Vẫn là những mảnh ruộng, thửa vườn, lợn, gà, cá, tôm bao đời gắn bó với người nông dân, nhưng nhờ có những “cú hích” từ cơ chế, chính sách, đặc biệt là sự đột phá trong tư duy , mạnh dạn áp dụng những mô hình, phương thức sản xuất tiên tiến, gắn chặt với nhu cầu của thị trường, nhiều nông dân trong tỉnh đang trở thành những tỷ phú nông dân ngay chính trên thửa ruộng, mảnh vườn của mình.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hợi, làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) trên vườn cây trị giá nhiều tỷ đồng.
Ảnh:
Duy Hưng
|
Từ chủ trương đến hiện thực
Những năm gần đây, ở nhiều địa phương trong tỉnh, thật dễ dàng nhận ra “cuộc cách mạng” trên đồng đất của người nông dân. Nhiều mô hình, phương thức sản xuất mới được nông dân áp dụng, thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, quy mô, trình độ sản xuất đã có những bước tiến vượt bậc, nhiều mô hình đạt tới trình độ sản xuất tiên tiến, hiện đại. Để có cuộc “cách mạng” ấy, xuất phát từ chủ trương tập trung phát triển toàn diện, hiện đại hoá khu vực nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước. Trên bước đường hiện thực hoá chủ trương lớn, quan trọng này, Nhà nước, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ, đồng hành với mỗi bước đi của người nông dân, trong đó chính sách tín dụng ưu đãi sản xuất nông nghiệp giúp cho nông dân giải quyết được khó khăn về vốn sản xuất. Chính sách liên kết “4 nhà”: nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học giúp người nông dân không còn đơn độc trong quá trình sản xuất. Chính sách thông thương nội địa, giao thương với các nước trong khu vực và trên thế giới làm cho thị trường tiêu thụ sản phẩm của nông dân không ngừng được mở rộng. Đặc biệt chính sách “dồn điền đổi thửa” ra đời đã mang lại những hiệu quả to lớn, giúp nhiều hộ nông dân có điều kiện lựa chọn những mô hình, phương thức sản xuất, chăn nuôi mới cho giá trị thu nhập cao. Những chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực, đồng bộ này là những “cú hích”, mang lại sự phát triển mạnh mẽ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp thời gian qua. Từ đó, đã tạo ra một thế hệ nông dân mới, dám nghĩ, dám làm, bứt phá khỏi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo quy mô lớn, biết sản xuất gắn với nhu cầu của thị trường, nhờ vậy hiệu quả thu được không chỉ lớn hơn nhiều lần mà còn có tính bền vững.
Đến thăm khu trang trại tổng hợp của gia đình ông Lương Đức Thọ ở xóm 17, xã Hải Quang (Hải Hậu) mới thấy được người nông dân đã “đi” những bước dài trên đồng ruộng. Trên diện tích hơn 2ha, ông Thọ đào 19 cái ao nuôi cá, ba ba, ếch, trên bờ ông trồng các loại cây cảnh. Ngoài ra, ông xây một dãy chuồng dài nuôi hàng trăm con lợn, thả hàng nghìn con ngan, vịt, lập một cơ sở sản xuất cá giống có năng lực sản xuất 100 triệu cá bột/năm… Để “vận hành” trang trại, ông thuê thêm cả chục người làm. Trước đó, để chuẩn bị cho việc phát triển, mở rộng quy mô trang trại đồng thời tính chuyện lâu dài, ông cho cậu con trai lớn theo học ngành thuỷ sản. Ra trường, tuy tuổi đời còn trẻ nhưng nhờ nắm vững kỹ thuật anh trở thành cánh tay đắc lực hỗ trợ cha quản lý, vận hành, duy trì, phát triển khu trang trại tổng hợp của gia đình.
Chuyện bám đất làm giàu của ông Nguyễn Văn Tư ở thị trấn Quất Lâm (Giao Thuỷ) lại cho thấy muốn làm giàu ngoài sự hỗ trợ của cơ chế, chính sách, trước hết người nông dân phải có ý chí quyết tâm. Không may mắn như nhiều người, ông Tư là nạn nhân của chất độc màu da cam. Ông có bốn con thì ba người bị nhiễm, trong đó một người đã mất, hai người hơn hai mươi năm nay sống thực vật nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Vượt lên tất cả, vợ chồng ông vẫn bám đất, bám biển. Hơn mười năm trước, đúng lúc cuộc sống gia đình bế tắc ông nghe người ta râm ran chuyện nhiều người làm giàu từ nuôi trồng thủy sản. Tìm hiểu kỹ, ông nhận thấy quê ông cũng có điều kiện để nuôi thủy sản. Ông quyết định xin chính quyền thị trấn (khi đó là xã Giao Lâm) cho phép cải tạo khu bãi sình ven cửa sông Sò để nuôi thủy sản. Bỏ nghề biển, bắt đầu những ngày ròng rã lặn ngụp ở cửa sông Sò... Việc đầu tiên ông bắt tay làm là đắp đập ngăn nước. Vì ít tiền nên ông và cậu con trai lớn cứ ngày nối ngày tay móc, vai vác! Ròng rã trong 3 năm thì cái đầm cũng thành hình hài, rộng đến 3ha, nằm sát chân đê. Vất vả nhất nhưng cũng mừng nhất là bố con ông đắp được một con đập kiên cố dài 700 mét, chạy song song với đê quốc gia, có độ cao đủ không bị ngập khi thủy triều lên. Có nó bao bọc, khu ao đầm bên trong như một ốc đảo bình yên ngay đầu ngọn sóng. Từ đó, gia đình ông bắt đầu vay vốn đầu tư nuôi tôm, cua, ghẹ. Nhiều