Trung Đông phát triển ngành nghề

09:01, 10/01/2011
Dệt áo thu đông bằng máy dệt kim tại Cty cổ phần Thuý Hà, xóm 5, thôn Trung Lao, xã Trung Đông (Trực Ninh).
Dệt áo thu đông bằng máy dệt kim tại Cty cổ phần Thuý Hà, xóm 5, thôn Trung Lao, xã Trung Đông (Trực Ninh).

Là địa phương có truyền thống thâm canh lúa nên hàng năm năng suất lúa của xã Trung Đông thường đạt 130-132 tạ/ha. Để tạo chuyển biến mới trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, những năm qua, xã đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản hàng hoá, đa dạng hoá ngành nghề và dịch vụ. Nhờ đó, trong giai đoạn 2005-2010, kinh tế của xã đã có bước phát triển tích cực. Sản xuất CN-TTCN, dịch vụ chiếm tỷ trọng 68,5% cơ cấu kinh tế của xã. Nghề mộc gia dụng truyền thống, phát triển mạnh tại thôn Trung Lao, với những sản phẩm chủ yếu như: khung dệt các loại, giường, tủ, bàn ghế… Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 100 xưởng mộc gia dụng, mỗi xưởng tạo việc làm cho 5-7 lao động và 1 HTX sản xuất, kinh doanh sản phẩm mộc thu hút trên 30 lao động. Ngoài thôn Trung Lao, nghề mộc gia dụng đã phát triển sang thôn Đông Thượng, công lao động của thợ có tay nghề cao đạt 80-100 nghìn đồng/ngày, thợ phụ có thu nhập 50 nghìn đồng/ngày. Nhiều cơ sở sản xuất đã đầu tư kinh phí mua sắm các loại máy cưa, máy bào hiện đại để giảm sức lao động nâng cao năng suất, chất lượng tạo ra các sản phẩm tinh xảo, có giá trị thẩm mỹ cao như sập gụ, tủ chè, tủ thờ,… cung ứng cho các thị trường: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Nhờ đó, nhiều gia đình ở Trung Đông đã vươn lên làm giàu như hộ các ông Phạm Văn Mão, Nguyễn Văn Lý (thôn Trung Lao), Nguyễn Văn Thung (thôn Đông Thượng)… Ông Phạm Đình Duyên, 65 tuổi, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Giang Hải (xóm 5, thôn Trung Lao) cho biết: Hiện tại gia đình có 1 xưởng mộc rộng 300m2 thường xuyên tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 8-10 lao động, trong đó có 4 thợ chính. Bình quân mỗi năm lợi nhuận từ nghề mộc cũng đạt 40-50 triệu đồng. Cùng với mộc gia dụng, nghề thêu ren xuất khẩu cũng được coi là nghề truyền thống của người dân Trung Đông, giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động ở các thôn trong lúc nông nhàn. Ngoài số lao động trực tiếp, ở Trung Đông đã có trên 10 hộ đứng ra ký hợp đồng, nhận nguyên liệu và thu gom sản phẩm thêu cho các Cty lớn ở Hà Nội, Ninh Bình… Trong đó có một số cơ sở tạo việc làm cho 80-100 lao động như: Cty cổ phần sản xuất thương mại Thuý Hà, hộ ông Trần Quang Vinh (xóm 8, thôn Trung Lao)

Để phát triển ngành nghề theo hướng đa dạng, bền vững, cấp uỷ, chính quyền xã Trung Đông luôn tạo điều kiện về thủ tục, mặt bằng để khuyến khích các tổ chức, cá nhân mở rộng quy mô, thành lập Cty, DNTN phát triển sản xuất kinh doanh… Đến cuối năm 2010, toàn xã đã có 1.650 hộ được vay vốn, với tổng dư nợ tín dụng trên 39 tỷ đồng. Nhờ các chính sách ưu đãi của địa phương, từ năm 2009 đến nay, xã Trung Đông đã khôi phục và phát triển nghề dệt truyền thống, với 1 cơ sở sản xuất quy mô 100 khung dệt chuyên sản xuất khăn mặt, khăn tắm; hình thành và phát triển nghề may công nghiệp với trên 100 máy may. Nghề dệt, may công nghiệp đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 250 lao động địa phương, với thu nhập từ 1,2 triệu đồng/người/tháng trở lên. Năm 2010, Cty cổ phần Thuý Hà đã đầu tư hơn 500 triệu đồng, mua 40 máy dệt tự động của Trung Quốc để sản xuất các sản phẩm áo thu đông từ sợi cô-tông tiêu thụ thị trường nội địa và xuất khẩu sang Bun-ga-ri. Bình quân mỗi ngày, Cty sản xuất được trên 200 sản phẩm các loại, tạo việc làm cho trên 40 lao động với thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2011, dự kiến Cty sẽ xây dựng và hoàn thiện thêm 300m2 nhà xưởng, mua sắm thêm máy móc, hoàn thiện xưởng dệt với quy mô 100 máy. Theo thống kê của xã, hiện tại có khoảng 5.000 lao động địa phương trực tiếp tham gia trong lĩnh vực sản xuất CN-TTCN với các ngành nghề như: mộc, nề, dệt, may công nghiệp, thêu ren, khai thác khoáng sản…

Trong những năm tới, xã Trung Đông tiếp tục tập trung phát triển đa dạng các ngành nghề truyền thống và du nhập thêm nghề mới… đồng thời khuyến khích phát triển các nghề sử dụng và thu hút nhiều lao động, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân./.

 Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com