Xuân Trường tháo gỡ khó khăn trong phát triển CN-TTCN

09:01, 05/01/2011

Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2010, hoạt động sản xuất CN-TTCN của huyện Xuân Trường gặp khó khăn. Theo thống kê của Chi cục Thuế huyện, có 68 doanh nghiệp (chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp) ngừng hoạt động; một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Trước thực trạng trên, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành chức năng và các doanh nghiệp đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ những khó khăn để thúc đẩy sản xuất CN-TTCN phát triển. 

Xí nghiệp may Xuân Trường (Xuân Trường) sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, tạo việc làm thường xuyên cho 600 lao động.  Ảnh: Dương Đức
Xí nghiệp may Xuân Trường (Xuân Trường) sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, tạo việc làm thường xuyên cho 600 lao động.
Ảnh: Dương Đức

Phòng Công Thương huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp đóng tàu tận dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước, huy động tối đa tiềm lực để hoàn thành những hợp đồng khả thi. Các doanh nghiệp đã hoàn thiện và hạ thuỷ trên 20 con tàu từ 2.500 đến 3.200 tấn. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có uy tín đã tiếp cận được nhiều đơn hàng đóng mới tàu thuỷ trọng tải nhỏ nên đã từng bước ổn định hoạt động sản xuất. Điển hình là Cty Đại Nguyên Dương đã chuyển đổi sản xuất sang đóng mới sà lan và các tàu có tải trọng nhỏ, bảo đảm việc làm cho người lao động. Các doanh nghiệp đóng tàu có năng lực còn chủ động nghiên cứu nhu cầu thị trường và chuyển hướng hoạt động sang đóng thuyền cảnh từ 300 đến 500 tấn. Một số doanh nghiệp đã linh hoạt chuyển đổi sang lĩnh vực sửa chữa tàu thuyền. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh phát triển cơ khí ở các làng nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động. Các doanh nghiệp tập trung đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để thu hút, mở rộng thị trường. Xã Xuân Tiến có 85% số hộ tham gia phát triển ngành cơ khí, dịch vụ và các doanh nghiệp đã tạo dựng được thương hiệu vững chắc cho sản phẩm máy tuốt lúa, máy trộn bê tông, máy đùn gạch. Các sản phẩm cơ khí của Xuân Tiến không chỉ được tiêu thụ rộng khắp trên toàn quốc mà còn vươn ra thị trường các nước Trung Quốc, Lào, Cămpuchia… Xã Xuân Kiên cũng có nhiều doanh nghiệp sản xuất cơ khí, với những mặt hàng chiếm lĩnh thị trường toàn quốc. Điển hình như Cty TNHH Đình Mộc, là một trong những đơn vị đi đầu trong nước về nghiên cứu, thiết kế và đưa vào chế tạo, lắp đặt thi công nhiều loại máy phục vụ các ngành chế biến lâm sản, xây dựng và nông nghiệp. Cty TNHH chế tạo điện cơ AXUZU có sản phẩm máy phát điện và động cơ điện có chất lượng cao, giá thành rẻ hơn 30% so với hàng nhập từ Trung Quốc. Bình quân mỗi năm Cty cung cấp khoảng 5.000 động cơ và 4.000 máy phát điện ra thị trường toàn quốc; thị trường sử dụng sản phẩm của Cty nhiều nhất là các tỉnh có ngành vận tải thuỷ và đánh bắt thuỷ sản như Khánh Hoà, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Cà Mau… Ngoài ra, 30 doanh nghiệp sản xuất cơ khí trong huyện đều có bước phát triển mới về thị trường, sản lượng sản phẩm, góp phần mở rộng quy mô sản xuất và thu hút một lượng lớn công nhân cơ khí của ngành đóng tàu. Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo phát triển ngành may bằng cơ chế chính sách, tạo điều kiện mặt bằng, đất đai… Trên địa bàn hiện có 3 Cty may, thu hút khoảng 3.500 lao động. Cty cổ phần may Sông Hồng, nhờ được tạo thuận lợi về thủ tục, mặt bằng đã nhanh chóng đầu tư xây dựng 4 nhà xưởng với tổng diện tích 65.000m2 tại CCN trung tâm huyện chuyên sản xuất quần áo may mặc và chăn, gối, đệm, tạo việc làm ổn định cho 2.500 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 1,9 triệu đồng/người/tháng. Cty cổ phần may Nam Định đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng với quy mô 1,05ha, bảo đảm việc làm cho 500 công nhân. Tại địa phương còn có xí nghiệp may liên doanh Nhật Hồng của Cty cổ phần Trường Tiến giải quyết việc làm cho 350 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 1,7 triệu đồng/người/tháng. Để ngành may tiếp tục phát triển, huyện đang tạo điều kiện để Cty cổ phần may Minh Vuông (xã Xuân Trung) thành lập trung tâm dạy nghề may với quy mô đào tạo 1.000 lao động/năm. Hiện Cty đã được giao 8.000m2 đất ngay tại khu trung tâm thị trấn Xuân Trường, đang tiến hành san lấp mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình để sớm hoàn thành đưa trung tâm vào hoạt đông. Ngoài ra, huyện còn khuyến khích các xã có thế mạnh về sản xuất tiểu thủ công nghiệp tiếp tục nâng cao quy mô, năng lực sản xuất, quảng bá thương hiệu, sản phẩm để phát triển các ngành nghề: sản xuất đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống… Nhờ tập trung chỉ đạo, phát triển mạnh các ngành nghề mũi nhọn, có tiềm năng nên sản xuất CN-TTCN của huyện Xuân Trường từng bước ổn định. Năm 2010, giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện tính theo giá cố định 1994 đạt 826 tỷ đồng, bằng 103,3% so với kế hoạch năm, chiếm 43% cơ cấu kinh tế. Giá trị hàng hoá xuất khẩu ước đạt 20 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ./.

Nguyễn Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com