Nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong sản xuất, đồng thời bảo vệ môi trường làm việc, bảo đảm sức khoẻ cho người lao động, nhiều biện pháp sản xuất sạch hơn đang được các doanh nghiệp và làng nghề trong tỉnh áp dụng, mang lại hiệu quả bước đầu.
Thời gian qua, các cấp chính quyền và các doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp tích cực nhằm đưa hoạt động sản xuất công nghiệp theo hướng sản xuất sạch hơn (SXSH). Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động nghiên cứu, nắm bắt thực trạng hạ tầng kỹ thuật sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp, làng nghề, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền xuống từng đơn vị để vận động thực hiện công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong sản xuất. Sở TN-MT bám sát các hoạt động của các chương trình, dự án hỗ trợ BVMT và lựa chọn những đơn vị phù hợp để triển khai thực hiện dự án. Thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp trong tỉnh được tham gia thực hiện các dự án hỗ trợ BVMT trong quá trình sản xuất. Thông qua dự án “Quản lý chất thải nguy hại” do Chính phủ Thuỵ Sỹ tài trợ từ năm 2004 đến nay, Sở TN-MT đã không chỉ phổ biến những kiến thức cơ bản về thực trạng, nguy cơ, biện pháp quản lý chất thải nguy hại mà còn vận động thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Trong một hợp phần của dự án, Sở TN-MT đã thực hiện các hoạt động góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường tại các làng nghề cơ khí: Vân Chàng và Bình Yên (Nam Trực). Với nguồn kinh phí hỗ trợ, các hộ làm nghề ở hai xã xây dựng hố ga chứa nước thải từ quá trình tẩy rửa sản phẩm cơ khí, xây ống khói giảm thiểu bụi. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ, các xã còn thành lập đội thu gom rác thải được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động và các thiết bị chuyên dùng; xây nhà kho chứa chất thải nguy hại tại bãi rác tập trung của xã… Không chỉ góp phần cải thiện môi trường chung trong xã, dự án còn làm thay đổi nhận thức của các cơ sở sản xuất, giúp chủ cơ sở và người lao động nâng cao ý thức BVMT trong quá trình sản xuất. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã đầu tư các thiết bị hiện đại hơn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm tiêu hao năng lượng, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Thông qua dự án hỗ trợ kỹ thuật sản xuất gạch bền vững (VSBK) dự án do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ, từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh đã có 39 hộ thuộc 25 xã trên địa bàn 8 huyện được tham gia quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất gạch thủ công sang mô hình sản xuất bền vững. Dự án áp dụng phương pháp kỹ thuật thay thế lò thủ công bằng lò VSBK. Sau 5 năm triển khai thực hiện, dự án đã góp phần giảm 19% số lò gạch thủ công/năm; riêng số lò dã chiến không vỏ giảm mạnh từ 470 lò, xuống 122 lò và đến nay gần như đã xoá bỏ. Qua kiểm tra thử nghiệm tại hiện trường trong số các hộ tham gia dự án kết quả cho thấy lượng HF và SO2 thải vào môi trường đã giảm đáng kể. Dự án còn góp phần giúp các cấp quản lý ngành xây dựng chủ động hơn trong việc dừng sản xuất ở các lò gạch thủ công và thực sự nâng cao nhận thức về trách nhiệm phải chuyển đổi sang sản xuất gạch theo hướng sản xuất bền vững bằng cách áp dụng công nghệ sản xuất gạch không nung… Bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ của các dự án, thời gian qua tỉnh ta đã chủ động đầu tư kinh phí cho công tác BVMT phục vụ trong sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp. Trong 2 năm 2007 và 2008 tỉnh đã hỗ trợ đầu tư gần 10 tỷ đồng để xây dựng các công trình chôn lấp, xử lý chất thải rắn cho 10 xã, thị trấn có làng nghề tại các huyện: Trực Ninh, Xuân Trường, Nam Trực, Ý Yên; đầu tư 6,5 tỷ đồng xây dựng trạm xử lý nước thải ở các CCN, làng nghề tập trung ở Yên Xá (Ý Yên); Xuân Tiến, Xuân Bắc (Xuân Trường), An Xá (TP Nam Định).
Từ hiệu quả bước đầu của những dự án BVMT trong sản xuất của các doanh nghiệp, làng nghề cùng với sự nỗ lực tuyên truyền vận động tới từng đơn vị, doanh nghiệp của các ngành chức năng đã góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành động về công tác BVMT của nhiều doanh nghiệp. Đến nay, hầu hết các chủ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất đều khẳng định: Việc áp dụng chương trình SXSH không chỉ góp phần BVMT mà còn đem lại lợi ích cho doanh nghiệp nhờ tiết giảm được chi phí sản xuất, nâng cao được chất lượng và uy tín của sản phẩm. Theo số liệu của Sở TN-MT, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 33 doanh nghiệp tham gia áp dụng chương trình SXSH. Các doanh nghiệp đều được thực hiện đồng bộ các giải pháp: Thay đổi thiết bị; thay đổi nguyên liệu; tuần hoàn, tái sử dụng nguyên liệu; sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, xây dựng các công trình BVMT… Điển hình như Tổng Cty cổ phần sợi Việt An đã đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng cấp dây chuyền sản xuất hiện đại và đồng bộ phục vụ các công đoạn sản xuất từ khâu trồng bông, chế biến bông, kéo sợi, dệt đến khi may thành sản phẩm. Cty TNHH sản xuất thương mại Nam Anh, vừa đầu tư trên 6 tỷ đồng nâng cấp thiết bị, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất. Dây chuyền sản xuất xăm lốp, trục trà lúa công nghệ mới có tính năng tự đặt chế độ khi lưu hoá cao su đã góp phần giảm tiêu hao nguyên liệu trị giá hàng trăm triệu đồng/năm và giảm bớt một lượng khí thải đáng kể ra môi trường. Sản phẩm tạo ra có độ bền đẹp cao hơn nhiều so với trước đây.
Để chương trình SXSH tiếp tục đạt hiệu quả, trong thời gian tới các cơ quan chức năng bám sát các chương trình dự án hỗ trợ khuyến khích và đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các doanh nghiệp tham gia chương trình SXSH; tích cực ứng dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2004./.
Nguyễn Thanh Thuý