Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng cổ phần thương mại Công thương Việt Nam, Chi nhánh thành phố Nam Định.
Ảnh:
DƯƠNG ĐỨC
|
Với 14 chi nhánh ngân hàng, 41 Quỹ tín dụng cơ sở trên địa bàn tỉnh, năm 2010, tổng số dư nguồn vốn huy động (trừ tiền gửi Kho Bạc Nhà nước) đạt 10.766 tỷ đồng, tăng 1.564 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó cơ cấu nguồn vốn huy động tiền gửi bằng VND là 9.687 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 84,2%; tiền gửi bằng ngoại tệ 1.816 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,8%; tiền gửi không kỳ hạn 925 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8%; tiền gửi có kỳ hạn 10.578 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 92%. Dư nợ cho vay 15.620 tỷ đồng, tăng 21,1% (2.725 tỷ đồng) so với đầu năm; trong đó cho vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng 53,4%; cho vay trung, dài hạn chiếm tỷ trọng 46,6%. Số tiền được vay đầu tư vào ngành công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 35,6%; ngành thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 34,9% còn lại 25,9% thuộc lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản... Đến cuối năm 2010, nợ đủ tiêu chuẩn 14.242 tỷ đồng; nợ cần chú ý 776 tỷ đồng, nợ xấu 198 tỷ đồng. NHNN tỉnh chỉ đạo thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ kịp thời, tích cực, công khai nên tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất dự kiến thực hiện 1.080 tỷ đồng, số lượng khách hàng có dư nợ là 53.849 người, số lãi tiền vay đã hỗ trợ lãi suất luỹ kế từ đầu năm là 25 tỷ đồng. Số lượng cho vay và số tiền hỗ trợ lãi suất tuy không lớn nhưng đã có tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng vượt qua khó khăn, giảm chi phí vay vốn để duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động. Từ nguồn vốn vay của ngân hàng, các doanh nghiệp đã có nguồn kinh phí để đầu tư thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ góp phần ổn định sản xuất. Cty TNHH cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường) từ nhiều năm nay đều vay khoảng 500 triệu đồng từ Ngân hàng NN-PTNT để sản xuất các loại máy chế biến gỗ. Năm 2010, Cty được vay 300 triệu đồng cùng với vốn tự có khoảng 10 tỷ đồng để mở rộng xưởng sản xuất lên 6.000m2 mua thêm máy móc đã tạo việc làm cho 120 lao động, tăng 50 lao động so với năm 2009, lương bình quân gần 3 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp tư nhân Anh Quyển xã Yên Tiến (Ý Yên) vay thường xuyên 150 triệu đồng mua nguyên liệu giao cho các hộ làng nghề gia công các mặt hàng từ tre, nứa ghép, tạo việc làm cho 50 hộ (khoảng 150 lao động), với thu nhập khoảng 1,6-1,7 triệu đồng/người/tháng. Cty TNHH Mai Thanh (CCN Nghĩa Sơn - Nghĩa Hưng) vay từ ngân hàng khoảng 2 tỷ đồng đầu tư thêm dây chuyền sản xuất ống nước bằng nhựa tạo việc làm cho 60 lao động, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Cty cổ phần dược phẩm Minh Dân (KCN Hoà Xá) vay vốn từ các tổ chức tín dụng và huy động các nguồn khác trong 2 năm (2009-2010) đã mạnh dạn đầu tư gần 50 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất thuốc thứ 2, có thêm việc làm cho người lao động.
Cùng với việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn. Năm 2010, Ngân hàng CSXH đã cho các hộ không có nhà ở được vay mỗi hộ 8 triệu đồng cùng với sự hỗ trợ của nhà nước 7 triệu đồng, giúp trên 1.000 hộ có nhà ở; cho học sinh, sinh viên vay hơn 900 tỷ đồng, tạo điều kiện cho gần 16 nghìn học sinh, sinh viên có điều kiện học tập. Từ nhiều năm nay, bà Vũ Thị Cúc ở xã Giao Tiến (Giao Thuỷ) có 3 con học đại học được vay 46 triệu đồng. Năm 2008, bà còn được vay vốn từ Chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường để cải tạo công trình vệ sinh, bảo đảm nước sạch cho sinh hoạt gia đình. Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường đã giúp gần 9.000 hộ được vay gần 208 tỷ đồng. Đến nay, Ngân hàng CSXH đã xây dựng được mạng lưới tổ vay vốn rộng khắp ở nông thôn, 100% số xã đã có điểm vay vốn. Trong năm có gần 16.200 lượt hộ được vay vốn hộ nghèo với số tiền gần 536 tỷ đồng. Bà Vũ Thị My ở xã Nam Cường (Nam Trực) vay 15 triệu đồng mua máy xay xát và chăn nuôi, tạo việc làm cho 2 lao động có thu nhập 900 nghìn đồng/người/tháng, có điều kiện nuôi 2 con đi học và ổn định cuộc sống. Gia đình ông Đỗ Duy Đĩnh ở xã Giao Thanh (Giao Thuỷ) được vay 10 triệu đồng để cải tạo chuồng nuôi lợn nái, dần dần mở rộng mô hình chăn nuôi, tăng thêm thu nhập cho gia đình...
Năm 2010, hệ thống ngân hàng đã làm tốt các hoạt động: Ngân quỹ, thanh toán, thanh tra giám sát... Công nghệ dịch vụ, tiện ích ngân hàng mới phát triển, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt được mở rộng. Hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn hoạt động an toàn và tiếp tục phát triển./.
Trần Hữu Quyết