Hiệu quả bước đầu của chương trình viễn thông công ích

09:01, 28/01/2011

Từ năm 2006, Sở Thông tin và Truyền thông đã đề nghị và được Nhà nước phê duyệt cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2010 đối với 2 huyện Nghĩa Hưng và Vụ Bản. Đây là chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia cung cấp và người sử dụng dịch vụ viễn thông trong các vùng có mặt bằng thấp về hạ tầng viễn thông và số người tham gia sử dụng dịch vụ viễn thông nhằm góp phần rút ngắn khoảng cách về sử dụng dịch vụ viễn thông và Internet giữa các vùng, miền trong cả nước.

Trung tâm viễn thông Vụ Bản trang bị thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Ảnh: dương đức
Trung tâm viễn thông Vụ Bản trang bị thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Ảnh: Dương Đức

Để chương trình đạt hiệu quả cao, Sở Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu và lựa chọn, trình Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt các doanh nghiệp có đủ năng lực, trình độ tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông công ích theo chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong quá trình thực hiện chương trình, Sở Thông tin và Truyền thông đã bám sát và quản lý hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, việc bảo đảm chất lượng dịch vụ và phương thức hỗ trợ cho người sử dụng từ phía các doanh nghiệp viễn thông. Từ năm 2006 đến nay, ba doanh nghiệp tham gia chương trình viễn thông công ích trên địa bàn tỉnh là: Viễn thông Nam Định; Chi nhánh Viễn thông Quân đội (Viettel), Trung tâm Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) đều thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ nhà cung cấp dịch vụ. Các doanh nghiệp đã tăng cường áp dụng công nghệ mới, đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông đến 100% các xã, thôn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông của nhân dân. Tại địa bàn 2 huyện vùng công ích, các doanh nghiệp đã mở rộng lắp đặt 14 tổng đài chuyển mạch, hoà mạng 20 trạm truy nhập quang V5.2, trạm MSAN. Tiến hành xây dựng hàng trăm km cáp quang, cáp đồng, củng cố và xây dựng mới 5 tuyến cáp, trồng hàng trăm cột bê tông, hoàn thành dự án mạng ngoại vi, xây dựng 35 trạm BTS, nâng tổng số lên 102 trạm BTS, góp phần mở rộng vùng phủ sóng, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng thông tin di động. Bên cạnh đó, còn bảo đảm đủ và đáp ứng nhu cầu phát triển thuê bao điện thoại cố định hữu tuyến, vô tuyến. Xây dựng hoàn thiện cấu hình mạng ADSL, trạm DSLAM, lắp đặt và hoà mạng 10.250 cổng ADSL phục vụ phát triển dịch vụ truy nhập Internet cho các đối tượng. Việc đẩy mạnh đầu tư từ phía doanh nghiệp, một phần đạt được nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước trong đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông và Internet, phát triển các điểm truy nhập viễn thông công cộng trong các vùng được cung cấp dịch vụ viễn thông công ích. Bên cạnh đó, Nhà nước còn hỗ trợ kinh phí giúp các doanh nghiệp có đủ khả năng duy trì thường xuyên việc cung ứng các dịch vụ viễn thông phổ cập, dịch vụ viễn thông bắt buộc theo chính sách viễn thông công ích. Về phía người trực tiếp sử dụng các dịch vụ viễn thông tại địa bàn công ích cũng được Nhà nước hỗ trợ một phần thiết bị đầu cuối và mức thuê bao hàng tháng. Sở Thông tin và Truyền thông còn tích cực giám sát công tác thanh toán các khoản hỗ trợ cho người sử dụng dịch vụ trong vùng cung cấp viễn thông công ích của doanh nghiệp theo đúng quy định, vì vậy người dân đã nhanh chóng hiểu rõ lợi ích thiết thực của chương trình và tích cực tham gia, góp phần hoàn thành mục tiêu chung mà chương trình đề ra. Đến cuối năm 2009, tại hai vùng viễn thông công ích, đã nâng tổng số thuê bao điện thoại cố định trên mạng lên 65.163 thuê bao, nâng mật độ thuê bao điện thoại tại các vùng công ích từ gần 2,5 máy/100 dân (vào cuối năm 2004) lên 19,5 máy/100 dân, tăng gấp 8 lần. Tổng số thuê bao Internet trên mạng đạt 1.381 thuê bao, nâng mật độ tăng từ 0,018 máy/100 dân (năm 2004) lên 0,65 máy/100 dân, tăng 35 lần. Tổng số điểm phục vụ truy nhập dịch vụ công cộng đạt 68 điểm, thu hẹp khoảng cách bán kính phục vụ từ 1,7km2/điểm xuống 1,39km2/điểm, số dân phục vụ bình quân giảm từ 7.200 người/điểm xuống 6.041 người/điểm. Riêng năm 2010, tại 2 địa bàn viễn thông công ích, đã phát triển mới được 18.670 thuê bao điện thoại cố định và 516 thuê bao Internet băng rộng, 5 điểm truy nhập Internet công cộng. Đến thời điểm này, tại 2 huyện đã có 63 điểm truy nhập điện thoại và Internet công cộng, trong đó có 39 điểm điện thoại có người phục vụ và 14 điểm Internet công cộng có người phục vụ. Sau 5 năm thực hiện, chương trình đã thu hẹp được khoảng cách thông tin số giữa nông thôn và thành thị. Ngoài ra, việc hỗ trợ của Nhà nước còn giúp các doanh nghiệp có điều kiện phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ. Chương trình viễn thông công ích đã góp phần làm cho tốc độ phát triển số người sử dụng dịch vụ viễn thông tăng nhanh. Kết quả này đã giúp cơ quan quản lý Nhà nước thuận lợi hơn trong việc chuyển tải những quy định, đường lối chính sách đến người dân. Ngoài ra, người dân cũng có nhiều thuận lợi trong sinh hoạt văn hoá xã hội, trong phát triển kinh tế.

Giai đoạn 2011-2015, để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình viễn thông công ích, Sở Thông tin và Truyền thông căn cứ vào thực trạng phổ cập dịch vụ viễn thông hiện tại trên địa bàn tỉnh, lựa chọn vùng cung cấp dịch vụ phù hợp; giao việc cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp theo từng địa bàn riêng biệt để mỗi doanh nghiệp có trách nhiệm tập trung phát triển hạ tầng cơ sở theo vùng, theo lượng khách hàng. Về phía người dân, sẽ không dừng lại ở biện pháp hỗ trợ sử dụng dịch vụ mà sẽ tăng cường hỗ trợ hướng dẫn sử dụng hiệu quả, nhất là các dịch vụ viễn thông tiện ích. Chú trọng hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ Internet để có thể nhanh chóng tiếp cận thông tin mọi mặt về tất cả các lĩnh vực văn hoá, xã hội, kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Nguyễn Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com