Chưa thể hài lòng với hàng Việt

06:03, 11/03/2011

Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt đã qua 1 năm thực hiện, nhưng nhìn lại mới thấy không thể vận động người tiêu dùng mua hàng nếu chất lượng cũng như mẫu mã hàng hoá trong nước còn thấp.

Còn tâm lý “sính ngoại”?

Lâu nay, người tiêu dùng trong nước vẫn có tâm lý “sính ngoại”, hàng hiệu, nhất là các sản phẩm thời trang, điện tử, mỹ phẩm, dược phẩm... Chính vì tâm lý đó mà phân khúc thị trường của các sản phẩm này dường như trở thành sân chơi riêng của các đại gia ngoại quốc. Siêu thị điện máy tràn ngập sản phẩm ngoại; các hiệu thuốc cũng vắng bóng hàng nội, có chăng chỉ là mấy loại thuốc thảo dược; mỹ phẩm thì gần như là thế giới riêng của các sản phẩm Hàn Quốc, Pháp, Italia... Ở phân khúc sản phẩm giá rẻ, các đại gia Trung Quốc gần như độc quyền thị trường đa số mặt hàng từ tiêu dùng đến điện tử... Như vậy, xét cả về thương hiệu, giá cả và thậm chí chất lượng, hàng Việt đang bị cạnh tranh gay gắt. Bài toán “tâm lý sính ngoại” trong bối cảnh mở cửa, người tiêu dùng có quyền rộng rãi hơn để tiếp nhận thông tin và cơ hội lựa chọn hàng hoá, thật sự không dễ đối với doanh nghiệp nội. Thật khó thuyết phục người tiêu dùng Việt Nam mua hàng nội khi mà giá của hàng nội gần bằng hàng ngoại nhưng chất lượng hàng nội kém, mẫu mã lại đơn điệu và các dịch vụ hậu mãi dường như không có.

Ông Vũ Trọng Kim - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng thừa nhận, đại đa số người tiêu dùng ủng hộ cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhưng còn băn khoăn về giá cả và chất lượng một số mặt hàng sản xuất trong nước. Nguyên nhân là trình độ công nghệ của nhiều doanh nghiệp sản xuất còn lạc hậu nên sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất ra còn thấp so với hàng nhập.

Bà Vũ Thị Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết, thực tế việc quảng bá hàng Việt hiện nay khó có thể cạnh tranh với hàng ngoại. Công nghệ truyền thông cho hàng hiệu ngày càng phát triển. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc đưa ra các chiến lược quảng bá sản phẩm rầm rộ trên tivi và báo chí hiện nay là không thể.

 

Hàng Việt Nam phong phú về chủng loại, bảo đảm chất lượng, góp phần bình ổn giá cả thị trường. Ảnh: Internet
Hàng Việt Nam phong phú về chủng loại, bảo đảm chất lượng, góp phần bình ổn giá cả thị trường.
Ảnh: Internet

Không thể phủ nhận một thực tế hiện nay là ngay cả sản phẩm trong nước nhưng cũng phải dựa vào các nhà phân phối bán lẻ nước ngoài như Big C, Metro. Các siêu thị của doanh nghiệp Việt nhưng cứ phải mang tên nước ngoài như Intimex, Citimart... thậm chí sản phẩm sản xuất cho người Việt nhưng các nút chức năng trên sản phẩm lại bằng tiếng Anh.

Đi tìm tiếng nói riêng

Cách đây không lâu, sản phẩm “trà xanh không độ” của một doanh nhân Việt Nam ra đời và dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Đến nay, sản phẩm này đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành và cả vùng nông thôn. Đây có thể nói là thành công riêng của doanh nghiệp, nhưng cũng là niềm tự hào của hàng nội. Ngoài lĩnh vực nước giải khát, lĩnh vực hàng may mặc có Việt Tiến, May 10, Dệt len Mùa Đông đã dần có những bước đi vững chắc và tạo được niềm tin trong người tiêu dùng Việt. Theo bà Vũ Thị Kim Hạnh, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn về công nghệ sản xuất, tài chính và cả về tiếp thị quảng cáo nên rất khó cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài, vì vậy thị trường nông thôn sẽ là căn cứ địa trong cạnh tranh hội nhập, vì doanh nghiệp nội có thể hiểu phong tục tập quán của người dân mình.

Còn theo ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Cty Vissan, Vissan sẽ có một đợt điều chỉnh giá mới nhưng sẽ cân nhắc điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện của người tiêu dùng. Nhưng về lâu dài, để đảm bảo và giữ giá ổn định, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách giảm thiểu chi phí sản xuất, lưu thông hàng hoá. Bên cạnh đó, cần có chính sách rõ ràng để đảm bảo tỉ giá để chi phí, giá thành sản xuất ổn định. Đồng thời có sự hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng được vay vốn ưu đãi…

Như vậy, rõ ràng để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì không chỉ đè nặng trách nhiệm lên vai doanh nghiệp, mà cần có những chính sách cụ thể từ phía Nhà nước, bên cạnh đó là các doanh nghiệp khi sản xuất sản phẩm cho người Việt cũng cần quan tâm hơn đến mẫu mã, chất lượng và cả tiếp thị quảng cáo./.

Theo: giaothongvantai.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com