Giải pháp thúc đẩy làng nghề phát triển ở Yên Ninh

08:03, 18/03/2011

Xã Yên Ninh (Ý Yên) từ lâu đã nổi tiếng với nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Được hình thành từ những tốp thợ làm nhà, đóng thuyền mộc, rồi dựng đình, chùa, tạc tượng, chạm khắc phù điêu…, dần dần người thợ Yên Ninh bắt đầu chế tác sập gụ, tủ chè và đồ thờ tự gồm hoành phi, câu đối các loại… Sản phẩm của làng nghề và người thợ tài hoa Yên Ninh đã để lại dấu ấn trên khắp mọi miền đất nước với những đặc trưng từ đường nét sắc sảo, tinh tế, điêu luyện và thể hiện được thần thái qua từng nét chạm khắc trên các mái hiên, vì kèo, cánh cửa, bộ bát biểu, bộ kiệu thất cống... 

Sản xuất sản phẩm cuốn thư bằng gỗ tại làng nghề xã Yên Ninh (Ý Yên).
Sản xuất sản phẩm cuốn thư bằng gỗ tại làng nghề xã Yên Ninh (Ý Yên).

Để phát huy tiềm năng thế mạnh của làng nghề, những năm gần đây Đảng uỷ, UBND xã Yên Ninh đã tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy, nâng cao vị thế, tạo sự vững chắc cho làng nghề trong cơ chế mới và từng bước phấn đấu trở thành xã công nghiệp. Xã tập trung nhân rộng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở 2 thôn Trịnh Xá và Lũ Phong bằng việc huy động các đoàn thể trong xã cùng vào cuộc vận động người lao động học nghề và chuyển đổi sản xuất. HTX tiểu thủ công nghiệp (TTCN) Đồng Tâm đi đầu trong việc mở các lớp dạy nghề, tiếp nhận con em địa phương vào học nghề miễn phí theo giáo án chuẩn của chương trình đào tạo nghề và liên kết với các trường dạy nghề trong tỉnh cấp bằng cho học viên sau mỗi khóa học. Trung bình một năm, HTX TTCN Đồng Tâm đào tạo 2 khóa học cho 120-140 người. Ngoài ra, xã phát động phong trào học nghề, truyền nghề trong nhân dân theo phương châm “cầm tay chỉ việc” -  người biết nghề, dạy người chưa biết. Các nghệ nhân, thợ giỏi trong làng cũng dày công học thêm kiến thức mỹ thuật và định hướng cho con em mình theo học chuyên ngành hội họa, điêu khắc và đồ họa vi tính…  tại các trường đại học, cao đẳng mỹ thuật trong cả nước để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của làng nghề. Do tích cực truyền dạy và phổ biến ngành nghề, đến nay, xã Yên Ninh đã có gần 2.000 hộ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, chiếm 60% tổng số dân, với 23 Cty, doanh nghiệp sản xuất hàng mộc mỹ nghệ và thu hút thêm khoảng 3.000 lao động ở các địa phương lân cận. Không chỉ đào tạo nghề cho lớp trẻ mà những người thợ lành nghề cũng say sưa tìm học thêm kiến thức bổ trợ cho công việc của mình. Ông Nguyễn Văn Đức, là một trong bốn nghệ nhân của tỉnh được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” năm 2010. Sinh ra và lớn lên ở làng nghề, với năng khiếu bẩm sinh, ông sớm trở thành một tay thợ tài hoa nhưng vẫn nỗ lực theo học tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, chuyên ngành điêu khắc để tích lũy kiến thức với mong muốn thể hiện được hết những nét tinh túy, tài hoa của cổ nhân thông qua các sản phẩm và truyền nghề cho lớp cháu con. Cùng với việc đào tạo lao động tại chỗ, UBND xã đã quy hoạch, đầu tư xây dựng hai CCN với tổng diện tích hơn 16ha ở thôn La Xuyên và Ninh Xá, tạo điều kiện về mặt bằng và cơ sở hạ tầng cho các gia đình phát triển sản xuất. Chỉ sau một thời gian ngắn, 2 CCN đã thu hút 23 Cty và hơn 40 hộ làm nghề tham gia đầu tư sản xuất, xây dựng gian hàng giới thiệu sản phẩm, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ. Tại CCN La Xuyên, Cty cổ phần La Xuyên Vàng đã xây dựng cơ sở sản xuất trên diện tích 4ha với tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 hơn 60 tỷ đồng. Cty chuyên sản xuất, kinh doanh, phục dựng các công trình truyền thống, đồ gỗ nội thất hiện đại; cung ứng nguyên liệu cho làng nghề và mở rộng các dịch vụ thương mại khác… Doanh thu bước đầu của Cty đạt trên 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm tại chỗ cho 200 lao động và nhiều lao động vệ tinh khác tại các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Bên cạnh đó, xã còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành lập Hiệp hội làng nghề. Với 23 doanh nghiệp tham gia, Hiệp hội làng nghề Yên Ninh hoạt động trên cơ sở hỗ trợ nhau cùng phát triển và quảng bá thương hiệu làng nghề. Từ 2008 đến nay, Hiệp hội làng nghề Yên Ninh đã liên kết sản xuất theo những hợp đồng lớn, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong hiệp hội còn hỗ trợ nhau đầu tư thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất. Hiệp hội còn đứng ra tín chấp, gia hạn thời gian hoàn vốn để vực dậy một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.

Đến nay, sản phẩm làng nghề Yên Ninh đã hình thành theo hai dòng rõ rệt. Dòng sản phẩm truyền thống là sập gụ, tủ chè, trường kỷ và đồ thờ tự như ngai, khám, ỷ…, đảm bảo về kỹ, mỹ thuật, trong đó đặc biệt chú ý đến chất liệu gỗ cổ truyền như mít, gụ, hương, chắc, cẩm, lai…; đường nét hoa văn, con truyện mực thước, chuẩn chỉ, sống động, truyền tải nội dung theo đúng tích cổ của văn hóa phương Đông như: Bát tiên quá hải, Văn vương cầu hiền, Lã vọng câu cá, bộ Ngũ sự, Ngũ phúc, Tam đa… Dòng sản phẩm tiêu dùng gồm bàn ghế, đồ gỗ nội thất được cách điệu theo thị hiếu người tiêu dùng trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Đây là hướng phát triển mới để tạo thế đứng vững chắc cho làng nghề truyền thống để từng bước đưa Yên Ninh trở thành xã công nghiệp. Năm 2010, với tỷ trọng CN-TTCN, dịch vụ chiếm 75% trong cơ cấu kinh tế của xã với doanh thu từ lĩnh vực sản xuất CN-TTCN đạt 80 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2009. Năm 2011, xã Yên Ninh phấn đấu đạt giá trị sản xuất CN-TTCN 120 tỷ đồng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com