Cơ sở trồng nấm Hoàng An của anh Nguyễn Xuân Tuyến, xã Yên Hưng (Ý Yên).
Ảnh:
Dương Đức
|
Năm 2007, được sự đồng ý của Bộ Khoa học - Công nghệ, Sở Khoa học - Công nghệ đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng các mô hình sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm hàng hoá trên quy mô diện rộng tại Nam Định”. Dự án được giao cho Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học - Công nghệ) chủ trì thực hiện từ năm 2007 đến năm 2010. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện dự án là 4,5 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ. Để thực hiện thành công dự án Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã xây dựng các chuyên mục khoa học chủ động đảm trách nhiệm vụ sản xuất giống cấp I, cấp II. Đối tượng sản xuất giống cấp III và nuôi trồng, chế biến được khảo sát kỹ tại các địa phương bảo đảm các đặc thù là đã từng tham gia nuôi trồng nấm hoặc là địa phương độc canh cây lúa đang có nhu cầu cao trong giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nhàn rỗi tại địa phương, đang cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để tham gia hoặc tiếp tục phát triển nghề trồng nấm. Đã có 8 đơn vị được chọn tham gia thực hiện là: Trung tâm dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng; UBND xã Hải Toàn (Hải Hậu); HTX Nam Tiến, xã Xuân Vinh (Xuân Trường); Tổ hợp nấm Hoàng An, xã Yên Hưng (Ý Yên); HTX Nam Hùng và trang trại Đức Khương (Nghĩa Hưng)… Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã căn cứ vào điều kiện của từng đơn vị, địa phương để tổ chức phân bổ hợp lý nguồn vốn, thiết bị, vật tư được hỗ trợ từ dự án. Công tác chuyển giao công nghệ đã được Trung tâm công nghệ sinh học thực vật (thuộc Viện Di truyền nông nghiệp) tập trung thực hiện theo 3 mô hình. Lực lượng cán bộ và kỹ thuật viên các mô hình sản xuất giống nấm cấp I, II, III được đào tạo tập trung tại khu đào tạo của Trung tâm với đầy đủ hạ tầng thiết bị phục vụ học lý thuyết và thực hành, giúp các học viên nắm bắt các quy trình công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng và sơ chế các loại nấm rơm, nấm sò, nấm mỡ, nấm linh chi và quy trình xử lý bã phế thải nấm. Sau khoá học, các chuyên gia kỹ thuật vẫn trực tiếp hướng dẫn các kỹ thuật viên trong suốt quá trình sản xuất tại mô hình, nhằm kịp thời đưa ra những điều chỉnh kỹ thuật phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Lực lượng kỹ thuật viên thuộc các mô hình nuôi trồng và thu mua, chế biến nấm được đào tạo theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” nên đều làm chủ công nghệ nuôi trồng, chế biến nấm và có đủ trình độ tham gia tập huấn kỹ thuật nhân rộng cho các hộ dân. Lực lượng nuôi trồng theo mô hình nhân rộng được thực hiện phương pháp tập huấn đầu bờ vừa sản xuất thực tế, vừa được hướng dẫn kỹ thuật ở tất cả các khâu làm lán trại, nuôi trồng, thu hái. Bên cạnh đó, Trung tâm sinh học công nghệ đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm các dạng: nấm tươi, nấm khô, nấm muối với khối lượng không hạn chế. Trong quá trình sản xuất, nhiều đơn vị thành viên cũng đã chủ động đầu tư phương tiện vận tải chuyên dụng, thiết lập mạng lưới thu mua sản phẩm cho các hộ nuôi trồng khác, tiêu thụ tại các chợ đầu mối và các siêu thị, nhà hàng khách sạn. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, dự án đã thành công ở tất cả các khâu sản xuất. Trung tâm dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng, đơn vị vừa thực hiện mô hình sản xuất giống nấm cấp III vừa nuôi trồng thử nghiệm, sơ chế sản phẩm vừa thực hiện mô hình thu mua chế biến nấm. Trong 3 năm, Trung tâm đã sản xuất được 50.344 kg các loại giống nấm (nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò) cấp III đạt tiêu chuẩn; chất lượng giống có hệ số nhân và tỷ lệ đạt tương đối ổn định phù hợp với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của công nghệ. Toàn bộ lượng giống cấp III đạt tiêu chuẩn của Trung tâm được cấp cho các mô hình nuôi trồng và các hộ dân trong huyện Nghĩa Hưng.
Từ hiệu quả của dự án, năm 2009 Sở Khoa học - Công nghệ đã triển khai dự án nấm cấp tỉnh cho các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Nam Trực... với mục tiêu phát triển cây nấm trên toàn tỉnh và đã đạt kết quả cao. UBND tỉnh đã có chủ trương trong tương lai sẽ mở rộng quy mô trồng nấm ra toàn tỉnh; tận dụng đến 50% lượng rơm rạ và các loại nguyên liệu khác; Tổ chức xây dựng hệ thống thu mua nấm và tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu; Nhân rộng các mô hình sản xuất nấm hàng hoá theo quy mô gia trại, trang trại, Cty; xây dựng các xưởng chuyên sản xuất, chế biến tập trung, xử lý và làm đất phủ, thu mua, chế biến theo hướng chuyên nghiệp..., hình thành ngành sản xuất nấm trên toàn tỉnh. Từ khả năng duy trì và nhân rộng nghề trồng nấm thời gian tới Sở Khoa học - Công nghệ, tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng chung sức thực hiện các giải pháp tiếp tục phát triển nghề sản xuất nấm: huy động nguồn kinh phí hỗ trợ cho các chương trình phát triển nghề nấm; tham mưu cho tỉnh về các chủ trương, biện pháp phát triển nghề trồng nấm. Tiếp tục củng cố và nâng cấp các trang thiết bị để nâng cao chất lượng sản xuất giống. Mở rộng sản xuất nấm theo quy mô trang trại với số lượng sản phẩm lớn để chế biến, xuất khẩu. Trước mắt, Sở Khoa học - Công nghệ sẽ tập trung nghiên cứu, đưa ra mức vốn và thời gian tiếp tục hỗ trợ kinh phí sản xuất cho các đơn vị đã tham gia dự án bằng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ./.
Nguyễn Thanh Thuý