Những năm gần đây sản xuất nông nghiệp của xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) luôn đạt hiệu quả. Sau nhiều năm cấy khảo nghiệm, xã đã chọn được một số giống lúa phù hợp, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao như: Bắc Thơm số 7, NĐ5, Lưỡng Quảng 164, Nhị ưu 838, nếp 352, nếp Lang Liêu… Nhờ đó, năng suất lúa bình quân cả năm của xã đạt 126-128 tạ/ha, với tổng sản lượng 6.500 tấn, giá trị 1ha canh tác đạt 65 triệu đồng. Một số hộ đã chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả và tận dụng diện tích mặt nước ở ven đê để nuôi thuỷ sản kết hợp với chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại tập trung. Đến nay, diện tích chuyển đổi của xã đạt trên 51ha, thu hút 40 hộ tham gia sản xuất ổn định, thu nhập bình quân 80-100 triệu đồng/ha/năm. Hàng năm, các hộ nuôi thuỷ sản đã sản xuất được trên 26 vạn con cá bột, tổng sản lượng cá đạt 88-90 tấn/năm. Một số hộ có diện tích lớn, đầu tư đúng hướng đã cho thu nhập trên 150 triệu đồng/ha/năm, điển hình như hộ các ông Nguyễn Văn Thảo (đội 2, HTX Đại Thắng), Trương Văn Hùng (đội 3 HTX Đại Hải)… Đến cuối năm 2010, tổng đàn lợn của xã có gần 4.000 con, đàn gia cầm gần 30 nghìn con.
Gia đình anh Đới Văn Giang, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) phát triển kinh tế từ trồng nấm, hằng năm thu lãi 150 triệu đồng.
Ảnh:
Đức Đạt
|
Cùng với việc tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy, HĐND, UBND xã chú trọng việc đào tạo nghề cho nông dân. Năm 2006, xã đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề công lập huyện phát triển nghề trồng nấm thương phẩm. Anh Đới Văn Giang, đội 1, HTX Đại Thắng, chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh nấm Giang - Liễu cho biết: Cơ sở được thành lập từ năm 2006 với tổng diện tích trên 3.500m2 chuyên sản xuất và chế biến các loại nấm thương phẩm và nấm dược liệu như: nấm mỡ, nấm sò, nấm linh chi… Từ năm 2007 đến nay, mỗi năm tiêu thụ trên 150 tấn nguyên liệu để sản xuất ra gần 30 tấn nấm thương phẩm các loại (trong đó có 20 tấn nấm sò, gần 9 tấn nấm mỡ và trên 1 tấn nấm linh chi), doanh thu đạt 350-400 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí, còn thu 130-140 triệu đồng/năm. Hiện nay, cơ sở đã tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập từ 1,2 triệu đồng/người/tháng trở lên. Ngoài nghề trồng nấm, xã chú trọng phát triển các nghề: Sản xuất vật liệu xây dựng, đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thuỷ, mộc, cơ khí…, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Bên cạnh đó, xã đã tổ chức nhiều lớp tập huấn như đan móc sợi, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, tạo việc làm cho hơn 100 lao động với thu nhập 25-30 nghìn đồng/người/ngày. Kinh tế phát triển, nhân dân có điều kiện đóng góp kinh phí cùng với ngân sách xã đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi như: điện, đường, trường, trạm. Trong giai đoạn 2005-2010, xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình nâng cấp chợ Hải Lạng với tổng kinh phí đầu tư trên 1 tỷ đồng; xây mới 14 phòng học trong đó có 6 phòng chức năng của trường THCS, 8 phòng học của trường tiểu học với tổng kinh phí gần 2,6 tỷ đồng; bê tông hoá được trên 12km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng. Đến nay, toàn bộ hệ thống giao thông nông thôn của xã gồm các đường trục chính, đường dong ngõ, xóm dài trên 42km đã được nhựa hoá, bê tông hoá 100%. Năm 2010, xã đã khởi công xây dựng công trình trường mầm non với tổng kinh phí gần 5,4 tỷ đồng, dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2011./.
Thành Trung