức được 8 lớp đào tạo về công tác tin học cho 179 lượt cán bộ, tập huấn cho 100% tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn về nghiệp vụ huy động tiết kiệm… Các tổ vay vốn và tiết kiệm đã kịp thời lập hồ sơ vay vốn, giải ngân nguồn vốn nhanh, không để đọng vốn. Đến ngày 31-12-2010, tổng số nguồn vốn uỷ thác qua các tổ chức hội và đoàn thể của Ngân hàng CSXH là 1.681 tỷ đồng, chiếm 97% tổng dư nợ, trong đó Hội Nông dân và Hội Phụ nữ có tổng dư nợ uỷ thác tới 85%.

Với kết quả đạt được trong năm 2010, thời gian tới Ngân hàng CSXH tích cực triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, phấn đấu đạt nguồn vốn 2.000 tỷ đồng./.

Trần Hữu Quyết



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com