Mới đây, về công tác tại Hải Hậu, gặp anh Phạm Văn Phiên, cán bộ Ban Dân vận huyện uỷ, tôi đem chuyện đồn rằng ở Hải Hậu có người bán một cây sanh cảnh giá 200 cây vàng ra hỏi. Không chần chừ, anh xác nhận luôn. Chưa hết bất ngờ anh Phiên lại cho biết người bán cây đó chính là… bố đẻ anh. Đó là cơ duyên để tôi có một buổi chiều mê mẩn trong vườn cây độc đáo của ông Phạm Văn Vĩnh, một lão nông ở xóm 4, xã Hải Phương (Hải Hậu), được hiểu thêm nhiều điều thú vị về chuyện cây, chuyện đời…
Giá nào cho cây?
Tôi thực sự choáng ngợp khi bước chân vào tư gia của ông Vĩnh. Bỏ qua ngôi nhà ba tầng lầu hiện đại, sang trọng nằm ngay cửa vào, tôi bị hút hồn trước hết bởi màu xanh bạt ngàn của khu vườn rộng đến hơn 4.000m2. Trong đó có đủ các loại cây cảnh, cây thế, đặc biệt không thiếu một loại cây cảnh quý hiếm nào, từ sanh, si, đa, đề đến tùng, khế, quế, du… Chiếm đại đa số là sanh, một loại cây cảnh từ lâu đã rất được ưa chuộng. Mỗi cây được trồng cẩn thận trên những chiếc bệ hoặc những phiến đá lớn, nhiều cây có thân, rễ xù xì, mốc thếch, bò loằng ngoằng tạo nên vô số những hình thù cổ quái, lạ mắt. Theo những người sành chơi cây cảnh, để được gọi là quý hiếm, một cây sanh phải có đủ các tiêu chuẩn: rễ kiềng, gốc bồ, thân quái, ngọn chỉ, cành ngoan, sẹo liền, đặc biệt da phải mốc. Những cây như vậy, trong vườn của ông Vĩnh đếm sơ sơ cũng được trên dưới 100 cây. Để có được những cây cảnh quý hiếm như vậy, không nói ai cũng biết ngoài công lao chăm sóc của chủ nhân phải nhờ đến bàn tay kỳ diệu của tạo hoá, đất trời, qua năm tháng, nắng mưa nhào lặn, chuyển hoá. Đếm số lượng cây đã khó, định giá vườn cây của ông Vĩnh xem ra là một việc rất “lẩn thẩn”. Bởi, giá trị của cây cảnh không thể cân, đong, đo, đếm mà tuỳ vào cách nhìn và cảm nhận của mỗi người. Biết vậy nhưng không ít người khi đặt chân đến đây vì sự tò mò vẫn thử định giá. Có người định giá nó vài chục tỷ đồng, người khác lại bảo phải có giá cả trăm tỷ, nhiều người lại bảo vô giá… Có người còn ví von bảo vườn cây của ông Vĩnh là một “ngân hàng xanh” do ông Vĩnh làm “giám đốc”… Tuy nhiên, qua một số lần bán cây của ông Vĩnh cũng đủ thấy vườn cây của ông có giá trị thực như thế nào(?). Năm 2008, ông đã bán cho ông Phạm Minh Điệp, chủ một doanh nghiệp ở Hải Dương ba cây sanh với giá 6 tỷ đồng, trong đó cây sanh Mai Bò do ông tự đặt tên vì nó có hình dáng giống như một con rùa đang bò có giá… 3 tỷ đồng! Riêng chuyện trong và ngoài tỉnh bấy lâu đồn đoán thêm một lần nữa được ông Vĩnh, chủ nhân của khu vườn xác nhận. Đó là vào năm 2005, ông bán cho bà Lê Vân Hương, một doanh nhân chuyên kinh doanh vải sợi ở thành phố Nam Định một cây sanh với số tiền tại thời điểm đó tương đương 200 cây vàng. Ngoài hai lần bán cây “đình đám” trên, mới đây, ông Vĩnh còn bán thêm vài cây khác, trong đó không có cây nào giá bán dưới 1 tỷ đồng. Cơ ngơi hiện có của gia đình ông Vĩnh, theo lời ông, được xây dựng chủ yếu từ nguồn bán cây cảnh cũng phản ánh phần nào giá trị thực của khu vườn gia đình ông đang sở hữu. Trong đó, ngoài ngôi nhà ba tầng lầu, hiện đại, sang trọng nằm liền kề khu vườn với đầy đủ tiện nghi hiện đại, gia đình ông Vĩnh còn mới mua được khu đất rộng gần 200m2, đang xây dựng trên đó một biệt thự sang trọng ngay tại vị trí trung tâm, đẹp nhất của khu đô thị cao cấp Xa La (Hà Nội)…
