Toàn tỉnh hiện có 40 dự án chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), trong đó 32 dự án đã đạt hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trước khi chuyển đổi. Kết quả bước đầu đã tạo ra đội ngũ kỹ thuật chuyên NTTS có tay nghề, có ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời đưa sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, từng bước xác định NTTS là một nghề chính trong sản xuất nông nghiệp.
Ngư dân xã Giao Hải (Giao Thủy) trong mùa thu hoạch cá.
Ảnh:
Trần Duy Hưng
(Giao Thủy)
|
I - Đầu tư tập trung
Thực hiện Quyết định của Chính phủ về chương trình phát triển NTTS giai đoạn 1999-2010, tỉnh ta đã triển khai thực hiện 40 dự án chuyển đổi từ đất trồng lúa, trồng cói, sản xuất muối kém hiệu quả sang NTTS. Tổng diện tích của 40 dự án chuyển đổi là 2.918,3ha với tổng mức đầu tư 498 tỷ 883 triệu đồng. Trong đó vốn ngân sách đầu tư là 168 tỷ 106 triệu đồng, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cấp I cho vùng dự án chuyển đổi như kênh cấp và thoát nước cấp I, cống và trạm bơm lớn, đường giao thông chính, điện; vốn huy động trong nhân dân là 198 tỷ 105 triệu đồng cho cả 2 vùng NTTS vùng mặn lợ và nước ngọt.
16 dự án NTTS vùng mặn lợ với tổng diện tích 1.813ha, tổng mức đầu tư là 168 tỷ 820 triệu đồng; trong đó vốn ngân sách hỗ trợ là 72 tỷ 569 triệu đồng, còn lại là vốn huy động trong nhân dân. Mức đầu tư trung bình cho mỗi ha NTTS vùng này bằng ngân sách là 40,02 triệu đồng, chiếm 43% tổng mức vốn đầu tư. Các dự án NTTS vùng nước lợ hầu hết được triển khai trước năm 2006, tập trung ở các vùng ven biển của các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, gần nguồn nước biển, thuận lợi cho NTTS nước lợ với 14 dự án. Trong đó, huyện Giao Thuỷ có 3 dự án chuyển đổi nuôi tôm công nghiệp Bạch Long - Giao Phong 150ha, chuyển đổi NTTS xã Giao Long 53ha, Nông trường Bạch Long 100ha; 7 dự án của Hải Hậu, chuyển đổi NTTS ở HTX Tân Phú 24ha, nuôi tôm công nghiệp xã Hải Nam 75ha, xã Hải Đông - Hải Lộc 63ha, xã Hải Triều 48ha, xã Hải Lý 82ha, xã Hải Phúc 89ha, xã Hải Chính 39ha; Nghĩa Hưng 3 dự án: chuyển đổi NTTS Đông Nam Điền 548ha, Nông trường Rạng Đông 124ha, xã Nam Điền 210ha và 1 dự án của Xuân Trường: chuyển đổi nuôi tôm công nghiệp Xuân Vinh - Xuân Hoà 105ha. Hai dự án chuyển đổi sang NTTS vùng mặn lợ thực hiện sau năm 2006 là: chuyển đổi 50ha xã Hải Xuân và 53ha của xã Hải Hoà đều của huyện Hải Hậu. 16 dự án này đều được quy hoạch chi tiết, thiết kế vùng nuôi… Các chủ hộ trong vùng chuyển đổi NTTS xây dựng hệ thống ao nuôi dựa trên quy hoạch chi tiết và thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt. Vùng nuôi bảo đảm có hệ thống kênh tưới và hệ thống kênh tiêu. Hệ thống ao của mỗi chủ hộ đều có ao chứa lắng để xử lý nước, ao ương giống, ao nuôi thương phẩm.
24 dự án NTTS ở vùng nước ngọt phân bố ở các huyện Vụ Bản 5 dự án, Ý Yên 5, Mỹ Lộc 3, Trực Ninh 3, Xuân Trường 3, Nghĩa Hưng 2, Hải Hậu 1, Giao Thuỷ 1 và thành phố Nam Định 1 dự án. Các dự án có tổng diện tích 1.077ha, trung bình mỗi dự án là 44,9ha. Tổng vốn đầu tư 95 tỷ 260 triệu đồng; trong đó vốn ngân sách hỗ trợ là 60 tỷ 378 triệu đồng, bằng 63,38%. Mức đầu tư trung bình 88,5 triệu đồng/ha; trong đó ngân sách hỗ trợ 56,1 triệu đồng/ha. Vốn huy động trong dân 40 tỷ 805 triệu đồng, trung bình 63,2 triệu đồng/ha. Tổng mức đầu tư nếu cộng cả phần huy động của các hộ nuôi trong vùng dự án là 136 tỷ 605 triệu đồng, bình quân 126,8 triệu đồng/ha nuôi. Các dự án NTTS nước ngọt triển khai chủ yếu ở những địa phương có nhiều diện tích ruộng trũng, cấy lúa hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí có những diện tích chỉ cấy được 1 vụ trong năm. Đa số các dự án NTTS nước ngọt chỉ có quy hoạch tổng thể, chưa có quy hoạch chi tiết. Các chủ hộ nuôi tự dồn điền đổi thửa, xây dựng ao nuôi trên diện tích có sẵn diện tích ao nuôi phổ biến 1.000-2.000m2.
