Tân Khánh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp

09:01, 19/01/2011

Xã Tân Khánh là vùng đất trũng của huyện Vụ Bản. Trước đây, trong tổng số hơn 600ha đất canh tác của xã thì có hơn 200ha chỉ cấy được một vụ lúa. Những năm qua, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, xã Tân Khánh đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch thuỷ lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Xã đã xây kiên cố hơn 4km kênh cấp III, xây sửa 310 cống các loại và đào đắp, nạo vét 36.000m3 đất trong các đợt làm thuỷ lợi nội đồng, đầu tư hơn 1 tỷ đồng đổ bê tông 11km đường giao thông liên xóm và đường ra ruộng… Đảng uỷ, UBND xã đã chỉ đạo 2 HTXNN Duy Tân và Trùng Khánh xây dựng kế hoạch cải tạo ruộng đất, đưa các giống lúa và cây màu vụ đông phù hợp với từng vùng và tăng cường phổ biến kỹ thuật gieo trồng, thâm canh cho xã viên. Hàng năm, vào đầu vụ sản xuất, các HTX phối hợp với Hội Nông dân xã, Trung tâm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn về giống, phân bón, thuốc trừ sâu cho xã viên ở 13 đội sản xuất. Để nông dân có điều kiện mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, Hội Nông dân xã đã đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn hỗ trợ sản xuất từ Ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng CS-XH, với tổng dư nợ gần 9 tỷ đồng. Các hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa hiệu quả thấp, vườn tạp, thùng đào thùng đấu ven đê thành vùng nuôi thuỷ sản, trồng cây màu ổn định. Nhờ đó, năm 2010 năng suất lúa trung bình của xã đạt 120 tạ/ha, tăng 3,6 tạ/ha so với năm 2005. Toàn xã đã hình thành 9 cánh đồng cấy 2 vụ lúa, một vụ dưa chuột xuất khẩu cho thu nhập 110-120 triệu đồng/năm. Xã có 18 hộ đã chuyển đổi 129ha thùng đào thùng đấu ven sông Sắt sang nuôi thuỷ sản theo mô hình lúa - cá hoặc chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập bình quân mỗi hộ 40-50 triệu đồng/năm. Trang trại 4ha nuôi cá truyền thống kết hợp với chăn nuôi lợn của anh Phạm Văn Thuần (thôn Phong Cốc) cho thu nhập gần 300 triệu đồng mỗi năm. Các anh: Ngô Văn Xay (thôn Việt An); Trần Viết Tuấn (thôn Hạ Xá)… là những chủ trang trại có thu nhập ổn định. Ngoài những trang trại tổng hợp, một số hộ đã áp dụng những mô hình nuôi dế, nuôi nhím sinh sản… cho thu nhập cao. Ông Phạm Văn Sáu (thôn Bàn Kết), ông Nguyễn Văn Hiệp (thôn Việt An) đã  đưa nghề nuôi dế về địa phương. Với quy mô khoảng 400 lồng nuôi, ông Hiệp đã có dế thương phẩm cung cấp thường xuyên cho Cty thương mại Bắc Giang và một số nhà hàng đặc sản ở Hà Nội.

Năm 2010, từ kinh phí hỗ trợ của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xã đã mở 2 lớp dạy nghề nuôi thuỷ sản cho 50 lao động và 1 lớp dạy nghề thêu ren cho 60 lao động nữ. Ngoài việc học nghề, các học viên được hỗ trợ một phần kinh phí mua máy bơm nước, con giống thuỷ sản, khung thêu… phát triển nghề. Đến nay, nghề thêu ren được duy trì và tạo việc làm thường xuyên cho 400 lao động nữ trong xã, với mức thu nhập 500 nghìn đồng/người/tháng. Cùng với việc hình thành các trang trại, gia trại và nghề mới, hoạt động dịch vụ từng bước đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá, thức ăn gia súc, gia cầm và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động trong xã. Chỉ tính riêng các dịch vụ phục vụ cho nuôi thuỷ sản, trên địa bàn xã Tân Khánh đã hình thành một tổ hợp vận tải chuyên thu mua cá con, ốc biển, ngao, sò… ở các huyện ven biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ, cung ứng cho các chủ đầm làm thức ăn nuôi cá trắm đen.

Từ một vùng quê thuần nông, thực hiện chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, đến nay bộ mặt nông thôn ở Tân Khánh đã có nhiều đổi mới, số hộ giàu tăng nhanh, số hộ nghèo chỉ còn 4,87%./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com