Ông Phạm Văn Vĩnh bên những cây cảnh có giá trị hàng tỷ đồng. |
Chuyện cây, chuyện đời
Là tỷ phú, có thể gọi ông Vĩnh như vậy, nhưng tiếp xúc, chuyện trò với ông tôi cảm nhận ở ông vẫn vẹn nguyên nét mộc mạc, chất phác rất đặc trưng của người nông dân Hải Hậu. Không “cao đàm, khoát luận” về những gì mình đang có, ngược lại chỉ thấy ở ông sự khiêm nhường khi chia sẻ về chuyện cây, về gia đình và về bản thân. Ông kể, nhiều nhà báo đã tìm đến vườn cây của ông để tìm hiểu viết bài. Khi báo đăng, cả nhà háo hức xem báo chí viết thế nào, nhưng đọc xong ông cứ thấy “ngượng”, nhất là khi họ gọi ông là “Vua cây cảnh đất Bắc”. Ông bảo, không nói cả nước, chỉ riêng Nam Định quê mình đã có bao nhiêu người làm, chơi cây cảnh đạt đến trình độ nghệ nhân nhưng chưa một ai dám xưng “Vua”, xưng “Chúa”. Nếu tự nhận, ông chỉ nhận mình là người nông dân yêu cây, trọn đời gắn bó với cây và được nhận lại từ cây nhiều niềm vui. Về chuyện “yêu” cây của ông cũng có nhiều sự lạ! Ngay từ thời trai trẻ ông đã yêu và gắn bó với cây cho tới tận bây giờ. Thủa ấy cả nước khó khăn, rời quân ngũ chỉ với chiếc ba lô cũ, để duy trì cuộc sống, ông Vĩnh cũng phải bươn trải đủ nghề để kiếm sống cho cả gia đình năm người trong đó có ba cậu con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn. Một trong những công việc ông đã trải qua đó là phụ trách công tác thú y cho HTX. Công việc tiêm phòng, chữa bệnh cho lợn, gà, chó, mèo, trâu, bò tưởng như rất thầm lặng ấy lại giúp ông Vĩnh có dịp lang thang, có mặt ở khắp các hang cùng, ngõ hẻm trong vùng. Vốn mê cây, đến giúp việc nhà ai thấy có cây là ông tìm cách sở hữu, người dễ thì xin, người khó thì mua, miễn sao mang được chúng về nhà. Ở cái thời cái ăn, cái mặc còn không có đủ, việc ông Vĩnh suốt ngày “tơ tưởng” đến cây, lại còn bỏ tiền “rước” chúng về bày khắp nhà khiến những người thân của ông không khỏi tức giận. Ông kể, vì chuyện cây, ông và bà Hồng vợ ông không ít lần “cơm không lành, canh không ngọt”. Rồi, mỗi khi có dịp “trà dư tửu hậu”, nhiều người biết chuyện lại bàn tán, người bảo ông “hâm”, người bảo ông “ngông”, người bảo ông “không có trách nhiệm với gia đình”… Bỏ mặc ngoài tai những lời thị phi, ông Vĩnh cứ nai lưng ra làm để vừa có tiền nuôi gia đình và để có tiền… mua cây. Gom được cây nào, ông lại hì hụi mang về trồng, chăm sóc, uốn thân, tạo thế theo sự hiểu biết và ý thích riêng của mình. Khi nhà không còn chỗ để bày, ông mang cây đi gửi nhờ nhà anh em, họ hàng, làng xóm. Khi nhà anh em, họ hàng, làng xóm cũng không còn chỗ cho gửi, nhân có cơ hội ông mua lại cả một khu đất bỏ hoang rộng đến 4.000m2 trước đây là khu sản xuất gạch thủ công của HTX để đặt cây. Khu đất ấy giờ chính là khu vườn cây cảnh ai đến cũng phải trầm trồ, thán phục. Rồi, có lần, cách đây đã 20 năm, vì quá mê một cây sanh