Mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 của Việt Nam đã được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII là: “Tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế”. Thực hiện mục tiêu này, ngành ngân hàng Việt Nam đang khẩn trương triển khai các giải pháp, đưa nhanh các Nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống.
Quầy giao dịch cho vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Nam Định.
Ảnh:
XUÂN THU
|
Năm 2010, một năm đầy biến động của thị trường tiền tệ trong nước cũng như trên thế giới, một năm mà nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn phục hồi sau những ảnh hưởng từ biến động kinh tế thế giới. Trước những biến động đó, để thực hiện đồng bộ với các giải pháp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tích cực cho thị trường tiền tệ - tín dụng hoạt động ổn định, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát gia tăng những tháng cuối năm một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, những “sóng gió” trên thị trường tài chính tiền tệ cuối năm, đặc biệt là việc tăng đột biến của lãi suất, giá vàng, giá đô la... đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tiền tệ và tác động xấu đến nền kinh tế. Nguyên nhân của tình trạng này đã được nhiều đại biểu trong Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2011 của ngành ngân hàng đưa ra phân tích, lý giải: Trước hết là do chúng ta chưa giải quyết được triệt để tình trạng mất cân đối cung cầu ngoại tệ và chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và thị trường chính thức. Giá vàng lên xuống thất thường, xuất hiện yếu tố đầu cơ, làm giá. Bên cạnh đó, hoạt động của các tổ chức tín dụng còn tiềm ẩn rủi ro. Biến động lãi suất trong những ngày đầu tháng 12-2010 cho thấy hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng chưa ổn định, trách nhiệm đối với an toàn hệ thống của một số tổ chức tín dụng chưa cao, chưa kể năng lực quản trị thanh khoản ở một số ngân hàng thương mại còn hạn chế…
Từ 1-1-2011, Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có hiệu lực. Trong đó, thẩm quyền và tính tự chủ của Ngân hàng Nhà nước trong việc chủ động, linh hoạt sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ đã được xác định rõ ràng. Luật Ngân hàng Nhà nước cũng xác định rõ thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước trong việc giám sát an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng thông qua hai hoạt động giám sát và thanh tra, cùng với việc thành lập cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo sự quản lý chặt chẽ hơn đối với hệ thống tổ chức tín dụng và an toàn hệ thống ngân hàng, có khả năng chống đỡ kịp thời những biến động kinh tế khó lường từ bên ngoài trong xu thế toàn cầu hóa. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để Ngân hàng Nhà nước thực hiện mục tiêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo dự báo, tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2011 vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Đối với lĩnh vực ngân hàng, thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), từ năm 2011, mọi rào cản đối với các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được tháo bỏ. Áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt với các ngân hàng ngoại sẽ là “cú hích” cho sự phát triển của các ngân hàng Việt Nam nếu không muốn bị thua trên sân nhà, nhưng cũng đặt ra sự thách thức không nhỏ với các ngân hàng trong nước.
Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Sức ép cạnh tranh từ khối ngân hàng nước ngoài sẽ rất lớn, bởi kể từ ngày 1-1-2011, các ngân hàng nước ngoài sẽ được nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam từ các cá nhân Việt Nam mà ngân hàng không có quan hệ tín dụng, không còn bị hạn chế theo tỷ lệ trên mức vốn được cấp của chi nhánh. Vì thế, các ngân hàng nhỏ trong nước buộc phải cải tổ toàn diện, nâng cao tính thanh khoản và liên kết với nhau để tồn tại.
Để đạt mục tiêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ liên quan trong việc kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tín dụng và bảo đảm lãi suất ở mức hợp lý; điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường; tăng cường năng lực phân tích, dự báo, chủ động điều chỉnh lượng cung tiền để bảo đảm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi, quản lý chặt chẽ thị trường vàng và thị trường ngoại tệ. Đặc biệt, trong năm 2011, toàn ngành sẽ tăng cường khả năng phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro trong ngành ngân hàng, tiếp tục củng cố, sắp xếp lại các tổ chức tín dụng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế./.
Đỗ Phú Thọ