lần thất bại nhưng vợ chồng, bố con ông không nản, luôn động viên nhau kiên trì, cố gắng. Từ năm 1996, khu đầm của ông bắt đầu có thu, rồi dần dần có lãi, cứ đều đều năm sau cao hơn năm trước. Ông Tư trả được hết nợ ngân hàng, tái đầu tư cả trăm triệu đồng gia cố, mở rộng quy mô đầm hồ, tạo thêm việc làm, thu nhập cho ba bốn chục lao động. Cách đây mấy năm, ông còn xây dựng một cơ sở thu mua, sơ chế hải sản ngay tại trang trại, bắt đầu đi bằng cả "hai chân" sản xuất và kinh doanh. Hải sản ngư dân trong vùng đánh bắt được, ông gom lại, sơ chế rồi bán lại cho thương nhân Trung Quốc. Gia đình ông có thêm thu nhập, ngày công của ngư dân trong vùng nhờ vậy được cải thiện thêm nhiều so với tiêu thụ trong nước. Mới đây, Nhà nước thực hiện kiên cố hoá đê quốc gia đoạn chạy qua thị trấn Quất Lâm, để tạo điều kiện cho các đơn vị thi công, đồng thời đảm bảo an toàn cho gia đình ông, chính quyền địa phương đã cho ông thuê thêm khu đất trũng, rộng 5.000m2, chỉ cách khu trang trại một triền đê. Ông Tư cho biết, sau khi san lấp mặt bằng, ông sẽ chuyển hoạt động thu mua chế biến hải sản vào khu đất mới này. Ông khoe vừa đầu tư mấy trăm triệu đồng mua một chiếc ô tô tải, cho cậu con trai học lái để chủ động trong việc vận chuyển hải sản…
Cùng với nuôi trồng thuỷ, hải sản, sinh vật cảnh hiện cũng là hướng phát triển kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao của tỉnh. Nhiều gia đình nông dân trong tỉnh đã và đang trở thành tỷ phú từ hoạt động phát triển kinh tế này. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hợi ở làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) đã chọn nghề trồng cây cảnh để phát triển kinh tế. Có chút tích luỹ nào vợ chồng chị dành hết mua giống, gốc cây cảnh về giâm trong vườn và mua thêm hai sào đất gần nhà. Nhưng muốn phát triển, mở rộng quy mô thì phải có đất, trong khi lúc đó gia đình chị chỉ có khoảng 3 sào vườn. Tính đi tính lại vợ chồng chị quyết định nhận đấu thầu dài hạn thêm 4 sào diện tích hồ của HTX khi đó đang nuôi cá nhưng hiệu quả rất thấp. Có đất thôi không đủ, phải có kỹ thuật mới thành công, vợ chồng chị lại rong ruổi tàu xe khắp trong Nam, ngoài Bắc, sang tận cả Côn Minh (Trung Quốc) để học hỏi thêm kỹ thuật, kinh nghiệm. Vợ chồng chị “vỡ” ra nhiều điều về tính chuyên nghiệp trong làm ăn quy mô lớn… Có đất, kỹ thuật, kinh nghiệm lại gặp lúc nhu cầu thị trường ngày một lớn nên việc sản xuất, kinh doanh cây cảnh của vợ chồng chị mỗi ngày một phát triển. Lợi nhuận tích luỹ được, chị tiếp tục dành mở rộng diện tích đất canh tác. Gom góp từng “mảnh”, đến nay “rừng” cây cảnh của gia đình chị đã rộng gần 2ha. Theo chị Hợi đi tham quan vườn, chỉ vào cây nào chúng tôi cũng được giới thiệu có giá tiền triệu! Cây ít cũng ba, bốn triệu, nhiều cây giá chục triệu, riêng bộ ba cây si trồng ở đầu ngõ chị cho biết giá gần ba trăm triệu đồng… Với quy mô sản xuất đó, ngoài thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm gia đình chị còn tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động…
Cơ sở sản xuất cá giống. (Nguồn: Internet) |
Vì mục tiêu phát triển bền vững
Tuy đã đạt được những kết quả vượt bậc, song trên bước đường làm giàu trên đồng đất quê hương, người nông dân vẫn đang gặp nhiều khó khăn thách thức. Đến nay, ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn không ít hộ nông dân chưa tìm được mô hình, phương thức làm ăn hiệu quả. Các trang trại sản xuất, chăn nuôi theo quy mô lớn thường xuyên phải đối mặt với tình hình giá vật tư tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, đặc biệt dịch bệnh thường xuyên khiến hoạt động sản xuất gặp nhiều rủi ro. Nếu không có những giải pháp hữu hiệu, người nông dân khó có thể duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, chăn nuôi bền vững. Cùng với cả nước, các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực cụ thể hoá mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, các nguồn lực được ưu tiên tập trung xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch. Đây chính là cơ hội, là điều kiện thuận lợi để người dân nông thôn suy nghĩ, tìm ra những phương thức, mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững. Mới đây, một tin vui làm nức lòng người nông dân khi Chính phủ triển khai chính sách mở rộng tín dụng cho vay đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo đó, các trang trại có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi sẽ được vay tối đa đến 500 triệu đồng không cần tài sản thế chấp…
Cơ chế, chính sách của Nhà nước luôn đồng hành cùng nông dân, phần còn lại phụ thuộc vào ý chí, quyết tâm của người dân để hiện thực hoá khát vọng làm giàu./.
Trần Duy Hưng