Năm 2010 để lại biết bao khó khăn cho ngành nông nghiệp khi bão lũ, hạn hán liên tục hoành hành ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung; dịch bệnh bùng phát trên đàn gia súc, gia cầm; sâu bệnh gây hại lúa; xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)... Nhưng vượt qua những khó khăn, ngành nông nghiệp vẫn bội thu.
Nông dân HTX Trực Đông, xã Trung Đông (Trực Ninh) thu hoạch lúa.
Ảnh:
Dương Đức
|
Sản lượng lúa tăng cao
Có thể nói, chưa năm nào, ngành nông nghiệp nước ta lại đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi thời tiết nắng nóng, khô hạn xảy ra gay gắt trên diện rộng ở miền Bắc và miền Trung; nước mặn xâm nhập sâu tại các cửa sông, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp. Cháy rừng xảy ra ở nhiều nơi và luôn tiềm ẩn những nguy cơ cao. Giá vật tư nông nghiệp liên tục tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất; quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Thị trường tiêu thụ nông sản xuất khẩu và trong nước diễn biến bất lợi. Đặc biệt, trong năm có ba cơn bão đổ bộ vào nước ta đã ảnh hưởng trực tiếp và gây nhiều thiệt hại đối với sản xuất, đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, trong tháng 10 và đầu tháng 11, các tỉnh miền Trung liên tiếp chịu ảnh hưởng của ba đợt mưa lũ lớn trên các sông thuộc tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận và Khánh Hòa gây ngập lụt diện rộng, làm thiệt hại lớn về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp các địa phương tập trung khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất cho nên kết quả sản xuất năm 2010 đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá, góp phần quan trọng vào việc duy trì tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước, đời sống người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện.
Trong sản xuất lúa, do có các biện pháp chỉ đạo sát sao, quyết liệt, hiệu quả về cơ cấu giống, thời vụ, hướng dẫn chăm sóc cây trồng, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống hạn, mặn, mưa bão, lũ lụt,... có các cơ chế chính sách kịp thời nhằm thúc đẩy sản xuất, giúp nông dân giảm thiệt hại do thiên tai, dịch hại gây ra, cho nên năng suất, sản lượng lúa vẫn tiếp tục tăng. Theo Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc, kết quả nổi bật nhất trong trồng trọt năm 2010 là diện tích sản xuất không tăng nhiều, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn xảy ra liên tục nhưng năng suất tăng hơn so với 2009, đưa sản lượng lúa tăng mạnh. Hết năm 2010, sản lượng lúa của cả nước đạt gần 40 triệu tấn, cao nhất từ trước tới nay và cao hơn gần một triệu tấn so với năm 2009. Trong đó, các tỉnh phía Bắc sản lượng thóc đạt khoảng 13,2 triệu tấn, các tỉnh phía Nam đạt khoảng 26,6 triệu tấn. Riêng các tỉnh khu vực ĐBSCL sản lượng thóc đạt khoảng 21,5 triệu tấn, tăng hơn một triệu tấn so với năm 2009. Ở nhiều tỉnh như: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, năng suất vụ lên đến 7,2-7,3 tấn/ha. Vụ hè thu năm 2010, các tỉnh ĐBSCL xuống giống 1,6 ha, cơ cấu giống lúa hợp lý, bố trí các giống lúa chất lượng cao, gạo hạt dài. Nông dân sử dụng giống lúa thích nghi với từng vùng sinh thái, ít nhiễm sâu bệnh và thực hiện tốt phòng trừ dịch bệnh, rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật, giúp giảm chi phí sản xuất. Kịp thời thực hiện phương án phòng, chống hạn, xâm nhập mặn và vận hành tốt hệ thống thủy lợi, thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước, sử dụng hợp lý nguồn nước, tăng khả năng cấp nước, bảo đảm canh tác hết diện tích. Đồng thời, các tỉnh còn trợ giúp nông dân 220 tỷ đồng bơm tưới; cho bà con vay 250 tỷ đồng mua vật tư nông nghiệp chăm bón lúa kịp thời vụ. Nhờ đó, dù xuống giống trong thời điểm nước mặn xâm nhập sâu, khô hạn, sâu bệnh gây hại hơn 700.000 lượt ha, nhưng vụ lúa hè thu vẫn thắng lợi, sản lượng cả vụ đạt hơn tám triệu tấn, đạt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, năm nay cũng là năm thứ 21, xuất khẩu gạo đạt kim ngạch cao. Đến nay, cả nước đã xuất khẩu 6,7 triệu tấn gạo, giá trị kim ngạch gần ba tỷ USD.
