Các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất tại địa bàn nông thôn

09:03, 30/03/2011

Hiện nay, xu hướng mở rộng sản xuất, kinh doanh hướng về địa bàn nông thôn đang là lựa chọn chiến lược của nhiều doanh nghiệp, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều lao động.

Giữa tháng 3-2011, Cty cổ phần may Sông Hồng đã khởi công xây dựng khu sản xuất Sông Hồng số 7 gồm 4 xưởng tại CCN xã Hải Phương (Hải Hậu) trên diện tích gần 60 nghìn m2 với số vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, dự kiến khi đi vào sản xuất sẽ tạo việc làm cho trên 2.000 lao động với doanh thu ước đạt 2.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đầu năm 2012, 2 xưởng sản xuất đầu tiên sẽ đi vào hoạt động, thu hút 1.000 lao động; 2 xưởng còn lại hoàn thành trong năm 2013. Đồng chí Bùi Việt Quang, Phó Tổng Giám đốc Cty cho biết, đây là dự án nằm trong chiến lược đưa nghề may công nghiệp về nông thôn nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi hơn cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Trước đó, năm 2006, Cty cổ phần may Sông Hồng đã đầu tư xây dựng 4 xưởng may hàng xuất khẩu tại Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường), tạo việc làm cho 2.000 lao động, thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2010, doanh thu của 4 xưởng may này đạt trên 300 tỷ đồng chiếm gần 1/3 doanh thu của Cty. Cty cổ phần may Nam Định cũng là một trong những doanh nghiệp sớm thực hiện chiến lược đầu tư sản xuất tại địa bàn nông thôn khi xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại Thị trấn Xuân Trường với diện tích 1,5ha, thu hút 500 lao động. Cũng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng dệt may, cuối năm 2006, Cty may Longjou (Nhật Bản) đã xây dựng nhà máy may quần áo thể thao xuất khẩu với số vốn đầu tư 5 triệu USD thuộc địa bàn xã Tân Thịnh (Nam Trực), tạo việc làm cho gần 1.000 lao động. Cty cổ phần may xuất khẩu Đại Dương đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng một xưởng may xuất khẩu tại Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) diện tích gần 8.000m2, dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 4-2011, tạo việc làm cho 400 lao động. Cty cũng đang hoàn tất các thủ tục, dự kiến trong quý 4 năm 2011 khởi công xây dựng một nhà máy may xuất khẩu tại xã Giao Phong (Giao Thuỷ) trên diện tích 10.000m2, vốn đầu tư khoảng 15 tỷ đồng, tạo việc làm cho 500-700 lao động. Cty cổ phần may Haprosimex ngoài đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại huyện Giao Thuỷ mới đây tiếp tục xây dựng xưởng may tại xã Hải Đường (Hải Hậu), tạo việc làm cho 100 lao động.

Cùng với ngành hàng dệt may, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, thủ công mỹ nghệ, chế biến hàng nông sản thực phẩm, sản xuất thiết bị máy móc… cũng đầu tư về địa bàn nông thôn để phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó chủ yếu đầu tư vào các CCN. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hiệu quả như Cty cổ phần cơ khí Nam Hà, Cty TNHH Nam Thanh (Nghĩa Hưng), Cty TNHH cơ khí Quyết Tiến (Giao Thuỷ), doanh nghiệp Huy Hiền (Vụ Bản) chuyên dệt thảm và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, Cty TNHH Hợp Long (Hải Hậu) chế biến gỗ xuất khẩu… Việc xây dựng các CCN tại địa bàn nông thôn được coi là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp về mặt bằng, thu hút lao động tại chỗ, thực hiện hiệu quả chủ trương “ly nông bất ly hương”; thu hẹp dần sự chênh lệch về đầu tư cơ sở hạ tầng giữa khu vực nông thôn và thành thị. Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, tuyên truyền tới người dân… cũng là các yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp lựa chọn đầu tư tại nông thôn. Chính vì vậy, không chỉ các CCN mà đến nay hầu hết các xã, thị trấn đều có quy hoạch đất dành cho phát triển công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư. Đến hết năm 2010, toàn tỉnh có 20 CCN được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư, tổng diện tích 338,9ha. Trong đó chỉ có CCN An Xá thuộc địa bàn Thành phố Nam Định, các huyện Trực Ninh, Hải Hậu, Vụ Bản, Ý Yên mỗi địa phương có 3 CCN, huyện Xuân Trường có 4 CCN, huyện Nam Trực có 2 CCN, huyện Giao Thuỷ có 1 CCN. Các CCN đã thu hút 376 dự án đầu tư gồm 166 doanh nghiệp, 2 HTX, 208 cơ sở hộ gia đình, tổng vốn đăng ký trên 2.200 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư đã thực hiện gần 1,4 tỷ đồng. Năm 2010, giá trị sản xuất của các CCN đạt 1.280 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994) thu hút gần 12 nghìn lao động.

Đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh về địa bàn nông thôn đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp khi giảm được các chi phí về xây dựng nhà ở cho công nhân, thu hút được số lượng lớn lao động tại các địa phương trong điều kiện nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông ở thành phố ngày càng gay gắt. Đối với người lao động, được làm việc tại địa phương vừa không phải sống xa gia đình, giảm được các chi phí về thuê nhà trọ, tiền điện, nước hàng tháng, tiền xăng xe đi lại… mà thu nhập vẫn bảo đảm ổn định.

Với nguồn lao động dồi dào, nhu cầu học nghề và có việc làm ổn định, địa bàn nông thôn vẫn là mục tiêu đầu tư lâu dài của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các thông tin về mặt bằng, số lượng lao động… trước khi quyết định đầu tư. Các địa phương cũng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng để việc đầu tư được bền vững và đạt hiệu quả lâu dài./.

Thanh Thuỷ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com