Vừa đến đầu làng Sắc, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), chúng tôi đã nghe những âm thanh của máy bật bông, tiếng xe, tiếng máy nổ… rộn ràng vang lên từ những cơ sở sản xuất chăn, ga, gối, đệm. Nghề làm chăn ở đây có từ rất lâu, các thế hệ nối tiếp nhau làm nghề truyền thống đã không ngừng cải tiến kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Anh Trần Ngọc Quyết, chủ một cơ sở sản xuất chăn, ga, gối, đệm lớn của xã cho biết: Nghề này làm quanh năm nhưng tất bật nhất là những tháng cuối năm. Năm nay, thời tiết rét đậm kéo dài thì thị trường tiêu thụ sản phẩm lại càng nhộn nhịp, hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Sản phẩm của làng Sắc không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh mà đã có mặt ở các tỉnh khác như: Gia Lai, Đắc Lắc, Nghệ An… Đến nay, xã Mỹ Thắng đã có 5 Cty, doanh nghiệp và hơn 200 hộ tham gia phát triển nghề truyền thống. Ước tính, trung bình mỗi ngày một cơ sở sản xuất khoảng 100 bộ chăn, ga, gối, đệm các loại, đạt giá trị gần trăm triệu đồng. Nghề làm chăn, ga, gối, đệm phát triển mạnh đã thu hút, tạo việc làm cho trên 300 lao động ở trong và ngoài xã, với mức thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Đồng chí Trần Xuân Thư, phó chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng cho biết: Từ khi có nghị quyết chuyên đề về phát triển CN-TTCN của huyện, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các Cty, doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hiện đại. Xã hỗ trợ các cơ sở sản xuất vay vốn từ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện và Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, với tổng dư nợ hơn 26 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp đã vay gần 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích và định hướng cho các cơ sở sản xuất tập trung đầu tư, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư hàng loạt máy móc thiết bị mới như: máy thêu vi tính, máy trần thêu, máy trần chăn, máy làm bông... Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn tổ chức thu mua và nhận bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất nhỏ.
Để tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, nước thải... từ làng nghề, UBND xã Mỹ Thắng đã lập đề án xây dựng CCN làng nghề. Theo kế hoạch, CCN xã sẽ được xây dựng tại làng Sắc, theo quy hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề của huyện, giai đoạn 2010-2015. Bên cạnh đó, xã tập trung xây dựng một số doanh nghiệp mạnh làm động lực thúc đẩy phát triển làng nghề, đồng thời chú trọng công tác dạy nghề, truyền nghề cho nhân dân địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, bảo đảm ổn định, bền vững./.
( Đại học Huế)