của ông Dương ở xã Trực Thái (Trực Ninh) ông Vĩnh đã quyết tâm gom đủ 2 cây vàng mua cho bằng được. Sở dĩ ông quyết tâm mua là bởi đó là cây sanh cổ, có tuổi đời gần 100 năm, trước ông Dương, chủ nhân của nó là ông Hàn Nhân, một viên chức thời Pháp, năm 1954, khi di cư vào Nam ông Hàn Nhân không thể mang theo mới đành phải bán lại. Ông Vĩnh bảo, sanh nghệ thuật không thiếu, nhưng sanh cổ không thể ngày một ngày hai là có được. Cũng may, khi đó gia đình ông mở thêm được cái cửa hàng chuyên kinh doanh “cám con Cò”, nhờ vậy có thêm nguồn thu nhập nên gia đình ông không đến nỗi quá “khốn đốn” vì những lần “bốc đồng” vì cây của ông Vĩnh. Chẳng thế mà có lần, để có tiền mua cây, ông Vĩnh đã liều giấu vợ mang cả sổ đỏ thế chấp cho ngân hàng để vay tiền. Đến hạn chưa kịp trả lãi, nhân viên ngân hàng đến tận nhà thu, khi ấy bà Hồng mới biết. Gia đình ông lại trải qua một phen chao đảo. Ông tâm sự, phải đến những năm đổi mới, đời sống kinh tế - xã hội ngày một phát triển, chơi cây cảnh trở thành thú vui tao nhã của nhiều người, thị trường cây cảnh hình thành. Số cây bao nhiêu năm ông âm thầm lượm lặt, gom góp, chăm sóc mới trở nên có giá. Nhiều cây trước đây ông xin được hoặc mua với giá chẳng đáng bao nhiêu giờ qua năm tháng, qua sự chăm sóc, tạo hình của ông được những người sành chơi trả cả triệu, chục triệu, trăm triệu, rồi cả tỷ đồng. Đến khi ấy, người thân trong nhà mới nhận ra hiệu quả, ý nghĩa công việc bấy lâu ông âm thầm theo đuổi(!).
Hỏi ông Vĩnh điều gì ở cây cảnh khiến ông mê mẩn như vậy? Ông trải lòng tâm sự rằng, vượt lên trên hết những giá trị vật chất, giá trị lớn nhất sinh vật cảnh mang lại cho con người chính là giá trị về mặt tinh thần. Cây cối trước hết là sản phẩm và là một phần của thiên nhiên. Được gần, gắn bó với cây xanh, với thiên nhiên, tâm hồn con người sẽ trở nên thanh tịnh. Với ông, chỉ cần mỗi lần được hoà mình trong vườn cây, được lắng nghe, được chứng kiến những chuyển động tuy chậm rãi nhưng thật kỳ diệu, tinh tế của mỗi mầm cây, kẽ lá là mỗi lần quên hết mệt mỏi, ưu phiền, tâm hồn trở lên thanh thoát, thấy yêu đời, yêu cuộc sống hơn gấp bội phần. Riêng với cây sanh, ông không chỉ bị mê hoặc bởi vẻ đẹp hình thức mà còn bởi vẻ đẹp của hồn cây, bởi triết lý nhân sinh ông rút ra được từ đời sanh. Sự chiêm nghiệm cho ông thấy, thật hiếm có loại cây nào có sức sống kỳ diệu như sanh, trồng trên đất sống tốt, trồng trên đá vẫn sống khoẻ, chỉ ngâm trong nước cũng vẫn cứ xanh tươi. Trong bất cứ môi trường sống nào rễ sanh cũng vẫn cứ tua tủa vươn ra tìm sự sống. Ông bảo, vẻ đẹp, sức sống mãnh liệt ấy của cây sanh là điều con người cần phải học tập để biết vươn lên trong cuộc sống, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Điều đó cũng đã lý giải tại sao đã có bao người, trong đó có ông Vĩnh cả đời cứ mải mê mẩn, nặng lòng với cây sanh. Còn với người viết bài này, rời khu vườn của ông Vĩnh lại cảm nhận rõ thêm một điều không mới: làm giàu, làm đẹp, trước hết là làm đẹp cho tâm hồn luôn là khát vọng, lẽ sống của con người!
Bài và ảnh: Trần Duy Hưng