Những “thông điệp” kinh tế đầu năm

09:01, 07/01/2011

Những thông tin tổng kết về tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 (từ Tổng cục Thống kê) và định hướng kinh tế năm 2011 (của Chính phủ) được công bố dồn dập trong những ngày cuối năm. Qua những số liệu được tổng kết, dư luận thấy rằng, bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận của năm 2010 thì thách thức đặt ra cho năm 2011 và cho cả giai đoạn 2011-2015 không nhỏ.

Nâng cao chất lượng điện năng, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, bảo đảm AN-QP  Ảnh: PV
Nâng cao chất lượng điện năng, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, bảo đảm AN-QP.
Ảnh: PV
Thách thức 2011

Thách thức đầu tiên của kinh tế vĩ mô năm 2011 là lạm phát. Diễn biến thực tế phản ánh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm và tiềm ẩn lạm phát cao trong lâu dài. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Ngọc Thức, một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao là do mất cân đối giữa tiền và hàng.

Về hiện tượng CPI cao bất thường trong những tháng cuối năm 2010, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước giải thích: tiền tệ không phải nguyên nhân cơ bản. Lãi suất thực tế trong cả năm 2010 luôn duy trì ở mức 16%-21%/năm thì không thể có chuyện CPI tăng do tín dụng nới lỏng. CPI tăng chỉ có thể do nguyên nhân “sức đề kháng” của nền kinh tế yếu. Còn nguyên nhân khiến sức đề kháng của nền kinh tế kém là do sự vận hành chưa hiệu quả của nền kinh tế trong thời gian dài. Cụ thể là tín dụng tăng liên tục trong giai đoạn 2006-2010 (có năm tăng tới hơn 50%) nhưng hiệu quả đầu tư mang lại không tương xứng.

Theo các chuyên gia kinh tế, với thách thức của kinh tế Việt Nam hiện nay, siết chặt tiền tệ không phải là giải pháp tối ưu vì bên cạnh việc ngăn được đà tăng của CPI thì giải pháp này cũng đang làm suy kiệt động lực của các khu vực kinh tế hiệu quả, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mặt khác, để duy trì tăng trưởng và phát triển, trong thập kỷ tới, Việt Nam vẫn phải tăng đầu tư (đầu tư công) vào cơ sở hạ tầng. Do đó, nếu chỉ siết tín dụng mà không siết đầu tư công, hoặc đúng hơn là thúc đẩy tính hiệu quả của khoản đầu tư này thì chính sách siết chặt tiền tệ chỉ có tác dụng một phần, duy trì lâu sẽ “lợi bất cập hại”.

Thách thức thứ hai là nhập siêu. Nhiều năm trước đây, nhiều ý kiến cho rằng nhập siêu của Việt Nam không đáng lo gì vì ta chủ yếu nhập máy móc, đầu tư cho sản xuất. Đầu tư xong, nhập siêu sẽ giảm và đến thời kỳ xuất siêu. Nhưng nay, thực tế phản ánh, ta càng xuất khẩu mạnh bao nhiêu thì nhập siêu càng tăng bấy nhiêu vì ngành công nghiệp xuất khẩu của ta chủ yếu là làm gia công, tỷ suất sinh lời từ việc gia công thì rất mỏng. Đề xuất giải pháp giảm nhập siêu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, các chuyên gia Nhật Bản hiến kế: Việt Nam phải xây dựng được ngành công nghiệp phụ trợ. Khi hàng hoá cho tiêu dùng và xuất khẩu của Việt Nam không phải nhập khẩu nguyên liệu từ A đến gần Z nữa thì nhập siêu sẽ giảm và áp lực tỷ giá cũng không còn.

Thách thức thứ ba là cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính. Theo Văn phòng Chính phủ, triển khai thực hiện Đề án 30 về cải cách hành chính, các bộ, ngành, địa phương cả nước đã cắt giảm được 5.000 thủ tục hành chính, góp phần tiết kiệm được 30 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp, xã hội. Tuy vậy, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà. Một tổng kết của Vụ Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phản ánh, thủ tục hành chính rườm rà làm tiêu tốn của doanh nghiệp khoảng 13 nghìn tỷ đồng/năm.

Quyết liệt điều hành

Tại phiên họp thường kỳ cuối cùng của năm (29-12), Chính phủ đã đánh giá toàn diện tình hình kinh tế - xã hội năm 2010, đồng thời xác định nhiệm vụ cho năm mới 2011.

Chính phủ dự báo, năm 2011, kinh tế thế giới sẽ vẫn phục hồi bất chấp những bất ổn của các khu vực, các nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, Chính phủ cho rằng, cơ hội tăng trưởng cao hơn cho Việt Nam trong năm 2011 là có triển vọng (mức 7-7,5%). Đạt được mục tiêu như vậy “Sẽ là bước chạy đà quan trọng để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển giai đoạn 5 năm cũng như chiến lược phát triển 10 năm tới”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh. Do đó, là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện quyết liệt và đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Mục tiêu chủ đạo là ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong chỉ đạo điều hành năm 2011 của Thủ tướng, nổi bật là chủ trương: giảm dần đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các nguồn vốn từ ngân sách. Chỉ đạo của Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương là cần rà soát, khuyến khích đầu tư, sản xuất từ nguồn vốn xã hội. Việc rà soát là để đưa ra danh mục, giải pháp cụ thể nhằm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Với quan điểm chỉ đạo như trên, vấn đề thành công và thành công đến đâu sẽ phụ thuộc sự vận động, thực thi vai trò, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sử dụng vốn Nhà nước.

Xét cho kỹ, phân tích cho thấu những thách thức đối với kinh tế Việt Nam 2011, có thể nói: nếu không có một quyết tâm rất cao trong năm 2011 thì những thách thức sẽ trở thành lực cản khó vượt. Có khi đã xác định phải đồng tâm hiệp lực, nâng cao trách nhiệm trong mọi hành động thì chính thách thức lại trở thành động lực phát triển./.

Huyền Lâm



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com