Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

09:03, 28/03/2011

Những năm gần đây, cùng với việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đã kéo theo sự gia tăng về mức độ ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn trong tỉnh. Tại huyện Nam Trực, trong tổng số 53 nghìn hộ dân thì hầu như mọi nhà đều tham gia chăn nuôi ở quy mô khác nhau. Toàn huyện có 196 trang trại, gia trại quy mô lớn từ 200-300 con, và chỉ ở những trang trại này mới có điều kiện thực hiện các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm vệ sinh môi trường như: xây dựng ở xa khu dân cư, đầu tư hầm biogas, thực hiện các kỹ thuật chăn nuôi an toàn, vệ sinh… Tại xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) với 150 hộ chăn nuôi gà, lợn ở quy mô trang trại, gia trại và hàng trăm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, xã trở thành tâm điểm về tình trạng ô nhiễm môi trường. Phần lớn việc chăn nuôi ở các hộ dân đều trong khu dân cư. Trong khi đó, các biện pháp bảo vệ môi trường còn hạn chế: Nguồn nước thải trong chăn nuôi vẫn đang xả trực tiếp ra đồng ruộng, sông ngòi; ô nhiễm nguồn không khí đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống…

Từ thực trạng trên có thể thấy mức độ gây ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các vùng nông thôn ngày càng nghiêm trọng. Theo kết quả khảo sát tại những xã có nhiều hộ chăn nuôi đã được Sở Khoa học và Công nghệ công bố, nồng độ khí NH3, H2S có trong không khí tại một số nơi đã cao hơn mức cho phép gần 5 lần, độ nhiễm khuẩn trung bình trong chuồng là 18.675 vi sinh vật (cao hơn tiêu chuẩn của Nga 12 lần); nước thải nhiễm Ecoli và tỷ lệ số mẫu nước thải nhiễm trứng giun cao. Hàm lượng COD (nhu cầu oxy hoá học) có nơi lên đến 3.916mg/l, trong khi tiêu chuẩn cho phép chỉ từ 100 đến 400mg/l. Thực tế, do chưa thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường nên thời gian gần đây tình hình dịch bệnh đã xảy ra liên tiếp ở nhiều địa phương trong tỉnh như dịch tai xanh ở trang trại chăn nuôi khép kín của ông Phạm Văn Đông, ở xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng); dịch lở mồm long móng ở lợn tại các xã Nam Hùng, Nam Hồng (Nam Trực); dịch cúm gia cầm tại xã Nghĩa An (Nam Trực); Yên Phong (Ý Yên)…

Trước thực trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đẩy mạnh tuyên truyền về thực trạng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi; phối hợp với các cấp chính quyền, vận động người dân thay đổi hành vi, thực hiện các biện pháp góp phần giảm thiểu, ngăn chặn ô nhiễm môi trường. Sở NN-PTNT chủ động phối hợp với các đơn vị huy động nhiều nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các dự án bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Từ năm 2007, thông qua Quỹ phát triển Hà Lan, tỉnh ta đã tiếp nhận và thực hiện chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi. Dự án do Sở NN-PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp triển khai. Dự án đã tiến hành đào tạo cho mỗi huyện một chuyên viên kỹ thuật, 2 tổ thợ xây dựng hầm biogas và lắp đặt các thiết bị phụ trợ đúng yêu cầu kỹ thuật; hỗ trợ cho mỗi hộ tham gia dự án 1,2 triệu đồng, trong đó có 625 nghìn đồng là tiền của dự án còn lại là ngân sách tỉnh. Bình quân mỗi năm, dự án đã thực hiện được 350 công trình, từng bước góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Từ năm 2009, tại 2 huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng, Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Hội phối hợp cùng Cty cổ phần Hải Nguyên triển khai mô hình trình diễn phương pháp chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh thái, từ các nguồn chất xơ, mùn cưa, bột ngô, bã sắn… được trộn men vi sinh để lên men. Chỉ cần đầu tư 600-700 nghìn đồng, các hộ chăn nuôi đã có đệm lót nền cho 1 ô chuồng rộng 10m2, giúp giảm tối đa công tắm, rửa nền và dọn chuồng, giữ ấm cho gia súc vào mùa rét và giúp giảm ô nhiễm môi trường, mùi hôi thối từ chất thải chăn nuôi. Qua quá trình thử nghiệm cho thấy, phương pháp này tiết kiệm 10% chi phí thức ăn, 80% lượng nước và tăng 5% trọng lượng lợn so với phương pháp chăn nuôi truyền thống. Đặc biệt, đệm lót chứa các sinh vật có lợi trong việc phòng chống các loại dịch bệnh có hại như lở mồm, long móng, tai xanh, cúm gia cầm. Phương pháp sử dụng đệm lót sinh thái hiện nay đã được khoảng 50 chủ trang trại, quy mô từ 1.000 đến 7.000 con lợn tại các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Nam Trực áp dụng trong quá trình chăn nuôi. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện còn đang thực hiện nhiều chương trình hiệu quả như: chăn nuôi gà an toàn sinh học, nuôi lợn hướng nạc sinh sản bảo đảm vệ sinh môi trường… Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và các ngành chức năng, bản thân các hộ chăn nuôi cũng đã thay đổi nhận thức về tác hại của tình trạng ô nhiễm môi trường nên chủ động thực hiện nhiều biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhiều hộ dân hoặc trang trại dù chưa nhận được sự hỗ trợ vẫn đầu tư kinh phí xây dựng hầm biogas, làm đệm lót an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp thu gom xử lý nguồn nước thải. Tại nhiều hộ chăn nuôi, việc xử lý môi trường bằng cách phun thuốc phòng trừ dịch bệnh, tiêm chủng, rắc vôi bột, dọn rửa chuồng trại cũng được thực hiện…

Để công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi được thực hiện tốt hơn, các ngành chức năng của tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và vận động các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường; từng bước thắt chặt, xoá bỏ mô hình chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ; đẩy mạnh quy hoạch vùng chăn nuôi theo hướng tập trung, xa khu dân cư; thiết kế, đầu tư đồng bộ các công trình xử lý nước thải và các loại chất thải khác, góp phần bảo vệ môi trường./.

Nguyễn Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com