Những năm gần đây, Đảng ủy, UBND xã Minh Tân (Vụ Bản) đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, vật nuôi, tạo ra sản phẩm hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tạo điều kiện, khuyến khích các hộ tận dụng diện tích mặt nước, thùng đào thùng đấu phát triển nuôi thuỷ sản hoặc tham gia chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung. Cách đây 5 năm, anh Trần Văn Tiến đã nhận thầu và xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp trên diện tích 3,6 mẫu ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả ở cánh đồng Giếng (thôn Thượng). Anh đã huy động kinh phí đầu tư hàng trăm ngày công cải tạo khu đất thành 2 ao cá với tổng diện tích mặt nước gần 8.000m2, trong đó 1 ao rộng gần 6.500m2 chuyên thả cá thịt bằng các loại cá truyền thống như mè, trôi, trắm, chép…, ao còn lại để “ương” cá giống cung ứng cho thị trường và một phần để nuôi. Ngay từ vụ cá đầu sản lượng cá đã đạt trên 2,5 tấn, sau khi trừ chi phí, thu nhập thực tế đạt trên 40 triệu đồng. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích ao cá và xây dựng hệ thống chuồng, trại chăn nuôi lợn, gà, ngan… dọc bờ ao để tận dụng nguồn phân làm thức ăn cho cá. Đến nay, trang trại nuôi thuỷ sản tập trung kết hợp chăn nuôi của gia đình anh sản xuất ổn định với 2 ao cá, 1 khu chuồng chăn nuôi lợn 10 ô, tổng diện tích gần 200m2. Bờ ao được kè bằng các tấm bê tông kiên cố, trong khu chuồng luôn duy trì đàn lợn trên 100 con nuôi theo hình thức gối sóng nên tháng nào cũng xuất bán được trên 1 tấn thịt lợn hơi. Năm 2010, anh Tiến xuất bán được gần 5 tấn cá thịt, trên 5 tạ cá giống và trên 13 tấn thịt lợn hơi, sau khi trừ chi phí, thu nhập của gia đình anh Tiến đạt trên 150 triệu đồng. Năm 2007, anh Phạm Giang Lâm (thôn Hoàng) đã đấu thầu 3 sào ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả tại cánh đồng Ruộng Quan để phát triển chăn nuôi tập trung. Anh đã đầu tư gần 100 triệu đồng cải tạo khu ruộng thành một ao nuôi cá truyền thống rộng 2 sào, diện tích còn lại anh quy hoạch thành 3 khu chuồng rộng trên 200m2 để nuôi gà ta theo hình thức nuôi thả bán công nghiệp. Đàn gà thường xuyên được duy trì 350-400 con/lứa, mỗi lứa nuôi từ 4,5-5 tháng. Ngoài nuôi gà, tận dụng diện tích mặt nước, mỗi năm anh “xen canh gối vụ” nuôi 2 lứa vịt thịt. Từ năm 2008 đến nay, bình quân mỗi năm anh bán trên 2,5 tấn vịt thịt, trên 1 tấn gà ta và 5 tạ cá, sau khi trừ chi phí, anh Lâm có thu nhập 50-60 triệu đồng/năm.
Từ thành công của các mô hình điểm, những năm qua, ở Minh Tân đã có nhiều hộ tham gia thực hiện mô hình chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế từ 80-100 triệu đồng/ha/năm như hộ các ông: Nguyễn Xuân Nghiêm (thôn Lúa), Trần Văn Tiến, Phùng Văn Thành (thôn Thượng)… Một số hộ có diện tích lớn, đầu tư tập trung đã có thu nhập thực tế đạt trên 120 triệu đồng/ha như hộ các ông: Phạm Văn Cư (thôn Hoàng), Nguyễn Xuân Thuỷ, Nguyễn Văn Đống (thôn Chiều)… Trong thời gian tới, xã Minh Tân tiếp tục khuyến khích các hộ dân đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại; tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các giống cây trồng, vật nuôi mới cho hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển./.
Thành Trung