Kiểm soát dịch bệnh, thúc đẩy chăn nuôi phát triển
Đầu năm 2010, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn cả nước vẫn duy trì được nhịp độ phát triển cao và ổn định. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 dịch lợn tai xanh đã xảy ra trên diện rộng, trong đó thời điểm tháng 9 dịch đã bùng phát tại 32 địa phương, gây thiệt hại lớn cho chăn nuôi lợn và ảnh hưởng đến kết quả chung của ngành chăn nuôi. Hơn nữa, do giá thức ăn tăng cao và giá thịt lợn hơi giảm, cho nên tốc độ tăng đàn lợn sáu tháng đầu năm ở hầu hết các địa phương chỉ mang tính phục hồi so với các năm trước. Chăn nuôi trâu, bò, gia cầm và các loại động vật khác thuận lợi hơn do dịch cúm gia cầm và lở mồm, long móng được khống chế tốt, cộng với nhu cầu thị trường và giá cả tăng. Theo thống kê, tổng đàn trâu năm 2010 là 2,89 triệu con, đàn bò thịt là 6,1 triệu con, đàn lợn là 27,6 triệu con; tổng sản lượng thịt các loại là 3,8 triệu tấn.Để kiểm soát dịch bệnh, thúc đẩy chăn nuôi phát triển, ngành nông nghiệp đã có những giải pháp kịp thời trong phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản. Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo xuất dự trữ quốc gia các loại vắc-xin và hóa chất khử trùng để trợ giúp cho các tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo sát sao về công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong năm 2010, công tác khống chế dịch bệnh đã đạt được kết quả tốt, hầu hết các loại dịch bệnh trên vật nuôi dần được khống chế và kiểm soát. Công tác kiểm tra, giám sát bệnh ở các cấp đã được nâng cấp và hoạt động hiệu quả, phần lớn các ổ dịch đều được phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch lây lan, phát tán. Năm 2010, số ổ dịch cúm gia cầm đã giảm từ trung bình 1.000 ổ dịch/năm xuống còn khoảng 100 ổ dịch; số ổ dịch lở mồm, long móng cũng giảm xuống còn 150 ổ dịch/năm.
Khó khăn khi bước vào vụ mới
Theo dự báo, sản xuất nông nghiệp năm 2011 sẽ gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra thời tiết cực đoan trên địa bàn cả nước. Trong đó, hạn hán sẽ ảnh hưởng đến vụ lúa đông xuân 2010-2011 ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và các tỉnh Bắc Trung Bộ (BTB). Theo đó, vụ đông xuân 2010-2011, các tỉnh vùng ĐBSH và BTB dự kiến gieo cấy 880.000ha, phấn đấu đạt năng suất từ 58 đến 64 tạ/ha và sản lượng đạt khoảng 5,4 triệu tấn thóc. Tuy nhiên, vụ đông xuân này các địa phương sẽ gặp nhiều bất lợi do phải đối mặt với tình trạng hạn hán gay gắt. Do vậy, khả năng vào vụ có thể thiếu hụt lượng nước tưới, tiêu tương đương khoảng 200.000ha. Để khắc phục những khó khăn này, các địa phương, ngoài sử dụng tối đa các công trình tưới nước tiết kiệm, cần chủ động lấy nước theo lịch xả lũ của các hồ thủy điện. Đồng thời sử dụng các giống ngắn ngày, chất lượng khá, năng suất cao để ứng phó với sâu bệnh và thời tiết bất thường. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng lịch thời vụ gieo cấy, cơ cấu phù hợp tình hình thiếu nước; sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, tranh thủ lấy nước qua các đợt triều cường, đồng thời bám sát lịch xả lũ của các hồ chứa, bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất; áp dụng biện pháp che phủ cho mạ để vừa chống rét vừa chống rầy, nhằm hạn chế sự gây hại của bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và lùn sọc đen hại lúa.
Trong khi đó, vựa lúa lớn nhất nước ta là khu vực ĐBSCL cũng đang phải đối mặt nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra. Vụ đông xuân 2010-2011 ở các tỉnh ĐBSCL có kế hoạch gieo sạ khoảng 1,6 triệu ha. Theo dự báo, vụ lúa này sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ do rầy nâu mang mầm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá vẫn còn rải rác ở nhiều nơi. Lũ ở mức thấp sẽ là điều kiện thuận lợi cho các dịch hại phát triển như cỏ, chuột, rầy nâu, ốc bươu vàng... đồng thời, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ xuất hiện ở cuối vụ vào tháng 3 và 4-2011. Do đó, các địa phương cần xây dựng phương án chống hạn từ đầu vụ đến cuối vụ, như xây dựng hệ thống bờ bao, tích trữ nước ngọt... Đồng thời, thành lập ban chống hạn, xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp trong tình trạng khô hạn, trong đó ưu tiên sử dụng giống lúa ngắn ngày (90 đến 95 ngày). Ngoài ra, các ngành chức năng, người trồng lúa cần chủ động chọn giống lúa, phân bón phù hợp, thực hiện đúng lịch mùa vụ theo hướng dẫn để hạn chế được những thiệt hại do thiên tai, dịch hại, bảo đảm mùa vụ bội thu.
Những khó khăn chồng chất trong sản xuất nông nghiệp đã và đang xảy ra trên nhiều tỉnh, thành phố là thách thức không nhỏ đối với các bộ, ngành, địa phương và nhân dân khi bước vào năm mới. Với những thành quả đã đạt được trong nhiều năm qua và những giải pháp thiết thực của Đảng và Nhà nước cùng nỗ lực, kinh nghiệm phòng, chống thiên tai, dịch bệnh của nông dân, hy vọng, những khó khăn đó tiếp tục được khắc phục và một năm nữa, người nông dân lại đón niềm vui khi mùa màng bội thu./.
Hoàng Hùng