Hải Hậu tập trung các giải pháp phát triển CN-TTCN

09:01, 10/01/2011

 

Cty cổ phần thương mại Hợp Long, xã Hải Phương (Hải Hậu) chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất, tạo việc làm thường xuyên cho 70 lao động. Ảnh: Dương Đức
Cty cổ phần thương mại Hợp Long, xã Hải Phương (Hải Hậu) chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất, tạo việc làm thường xuyên cho 70 lao động.
Ảnh: Dương Đức
Năm 2010, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Hải Hậu ước đạt 367 tỷ đồng (giá cố định 1994) bằng 102,6% kế hoạch năm và tăng 13,1% so cùng kỳ năm trước. Có được kết quả trên là do huyện Hải Hậu đã tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các CCN và đưa các CCN thương mại Hải Phương, Hải Minh, Yên Định... vào hoạt động. Huyện duy trì và mở rộng các nghề truyền thống, tăng cường dạy nghề, truyền nghề, mở thêm nghề mới trong nông thôn, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Là địa phương có thế mạnh sản xuất nông nghiệp nuôi trồng, khai thác thuỷ sản và sản xuất muối, huyện tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị hàng hoá. Ở các xã ven biển như Hải Lý, Hải Triều, Hải Hoà, thị trấn Thịnh Long một số doanh nghiệp tư nhân đã lắp đặt dây chuyền chế biến tôm, cá xuất khẩu. Cty TNHH Thịnh Long (thị trấn Thịnh Long) đã ứng dụng công nghệ sản xuất bột cá nhạt theo quy trình mới tăng năng suất, giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm việc làm cho 60 lao động với thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/người/tháng. Cùng với việc khôi phục và phát triển nghề chế biến cói ở các xã Hải Bắc, Hải Trung, huyện khuyến khích nhân rộng các nghề hiện có ra các xã trong khu vực. Xã Hải Minh có gần 100 cơ sở sản xuất đồ gỗ tạo việc làm cho 2.500 lao động. Từ nghề mộc ở Hải Minh một số hộ ở các xã Hải Ninh, Hải Giang... phát triển sản xuất đồ mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng. Nghề sản xuất sợi PE, dệt lưới cước từ thị trấn Thịnh Long nay đã phát triển ra các xã Hải Châu, Hải Hoà, Hải Đông, Hải Cường... Nghề mây tre đan phát triển mạnh ở các xã Hải Minh, Hải Hưng, Hải Long, Hải Trung. Công nghiệp sợi, dệt may đang ngày càng được mở rộng và từng bước nâng cao chất lượng. Hoạt động sản xuất hàng may mặc đã phát triển ở thị trấn Yên Định, xã Hải Thanh, Hải Giang, Hải Đường, Hải Bắc... Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập Ban phát triển CN-TTCN; cấp uỷ, chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai những chính sách thúc đẩy phát triển CN-TTCN đã được ban hành. Các xã, thị trấn căn cứ vào lợi thế của địa phương để lựa chọn các ngành sản xuất phù hợp, bảo đảm phát triển sản xuất, đa dạng các sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Huyện chỉ đạo các ngành chức năng cùng với các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động thu hút mọi nguồn lực về đầu tư phát triển CN-TTCN tại địa phương. Năm 2010 Trung tâm dạy nghề huyện đã mở 46 lớp, đào tạo nghề cho gần 1.400 lao động của các xã, thị trấn học các nghề đan bẹ chuối, móc sợi, thêu ren, may công nghiệp, điện...

Để sản xuất CN-TTCN trên địa bàn phát triển bền vững với mức tăng trưởng 18-19%/năm trong nhiệm kỳ 2010-2015, huyện Hải Hậu đã có cơ chế phù hợp cho phát triển các ngành cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, kéo sợi, dệt may, tăng cường phát triển nghề mới, mở rộng nghề truyền thống... Ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; tạo hành lang pháp lý theo thẩm quyền để các doanh nghiệp yên tâm thu hút mọi nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm; khuyến khích tăng cường đầu tư trang thiết bị kỹ thuật theo hướng kết hợp công nghệ hiện đại với thiết bị công nghệ truyền thống để tạo ra những sản phẩm tinh xảo. Các doanh nghiệp, các hộ sản xuất được tạo điều kiện để vay vốn phục vụ sản xuất, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý; tiếp cận các thông tin thị trường, xúc tiến thương mại... Huyện khuyến khích thành lập các doanh nghiệp đầu mối để bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất; chú trọng công tác dự báo và đưa vào hoạt động nền nếp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Xây dựng các dự án phát triển kết cấu hạ tầng và sản xuất kinh doanh có tính khả thi, đồng thời tranh thủ những thuận lợi từ việc được chọn làm huyện thí điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước để đào tạo nguồn nhân lực cũng như phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động phát triển CN-TTCN của địa phương./.

Trần Hữu Quyết



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com