Cty cổ phần dệt may Sơn Nam: Vững vàng trong hội nhập

11:02, 02/02/2011

Mùa xuân này, Cty cổ phần dệt may Sơn Nam đã tròn 50 năm thành lập. Từ một tổ hợp sản xuất nhỏ ra đời từ năm 1960 chuyên gia công tẩy sợi và nhuộm chăn màn quần áo phục vụ nhân dân trong thành phố, đến nay, Cty đã đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước với doanh thu hàng trăm tỷ đồng. 

Kiểm tra chất lượng sản phẩm khăn mặt trước khi đóng gói xuất khẩu.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm khăn mặt trước khi đóng gói xuất khẩu.
Ảnh: Dương Đức

I - Gắn kết cùng làng nghề

Để đứng vững trên thị trường thời gian qua Cty cổ phần dệt may Sơn Nam đã tạo dựng được thế chân kiềng vững chắc. Đó là liên kết giữa nội lực đổi mới công tác quản lý với đầu tư trang thiết bị hiện đại và làng nghề truyền thống. Với thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản được khôi phục (năm 1998) với những đặc điểm, cách thức tiêu dùng của người dân Nhật Bản là sản phẩm vừa mang tính chất sản xuất hiện đại nhưng có đôi chút thủ công. Do đó hướng phát triển cùng làng nghề đã không chỉ được sự đồng thuận trong doanh nghiệp mà đã được tỉnh cùng các cấp, các ngành tạo điều kiện giúp đỡ. Từ năm 1998, nhằm nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, Cty đã liên kết với các hộ, cơ sở sản xuất của các làng nghề dệt truyền thống trên địa bàn tỉnh. Để đạt hiệu quả tối ưu, Cty có cơ chế hỗ trợ cho người sản xuất trực tiếp như tăng giá gia công cho mỗi đơn vị sản phẩm, mở các lớp đào tạo dạy nghề, hỗ trợ lãi suất từ 50% trở lên tổng số vốn mà hộ đã vay để mua máy dệt khăn… Bên cạnh đó, Cty ký hợp đồng gia công trực tiếp với nhiều hình thức như “giao nguyên liệu, thu thành phẩm” sau đó chuyển sang “bán nguyên liệu mua thành phẩm”. Với hình thức mua nguyên liệu, các hộ vay vốn sẽ được Cty hỗ trợ 100% lãi suất đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho các hộ, cơ sở sản xuất vệ tinh, đến năm 2005 đã có nhiều làng nghề dệt truyền thống ở các xã Nam Hồng, Nam Thanh (Nam Trực) và một số xã của huyện Trực Ninh được khôi phục và phát triển. Đến nay, đã có trên 1.000 máy dệt khăn khổ rộng tại nhiều địa phương với hàng chục cơ sở dệt là tổ hợp, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, Cty TNHH. Cùng với nghề dệt truyền thống, Cty đã phát triển thêm nghề may khăn xuất khẩu tăng thu nhập cho người lao động tại các địa phương. Với việc khôi phục, mở rộng nghề dệt truyền thống tại các huyện Nam Trực, Trực Ninh đến nay hầu hết các huyện đều có cơ sở dệt, may khăn xuất khẩu cho Cty. Nhờ có sự liên kết với làng nghề trong sản xuất nên sản lượng khăn xuất khẩu của làng nghề từ chỗ chỉ vài ba trăm tấn thì đến nay sản lượng đã chiếm từ 70% đến 80% sản lượng khăn xuất khẩu của Cty. Không chỉ tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động tại nhà máy, Cty đã giải quyết cho khoảng 2.000 lao động tại các làng nghề dệt truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Thời điểm quan trọng tạo nên bước ngoặt lớn cho Cty cổ phần dệt may Sơn Nam là chuyển đổi sang cổ phần hoá. Từ Ban giám đốc đến người lao động đều nhận thức rõ về mối quan hệ giữa quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với công việc nên năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh của Cty đã có bước chuyển rõ nét. Bên cạnh đó, Cty đã tạo bước đột phá khi thực hiện việc bán trên 1 tỷ đồng vốn cổ phần cho người lao động ở các làng nghề nhằm gắn kết chặt chẽ quyền lợi của những người lao động với Cty. 

Cty cổ phần dệt may Sơn Nam đầu tư 150 tỷ đồng xây dựng nhà máy sợi công suất 2.500 tấn sợi NE32/năm. Ảnh trang này của: Dương Đức
Cty cổ phần dệt may Sơn Nam đầu tư 150 tỷ đồng xây dựng nhà máy sợi công suất 2.500 tấn sợi NE32/năm.
Ảnh: Dương Đức

II - Vững vàng trong làng dệt may Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Thế Minh, Tổng Giám đốc Cty cổ phần dệt may Sơn Nam cho biết,  năm 2005, với việc đưa hai nhà máy sợi OE có công suất 6.000 tấn/năm - thời điểm đó là lớn nhất Việt Nam tại KCN Hoà Xá, cùng với nhà máy dệt khăn sản lượng 3.000 tấn/năm là bước đột phá của Cty trong đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại... Đây là dây chuyền thiết bị, công nghệ đồng bộ thuộc thế hệ mới nhất của Thụy Sỹ (hãng Riester) và Cộng hoà Liên bang Đức. Thành công trong việc liên kết với làng nghề đã đem lại cho Cty hiệu quả cao vừa tiết kiệm được vốn đầu tư mở rộng sản xuất, vừa đảm bảo được khối lượng sản phẩm giao hàng. Hơn nữa, Cty có điều kiện tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất sợi giành thế chủ động trong sản xuất. Bên cạnh đó, Cty còn đầu tư tiếp một nhà máy khăn bằng vốn tự có 30 tỷ đồng. Việc đầu tư trang thiết bị hiện đại và gắn kết làng nghề dệt truyền thống, Cty đã giải quyết được những vấn đề đặt ra ban đầu như: chất lượng, số lượng và thời gian giao hàng theo hợp đồng xuất khẩu. Với phương châm “Chất lượng đúng, số lượng đủ bảo đảm thời gian giao hàng” uy tín của Cty đã được tạo dựng bằng sự cam kết lâu dài, từ đó khẳng định thương hiệu trong việc phát triển thị trường. Từ một mối hàng xuất sang Nhật Bản, đến nay Cty đang có mối quan hệ với hơn 30 bạn hàng trên thị trường Mỹ, Hàn Quốc, khối EU… Năm 2010, Cty đã hoàn thành kế hoạch đề ra trước hai tháng với doanh thu đạt 450 tỷ đồng. Cũng trong năm 2010, Cty tiếp tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy sợi số 3 với số vốn 110 tỷ đồng. Dự kiến đến hết quý I-2011 nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Nhà máy sợi số 3 được đầu tư công nghệ của hai nước Đức, Italia có công suất 2 vạn cọc, với sản lượng đạt gần 4.000 tấn/năm. Sản phẩm nhà máy sợi số 3 chuyên dùng cho dệt các loại vải cao cấp như vải bò, vải kaki... Đây cũng là bước chuyển “đi trước đón đầu” khi thị trường đang cần những sản phẩm cùng loại của nước ta sản xuất chỉ có ở một số ít đơn vị. Cty cổ phần dệt may Sơn Nam luôn “lấy đầu tư làm cơ hội để hội nhập”, từ đó tạo nên những bước phát triển mới. Nói như đồng chí Nguyễn Thế Minh, Tổng Giám đốc Cty cổ phần dệt may Sơn Nam thì đầu tư phát triển công nghệ chính là sự sống còn của doanh nghiệp trên con đường phát triển và hội nhập./.

Văn Bắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com