Bộ NNPTNT đề ra chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2011 là 5,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2010. Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) thì đây là con số có nhiều khả năng thực hiện được.
Chế biến cá tra. |
Thị trường mới nổi: Hàn Quốc và Trung Quốc
"Do năm nay có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho xuất khẩu thủy sản như tỷ giá và nhu cầu tiêu dùng thị trường thế giới về thủy sản ngày càng có khuynh hướng tăng. Trong đó,Việt Nam tiếp tục là sự chọn lựa của các nước khi mà có nguồn cung cấp thủy sản khá ổn định" - ông Hòe phân tích.
Theo đó, con tôm trong năm nay tiếp tục được đánh giá là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, dẫn đầu của toàn ngành với giá trị xuất khẩu dự kiến đạt 2,3 tỷ USD (năm 2010 đạt xấp xỉ 2,1 tỷ USD). Các mặt hàng hải sản xuất khẩu ước đạt khoảng 2 tỷ USD (năm 2010 đạt khoảng 1,7-1,8 tỷ USD). "Riêng con cá tra do một số khó khăn trong việc thiếu nguyên liệu chế biến do sản lượng giảm trầm trọng nên năm 2011 sẽ không đạt được mức 1,4 tỷ USD như năm ngoái, chỉ có thể phấn đấu đạt 1 - 1,2 tỷ USD" - ông Hòe ước tính.
Về thị trường, bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật, EU có xu hướng giữ vững nhu cầu tiêu thụ thì thủy sản Việt Nam còn có cơ hội mở rộng thị trường sang các nước Đông Á. Trong đó đáng kể nhất là thị trường Hàn Quốc, hiện đang có xu hướng nhập khẩu thủy sản tương đối mạnh. Kế đến là Trung Quốc, theo ông Hòe, đất nước này đang chuyển hướng từ nước xuất khẩu sang nhập khẩu thủy sản cho chế biến. Trong năm 2010 kim ngạch xuất khẩu thủy sản của VN sang 2 thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc tăng mạnh, lần lượt là 28% và 22% so với năm 2009 và xu hướng này sẽ tiếp tục giữ qua năm 2011.
Tái cấu trúc ngành cá tra
Mặt hàng cá tra của Việt Nam vẫn được nhiều nước nhập khẩu. |
Năm 2011 cũng là năm ngành thủy sản tái cấu trúc lại ngành nuôi trồng, sản xuất và xuất khẩu cá tra. Việc thiếu nguyên liệu trầm trọng đã đẩy ngành phát triển sang một hướng mới: Chú trọng phát triển chất lượng theo hướng phát triển bền vững chứ không còn phát triển ồ ạt như thời gian qua.
Thực tế đã chứng minh từ năm 2010 đến đầu năm nay, mặc dù giá cá tra nguyên liệu đang tăng kỷ lục 24-25 nghìn đồng/kg nhưng nhiều nông dân, người nuôi nhỏ lẻ không nuôi lại. "Hầu hết người nuôi cá chuyển làm nghề khác vì không có nguồn vốn để tái đầu tư, gây dựng lại ao nuôi khi mà lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào đang cao ngất ngưởng, trong khi đây là một ngành thương mại phát triển theo hướng công nghiệp hóa cần tới tiền tỷ. Chúng tôi giờ phải gây dựng vùng nuôi riêng cho mình để tự chủ động nguyên liệu chế biến chứ bây giờ ra ngoài mua rất khó " - ông Ngô Phước Hậu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy sản An Giang (Agifish) thông tin.
Theo dự báo thị trường của VASEP, năm 2011 sản lượng cá tra chỉ còn khoảng 800.000 tấn, giảm hơn 600.000 tấn so với năm 2010. Với sản lượng năm 2010 mà các nhà máy đã thiếu nguyên liệu chế biến, chỉ hoạt động khoảng 40-50% công suất thì việc năm 2011 này sản lượng giảm sâu thêm sẽ làm nhiều nhà máy nhỏ lẻ ở ĐBSCL phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu.
"Sân chơi" chỉ còn dành cho những "ông lớn" có nhiều tiềm lực, tập trung vào phát triển chất lượng để nâng giá bán lên. Và động thái đầu tiên là vào ngày 17-12-2010 vừa qua, 20 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam đã ngồi lại với nhau và cùng đưa ra giá sàn xuất khẩu cá tra phi lê thịt trắng đi các nước kể từ ngày này là 3 USD/kg. Theo thông tin từ VASEP, hầu hết các hợp đồng năm mới mà doanh nghiệp ký được đều cao hơn 3 USD/kg. "Điều đó bắt buộc tất cả doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm của mình lên để được giá bán cao hơn. Vô hình chung đã tạo nên một tiêu chuẩn chất lượng chung cho con cá xuất khẩu. Uy tín theo đó cũng tăng lên và ta cũng sẽ chống được việc các nước bôi xấu con cá tra của ta hay chống bán phá giá” - ông Hậu nhận định./.