Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2010 là năm xuất khẩu gạo đạt thành tích tốt nhất từ trước tới nay, cả về lượng lẫn giá trị. Lượng gạo đã xuất khẩu trong năm qua là 6,828 triệu tấn, trị giá 3,212 tỷ USD, tăng 14,6% về lượng và 20,6% về giá trị so năm 2009. Châu Á là thị trường số 1 của gạo Việt Nam trong năm qua khi chiếm tới 4,009 triệu tấn (59,36% tổng lượng gạo xuất khẩu), tiếp đó là châu Phi (23,55%), châu Mỹ 8,21%…
Sản xuất, chế biến tại Cty Cổ phần Lương thực Nam Định.
Ảnh:
Thanh Thủy
|
Lượng gạo tồn kho năm 2010 chuyển sang năm 2011 là 840 ngàn tấn. Số hợp đồng đã ký giao đầu năm 2011 vào khoảng 800 ngàn tấn. Như vậy, đầu năm nay, nguồn cung gạo xuất khẩu cho các hợp đồng đã ký, hiện thời vẫn có thể đảm bảo được. Còn theo Bộ NN-PTNT, lượng gạo hàng hoá để dành cho xuất khẩu trong năm nay vào khoảng 6 triệu tấn. Tổng cộng, trong năm nay, sẽ có khoảng 6,8 triệu tấn gạo hàng hoá. VFA dự tính để dành 640 ngàn tấn cho đầu năm 2002, nên chỉ định hướng trước mắt xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo.
Thị trường xuất khẩu gạo năm nay được nhận định là lạc quan cho các nhà xuất khẩu. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (nguồn thông tin được giới kinh doanh gạo nước ta coi là tin cậy nhất hiện nay), sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2010-2011 sẽ vào khoảng 452,4 triệu tấn, trong khi tiêu dùng toàn cầu là 453 triệu tấn. Như vậy, sản lượng sẽ thiếu so với nhu cầu khoảng 600 ngàn tấn. Vào thời điểm này, thị trường gạo thế giới vẫn tiếp tục bị chi phối từ việc Indonesia đang mua gạo khối lượng lớn và liên tục. Trong 4 tháng cuối 2010, Indonesia đã mua của Việt Nam 800 ngàn tấn và Thái Lan 275 ngàn tấn. Nước này đang tiếp tục hỏi mua khoảng 200 ngàn tấn. Bangladesh sau khi mua của Việt Nam 200 ngàn tấn hồi cuối năm ngoái, giờ cũng đang tiếp tục hỏi mua thêm. Iraq đã sớm mở thầu mua gạo vào ngày 4-1 vừa rồi. Philippines đã thông báo gia hạn thoả thuận Chính phủ mua gạo của Việt Nam từ 2011-2013 với số lượng 1,5 triệu tấn mỗi năm, đồng thời mở rộng nhập khẩu tư nhân…
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang ở mức khá tốt, với gạo 5% tấm vào khoảng 510 USD/tấn, tương đương giá gạo cùng loại của Thái Lan và cao hơn gạo cùng loại của Pakistan. Gạo 25% tấm của Việt Nam là 490 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan và Pakistan tới 30 và 55 USD/tấn. Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, xuất khẩu gạo trong năm nay phải duy trì được mức giá cao của cuối năm 2010 và đầu 2011. Việc này hoàn toàn có thể làm được, bởi thực tế xuất khẩu gạo trong năm qua cho thấy, lần đầu tiên giá lúa gạo trong nước đã tác động trở lại tới giá gạo xuất khẩu (trước đây, giá gạo xuất khẩu thường chi phối giá lúa gạo trong nước). Đây là tác dụng từ công tác thu mua tạm trữ lúa gạo hàng hoá do VFA tổ chức thực hiện, đã đẩy giá lúa gạo hàng hoá trong nước từ mức đã bị xuống rất thấp lên mức cao hơn. Qua đó, đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng dần lên, và trong một thời gian dài đã ngang bằng với gạo cùng loại của Thái Lan, thậm chí có loại còn cao giá hơn.
Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, để tiếp tục thành công trong xuất khẩu gạo năm 2011, trước hết, phải tiếp tục làm tốt công tác xử lý thông tin sản xuất và thị trường thế giới. Ông Phong đề nghị các doanh nghiệp cập nhật kịp thời các thông tin dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ vì qua kiểm chứng cho thấy những dự báo của cơ quan này có độ chính xác cao hơn so với các cơ quan, tổ chức quốc tế khác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng luôn phải theo sát, nắm chắc thông tin từ các thị trường nhập khẩu, cũng như mọi diễn biến về sản xuất, tiêu dùng gạo trên thế giới.
Các thị trường tập trung cũng phải được làm tốt hơn trước, nhất là trong bối cảnh Chính phủ nhiều nước đang tăng cường mở rộng nhập khẩu tư nhân. Theo đó, VFA sẽ xử lý theo hai hướng. Hướng đầu tiên là chỉ định đại diện đàm phán hợp đồng với các nhà nhập khẩu tư nhân ở thị trường tập trung. Nếu đàm phán thành công và ký được hợp đồng, đơn vị đại diện đó sẽ chia lại hợp đồng cho các doanh nghiệp khác cùng thực hiện. Hướng thứ 2 là các doanh nghiệp đàm phán theo giá hướng dẫn của VFA. Sau khi đàm phán thành công, doanh nghiệp đang được phân công xuất khẩu theo hợp đồng Chính phủ vào thị trường tập trung đó sẽ đứng ra ký thay hợp đồng cho các doanh nghiệp kia, rồi đem hợp đồng về giao lại cho các doanh nghiệp đàm phán thực hiện xuất khẩu. Với 2 giải pháp này, VFA hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không bị ép giá khi ký xuất khẩu cho đối tượng tư nhân ở các thị trường tập trung, đồng thời qua đó sẽ không phá các hợp đồng Chính phủ vào những thị trường này./.
Theo: nongnghiep.vn