Nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn: Kết quả và khó khăn cần giải quyết

09:01, 28/01/2011

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hàng năm tỉnh ta có khoảng 40 nghìn ha trồng rau màu với đa dạng các chủng loại rau, củ, quả như: cà chua, bí xanh, cải bắp, su hào, súp lơ, cải sen…, trong đó diện tích chuyên canh rau màu các loại có khoảng 16-17 nghìn ha. Với trình độ thâm canh cao và điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, hàng năm năng suất rau màu của toàn tỉnh bình quân đạt 137 tạ/ha, tổng sản lượng đạt trên 220 nghìn tấn. Một số địa phương đã hình thành vùng chuyên canh rau màu có diện tích lớn, hiệu quả kinh tế cao là các xã: Nam Dương, Nam Hùng, Nam Hoa (Nam Trực); Thành Lợi (Vụ Bản); Yên Đồng, Yên Nhân (Ý Yên); Giao Phong, Giao Yến (Giao Thuỷ)… Tuy nhiên, phần lớn rau màu được gieo trồng theo tập quán canh tác truyền thống, người nông dân chưa chú trọng đến nguồn nước tưới, sử dụng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đúng quy trình kỹ thuật. Ở một số địa phương vẫn còn tình trạng dùng phân tươi chưa qua ủ mục, sử dụng quá nhiều phân đạm trong quá trình chăm bón, chưa chú ý đến thời gian cách ly trước khi thu hoạch nên dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm vượt mức cho phép, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người sản xuất, người tiêu dùng, đồng thời làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, tài nguyên đất…, trong khi đó nhu cầu sử dụng sản phẩm rau an toàn của thị trường ngày càng lớn. 

Ảnh minh họa (nguồn: Internet).
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), năm 2010, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản phối hợp với Phòng Cây trồng tổ chức xây dựng và triển khai thí điểm mô hình sản xuất rau an toàn gồm các loại giống: su hào, cải bắp, súp lơ tại thôn Lâm Quan, HTXNN Hồng Phong, xã Giao Phong (Giao Thuỷ). Đồng chí Đặng Văn Thôn, chủ nhiệm HTXNN Hồng Phong cho biết: Mô hình trồng rau an toàn được triển khai gieo hạt từ ngày 1 đến ngày 3-10, thời gian trồng từ ngày 23 đến 30-10-2010 có 25 hộ gia đình tham gia với tổng diện tích 2 ha. Các hộ tham gia được tập huấn về VSATTP, quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn; cách ghi chép, lưu trữ hồ sơ; các văn bản, quyết định của Bộ NN&PTNT về sản xuất rau an toàn… Trong quá trình thực hiện mô hình, các hộ tham gia đều tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất rau an toàn như: Xử lý đất bằng vôi bột để khử mầm bệnh và các loại nấm; sử dụng phân chuồng đã hoai mục để bón lót, hạn chế bón phân đạm, tăng cường sử dụng các loại phân lân hữu cơ, kali; nguồn nước tưới hoàn toàn là nước giếng khoan (độ sâu 8-10m) ngay chân ruộng; sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học như: Socca, Reasgant 3.6 EC…, đồng thời ghi chép hồ sơ các công đoạn từ: gieo hạt, xuống giống, chăm bón, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, thời gian cách ly trước khi thu hoạch… Sau gieo trồng 60-70 ngày, các giống rau của mô hình đều sinh trưởng, phát triển nhanh, đồng đều và đã bắt đầu cho thu hoạch với năng suất đạt 2 tấn/sào, tương đương với năng suất rau sản xuất đại trà. Sau khi kiểm định chất lượng, sản phẩm của mô hình đều đảm bảo các tiêu chí của rau an toàn như: dư lượng kim loại nặng, các vi sinh vật gây hại, hàm lượng ni-trat (NO3), dư lượng thuốc BVTV… Tổng chi phí vật tư cho sản xuất rau an toàn là 1,7 triệu đồng/sào, cao hơn so với sản xuất đại trà 155 nghìn đồng, chi phí tăng do các khâu: quản lý, ghi chép hồ sơ; vệ sinh đồng ruộng và sơ chế khi thu hoạch… Thực tế thu hoạch tại HTXNN Hồng Phong cho thấy: Với giá bán từ 2.100 đồng/kg trở lên (cao hơn rau đại trà từ 500-700 đồng/kg), mỗi sào rau an toàn cho doanh thu 4,2 triệu đồng, trừ chi phí thực lãi xấp xỉ 2,5 triệu đồng/sào, lãi cao hơn rau đại trà 850 nghìn đồng/sào. Doanh thu thực tế của 1ha rau an toàn đạt xấp xỉ 70 triệu đồng, cao hơn rau đại trà gần 23,5 triệu đồng. Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình đã tác động tốt đến nhận thức, tập quán canh tác của nông dân về sản xuất rau an toàn như: Lượng phân bón hoá học, thuốc BVTV giảm từ 30-40%; các loại phân hữu cơ và thuốc BVTV nguồn gốc sinh học đã được sử dụng nhiều hơn…

Qua thực tế mô hình cho thấy sản xuất rau an toàn hiệu quả kinh tế cao hơn rau đại trà từ 50% trở lên, thị trường tiêu thụ ổn định, góp phần bảo vệ môi trường, tài nguyên đất, nước ngầm…, sức khoẻ của người sản xuất và người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay tổng diện tích rau an toàn của toàn tỉnh chỉ khoảng 10ha; việc nhân rộng mô hình, mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đỗ Hải Điền, Trưởng Phòng Cây trồng (Sở NN&PTNT) cho biết: Khó khăn nhất trong việc nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn là chưa có quy hoạch vùng sản xuất tập trung, quy mô sản xuất và ruộng đất còn manh mún nên khó triển khai vùng rau an toàn quy mô lớn để sản xuất khối lượng hàng hoá ổn định tương ứng. Hệ thống thuỷ lợi nội đồng mặc dù đã được đầu tư nhưng vẫn chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa nước, chưa có hệ thống thuỷ lợi chuyên biệt cho sản xuất rau màu hàng hoá. Công tác tuyên truyền chưa tạo sự chuyển biến về nhận thức của nông dân về sản xuất rau an toàn nên nhiều nơi nông dân vẫn chạy theo lợi nhuận, năng suất; công tác quản lý Nhà nước về chất lượng nông sản hàng hoá còn nhiều hạn chế, đặc biệt là công nghệ sinh học, giám định chất lượng, chế biến… Để khắc phục những khó khăn trên và từng bước nhân rộng vùng sản xuất rau an toàn, năm 2011, Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn tại tất cả các huyện, mỗi huyện từ 1-2 mô hình, phấn đấu đạt tổng diện tích khoảng 100ha./.

Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com