Kiểm soát các cây xăng đóng cửa không rõ lý do: Vẫn bảo đảm xăng dầu phục vụ người tiêu dùng

08:02, 23/02/2011

Liên quan đến những thông tin gần đây về nguồn cung xăng dầu và tình trạng cửa hàng xăng dầu găm hàng chờ tăng giá, sáng 20-2, Tổng Cty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã tổ chức họp thông báo tình hình với một số cơ quan báo chí. Ông Vương Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc doanh nghiệp giữ 60% thị phần cả nước này cho biết: Hiện tại cả nguồn cung của Petrolimex vẫn đảm bảo. 100% cửa hàng thuộc hệ thống của họ vẫn bán hàng bình thường và tiếp tục cung ứng đủ hàng cho các đại lý, tổng đại lý. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng các cây xăng cố tình vi phạm, găm hàng đợi giá và tình trạng xuất lậu xăng dầu qua biên giới

Một điểm bán xăng dầu cảu Cty Xăng dầu hà Nam Ninh. Ảnh: PV
Một điểm bán xăng dầu của Cty Xăng dầu Hà Nam Ninh.
Ảnh: PV

Khẳng định nguồn cung vẫn đảm bảo

Toàn quốc có khoảng gần 14.000 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, thì Petrolimex có khoảng hơn 6.000 cửa hàng. Trong đó, cửa hàng 100% vốn sở hữu Nhà nước (được xếp vào hệ thống phân phối của Petrolimex) khoảng 2.100 cửa hàng, và cửa hàng thuộc các đại lý và tổng đại lý là khách hàng của Petrolimex khoảng 4.000 cửa hàng. “Với các cửa hàng thuộc hệ thống, chúng tôi khẳng định vẫn đang bán hàng bình thường, đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân. Giờ bán hàng được niêm yết công khai theo đúng giờ đã đăng ký với các cơ quan quản lý Nhà nước. Đối với các đại lý và tổng đại lý, Petrolimex cũng khẳng định vẫn cung cấp đầy đủ hàng theo hợp đồng đã ký kết” - ông Vương Thái Dũng cho biết. Theo tính toán giá cơ sở, hiện mỗi lít xăng, dầu đang lỗ khoảng 3.000 đồng, gây áp lực rất lớn lên doanh nghiệp. Tuy nhiên, trả lời về “khả năng chịu đựng” của mình, đại diện Petrolimex vẫn khẳng định, với vị trí chi phối khoảng 60% thị phần và nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, họ sẽ tiếp tục đảm bảo nguồn cung cho đến khi Chính phủ có chỉ đạo tiếp theo. Hiện doanh nghiệp vẫn đảm bảo nhập đủ, thậm chí còn vượt hạn ngạch mà Bộ Công thương giao. Cụ thể, trong tháng 1, doanh nghiệp này đã nhập 1,5 triệu m3, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước và cũng vượt hạn ngạch hơn 20%. Về bán lẻ, cũng trong tháng này, Petrolimex đã bán trên 800.000m3, cao hơn 18% so với tháng 12-2010 và cao hơn cùng kỳ 20%. Doanh số bán trong 20 ngày đầu tháng 2 cũng vượt so với cùng kỳ 22%.

Tuy vậy, không thể phủ nhận trên thực tế, hiện tượng các cây xăng ngừng bán không rõ lý do, đóng cửa sớm hoặc “mất điện”, “nhập hàng” ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Về tình trạng này, ông Dũng không phủ nhận khả năng “găm” hàng, chờ tăng giá. Hiện Petrolimex chỉ quản lý giờ được với 2.100 cửa hàng thuộc hệ thống của mình. Còn với 4.000 cây xăng thuộc các đại lý, giờ bán hàng do chủ cửa hàng tự quyết định, và họ có đăng ký với các cơ quan chức năng hay không thì doanh nghiệp này cũng không được biết. Theo PV tại nhiều cây xăng, họ cho biết tình hình mua vào từ các đại lý của họ đang gặp khó khăn, do đó không đủ hàng bán. Nguyên nhân do chính việc vi phạm, lách nghị định của các đại lý. Theo Nghị định 84, mỗi đơn vị chỉ được làm đại lý cho 1 đầu mối xăng dầu, nhưng do lợi nhuận, các cửa hàng thường nhập hàng ở nhiều đầu mối khác nhau. “Ví dụ họ tiêu thụ hết 40.000m3, nhưng chỉ ký hợp đồng với chúng tôi 10.000m3, còn lại nhập ở nơi khác, thì đương nhiên chúng tôi chỉ giao hàng theo đúng hợp đồng đã ký. Chúng tôi khẳng định cung cấp đủ hàng, nhưng từ các đầu mối khác thì chúng tôi không rõ”. Thêm vào đó, theo Petrolimex, hiện tình trạng các cây xăng không phải của Petrolimex nhưng vẫn treo logo của họ để lợi dụng tên tuổi của họ còn nhiều. Để phân biệt, doanh nghiệp này cho biết, nếu là cửa hàng thuộc hệ thống thì ngoài logo sẽ có tên cửa hàng và đơn vị chủ quản.

Cơ quan quản lý mới chỉ “nói” chứ chưa “làm”

Nhìn vào hiện tượng, có thể thấy nhiều dấu hiệu bất thường. Đơn cử, trong thời điểm khó khăn này, doanh số của Petrolimex bỗng tăng cao bất thường. Chỉ riêng khu vực phía Nam, doanh số của doanh nghiệp này đã tăng 24%, ở thị trường Hà Nội là 30%... “Cá biệt, có những tỉnh lượng bán hàng ra tăng 40%, hay thậm chí 300% như một cây xăng ở Lâm Đồng, do các cây xăng khác ở đó đều đóng cửa”. Thị phần tăng bất thường trong bối cảnh càng bán nhiều càng lỗ, tất nhiên các doanh nghiệp không thể ngồi yên. Được biết, họ đều đã báo cáo tình hình lên cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là các Sở Công thương các địa phương. Tuy nhiên, tất cả các hành động của các sở cũng như Bộ Công thương được công bố trước công luận cho đến nay mới chỉ là những khẳng định “sẽ xử lý nghiêm”, “tước giấy phép vĩnh viễn”… mà chưa có đích danh cây xăng nào bị xử lý. Chính việc xử lý thiếu tính răn đe này đã khiến các vi phạm không giảm, mà chỉ có tăng, do những đồn đoán về thời điểm quyết định điều chỉnh giá đang cận kề. "Diễn biến thị trường như thế nào, cơ quan quản lý biết hết. Vấn đề là họ có hành động hay không?" - đại diện một doanh nghiệp trong ngành cho biết./.

Vũ Hân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com