Là vùng quê thuần nông với hơn 500ha đất nông nghiệp, ngoài cấy lúa, trồng cây màu, những năm qua, xã Yên Phúc (Ý Yên) đã đưa cây sanh vào trồng bằng cách gieo hạt ở vùng đất bãi ven sông Đào.
Người khởi xướng đưa cây sanh về trồng trên đồng đất Yên Phúc là các ông Vũ Quang Đệ, Khiếu Đình Thiêm và một vài hộ gia đình khác ở thôn Đồng Lạc. Ban đầu, cây sanh được chọn hạt, gieo trồng ngay trong vườn nhà thành cây phôi rồi bán lại cho những nhà vườn có tiếng ở trong và ngoài tỉnh. Ưu điểm của cây sanh là dễ thích nghi, không đòi hỏi nghiêm ngặt về nước tưới như cấy lúa. Những người làm cây thế ưa chuộng sản phẩm cây phôi của Yên Phúc bởi có bộ rễ đẹp, da mốc, gốc xù sì, lá nhỏ, nhiều nhánh, thuận lợi cho việc tạo dáng và ký đá. Cây sanh đã đem lại lợi ích kinh tế nên nhiều hộ dân trong xã đã đầu tư cải tạo vườn tạp để trồng, đồng thời tìm tòi học hỏi kỹ thuật vin cành, tạo dáng cho cây từ chính những bạn hàng. Đến nay, các hộ ở Yên Phúc đã tạo được các loại cây thế hoàn chỉnh, nên giá bán tăng lên rất nhiều.
Bác Vũ Đức Thùy, hội viên Hội Sinh vật cảnh xã Hải Minh (Hải Hậu) phát triển nghề trồng cây cảnh, thu lãi mỗi năm 150-200 triệu đồng.
Ảnh:
Dương Đức
|
Thấy trồng cây sanh hiệu quả, hơn 100 hộ dân ở cả 13 xóm trong xã đã dồn đổi 27ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả và thùng đào, thùng đấu ven đê thành vùng chuyên trồng cây sanh. Từ năm 1998, Hội Sinh vật cảnh của xã được thành lập với 20 hội viên thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm cho người trồng. Hội Sinh vật cảnh xã còn tổ chức cho hội viên tham quan học tập kinh nghiệm trồng cây cảnh ở làng hoa Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực), làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội), đồng thời nắm bắt xu thế phát triển của thị trường và thị hiếu khách hàng để áp dụng vào thực tế sản xuất ở địa phương. Tháng 6-2010, được sự hỗ trợ của Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, Hội Sinh vật cảnh xã đã tổ chức lớp học nghề trồng cây cảnh cho 95 lao động trong xã. Trong thời gian 3 tháng các hội viên và một số hộ dân trồng cây cảnh đã được trang bị kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh. Bên cạnh đó, ban chấp hành Hội Sinh vật cảnh xã đứng ra tín chấp cho mỗi hội viên vay 10 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ nguồn vốn của Ngân hàng CS-XH để mở rộng sản xuất. Đến nay, xã Yên Phúc có trên 100 hộ phát triển nghề trồng cây cảnh, trong đó, 80% số hộ có diện tích vườn từ 0,5ha trở lên, với hàng chục nghìn cây sanh bám đá nghệ thuật. Nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng như gia đình các ông Vũ Đình Đệ, Mai Văn Bao, Hoàng Duy Thanh, Mai Đình Hiếu… (cùng ở thôn Đồng Lạc), ông Trần Văn Việt thôn Yên Bình. Phong trào trồng cây cảnh ở Yên Phúc phát triển, đã cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Bắc và thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu… Đặc biệt, 2 tác phẩm cây sanh thế siêu của anh Mai Văn Bao đã đạt giải vàng tại Hội thi sinh vật cảnh toàn tỉnh và được chọn trưng bày tại Phủ Chủ tịch trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cũng trong năm 2010, anh Mai Văn Bao đã được tặng Bằng Nghệ nhân Sinh vật cảnh cấp tỉnh. Phong trào trồng cây cảnh phát triển, tạo điều kiện cho nhiều hoạt động dịch vụ phụ trợ như cung cấp vật tư cho việc uốn tỉa, tạo dáng cây, quay ang, chậu, đắp trụ, thiết kế hòn non bộ… có điều kiện phát triển, tạo thêm việc làm và thu nhập cho hàng trăm hộ khác trong xã.
Nghề trồng cây cảnh ở Yên Phúc cho thu nhập cao, mở ra hướng làm giàu chính đáng và ổn định cho người dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và làm thay đổi diện mạo nông thôn ở địa phương./.
Nguyễn Hương