Sau khi hoàn thành xây dựng cơ bản, hệ thống ao nuôi được giao lại cho các chủ hộ tổ chức nuôi. Về quản lý vùng dự án chủ yếu là do UBND xã, HTX. Trong 32 dự án NTTS đã đi vào hoạt động có 14 dự án thuộc quyền quản lý của UBND xã, 16 dự án do HTX quản lý và 2 dự án do nông trường quốc doanh quản lý. Hầu hết các dự án đã hoàn thiện đều phát huy được hiệu quả, thậm chí một số dự án chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nhưng các hộ dân trong vùng đã tận dụng thời gian và mặt nước tổ chức NTTS đạt hiệu quả cao như dự án NTTS ở các xã Hải Châu, Hải Hoà (Hải Hậu); Nghĩa Châu, Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); Mỹ Tiến (Mỹ Lộc)… ở vùng nước lợ, những năm đầu thực hiện dự án, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú. Sau đó một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, chống chịu khá như cua biển, tôm thẻ chân trắng, cá bống bớp, cá vược, cá song… được mở rộng dần. Các dự án thuộc các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu được người nuôi tổ chức nuôi tôm, cua biển, các dự án thuộc huyện Nghĩa Hưng lại lấy cá biển làm con nuôi chủ lực. Hiện tại trên địa bàn tỉnh ở vùng dự án có 535ha nuôi tôm, cua biển là chính và 511ha nuôi cá biển là chính. Ở vùng nuôi nước ngọt, đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống như trắm cỏ, mè, mè hoa… một số giống mới như cá rô phi đơn tính, chép V1 cũng được mở rộng. Hiện nay, một số vùng dự án chuyển đổi các hộ đã đưa một số giống nuôi có giá trị kinh tế và hiệu quả cao như cá lóc bông, cá vược, cá rô đồng, cá lăng chấm, cá trắm đen…, trong đó 13 dự án với 480,5ha nuôi cá truyền thống là chính, 2 dự án với 54ha nuôi kết hợp cá thịt và cá giống, một dự án chuyên nuôi cá giống với 28ha, 2 dự án với 83ha chuyên nuôi cá đặc sản. Phương thức nuôi tại các vùng dự án được chuyển dịch theo hướng hình thành các vùng nuôi tập trung thâm canh và bán thâm canh. Ở vùng nuôi nước lợ, đã hình thành các vùng nuôi tập trung với các con nuôi là đối tượng có giá trị kinh tế cao như vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở Bạch Long, Giao Phong (Giao Thuỷ); Hải Hoà, Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính (Hải Hậu); vùng nuôi cua biển, vùng nuôi cá bống bớp, cá vược và một số loài khác ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Ngoài dự án NTTS người nuôi ở các xã Xuân Hoà - Xuân Vinh (Xuân Trường) tổ chức nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến là chủ yếu, còn lại tại các dự án khác đều áp dụng phương thức nuôi bán thâm canh cho năng suất cao. Ở vùng nước ngọt, tại các dự án NTTS đã hình thành các vùng nuôi thương phẩm tập trung như vùng nuôi cá lóc bông ở Nghĩa Hưng, vùng nuôi cá rô phi, diêu hồng ở Hải Châu (Hải Hậu)… Trong 24 dự án NTTS vùng nước ngọt, có 6 dự án với 172ha nuôi thâm canh, 5 dự án với 291ha nuôi bán thâm canh, 4 dự án với 69,5ha nuôi theo mô hình cá - lúa, 3 dự án với 113ha xây dựng trang trại tổng hợp… Hiện tại công nghệ nuôi được thay đổi theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Công tác cải tạo ao, đầm; chăm sóc, quản lý ao nuôi đã đi vào nền nếp. Các hộ NTTS tại các dự án đang chuyển từ sử dụng thức ăn tự chế sang thức ăn công nghiệp; từ dùng hoá chất, thuốc kháng sinh chuyển hẳn sang dùng các chế phẩm sinh học. Tuyệt đối không dùng các loại hoá chất và thuốc kháng sinh bị cấm sử dụng… Đây chính là bước đi đúng, hạn chế ô nhiễm môi trường và nuôi trồng hiệu quả cao, bền vững. Ngành NN-PTNT và các địa phương có vùng dự án chuyển đổi NTTS đều tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, trao đổi, hội thảo, tham quan… nên trình độ của các hộ nuôi được nâng lên đáng kể.
Cùng với 40 dự án chuyển đổi sang NTTS, UBND tỉnh còn phê duyệt 4 dự án cải tạo, nâng cấp các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản với tổng kinh phí 36 tỷ 648 triệu đồng. Nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ chủ yếu đầu tư vào các hạng mục công trình phục vụ cho công tác sản xuất giống nhân tạo tại các trại giống. UBND tỉnh còn quyết định hỗ trợ 25 trại sản xuất giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh mỗi trại 100 triệu đồng để khuyến khích sản xuất con giống chủ động cho các vùng nuôi, vụ nuôi. 40 dự án chuyển đổi đất trồng lúa, cói, sản xuất muối kém hiệu quả đã được tập trung đầu tư chuyển sang NTTS đã tạo ra các vùng nuôi chuyên canh tập trung theo xu hướng sản xuất hàng hoá, tạo ra môi trường, hiệu quả nuôi khá bền vững./.
Tất Thắc