Bước tiến trên chặng đường hội nhập kinh tế

07:01, 31/01/2011
Các đồng chí: Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Park Young June, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Tri thức Hàn Quốc chứng kiến lễ ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn Taekwang và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Ảnh: Trần Hữu Quyết
Các đồng chí: Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Park Young June, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Tri thức Hàn Quốc chứng kiến lễ ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn Taekwang và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.
Ảnh: Trần Hữu Quyết

Khép lại một năm cũ, mở cửa đón chào năm mới với bao biến động thách thức. Bước sang năm 2011, Việt Nam đã tròn bốn năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhìn lại quá trình này, khủng hoảng kinh tế thế giới đã có những tác động mạnh tới nền kinh tế Việt Nam. Trong cuộc khủng hoảng vừa qua được coi là “cơn bão” khi “tâm bão” xuất phát từ tài chính mà chúng ta có thể nhận thấy rõ nét nhất khi tham gia sân chơi quốc tế.

Chỉ số giá tiêu dùng cả nước được dự báo tăng với hai con số là 11% trong năm 2010. Những yếu tố trong thời gian còn lại sẽ tác động mạnh đến việc tăng chỉ số giá tiêu dùng như: Quy luật thị trường những tháng cuối năm và những biến động mạnh từ thị trường kinh doanh vàng, ngoại tệ, giá dầu trên thế giới trong thời gian qua. Sau bốn năm hội nhập ta có thể nhìn nhận lại được những tác động của thế giới đến chúng ta đã khá rõ nét. Sau năm 2007 gia nhập WTO, đến năm 2008, xuất khẩu đã gia tăng đáng kể, tuy nhiên đến năm 2009 lại bị giảm do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Năm 2010, tình hình trên đã được cải thiện hơn khi khủng hoảng tài chính đang dần lùi xa. Về thu hút đầu tư nước ngoài năm 2007 có số vốn cam kết 81 tỷ USD, năm 2008 vào khoảng 60-71 tỷ USD, năm 2009 giảm xuống còn 20 tỷ USD do khủng hoảng kinh tế, năm 2010 tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm so với kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, năm 2010 được đánh giá thành công của kinh tế Việt Nam với đa số các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được hoàn thành. Tình hình xuất khẩu đã được cải thiện nhiều hơn khi kim ngạch xuất khẩu đạt 71,63 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009; trong khi nhập khẩu đạt 84 tỷ USD và tăng 20,1%. Như vậy, nhập siêu cũng tiến đến 12,4 tỷ USD, giảm so với năm 2009 (so với 12,85 tỷ USD) và chiếm khoảng 17,3% tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm 2010.

Nhà máy đồ uống của Cty cổ phần Bia NADA tại KCN Hoà Xá (TP Nam Định) đầu tư thiết bị hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: DƯƠNG ĐỨC
Nhà máy đồ uống của Cty cổ phần Bia NADA tại KCN Hoà Xá (TP Nam Định) đầu tư thiết bị hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ảnh: Dương Đức

Từ đây, chúng ta có thể nhận thấy rõ nét nhất những tác động từ nền kinh tế thế giới đến với nước ta trong thời gian từ năm 2007 khi tham gia hội nhập. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đặng Huy Việt, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Nam Định cho biết: Trong những năm hội nhập kinh tế thế giới khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới những biến động từ thị trường tài chính tiền tệ và hoạt động tín dụng ngân hàng tác động rõ nét nhất đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng. Những diễn biến từ thị trường ngoại tệ, kinh doanh vàng thời gian qua có nhiều biến động do ảnh hưởng từ thị trường thế giới. Hoạt động ngân hàng cũng từ đó bị xáo trộn theo khi luồng vốn “chu chuyển” đổ dồn vào đầu tư kinh doanh vàng, ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản. Từ đó, các ngân hàng khi khan hiếm vốn đua nhau tăng giá mua vào (tăng lãi suất huy động tiết kiệm). Do vậy, dòng vốn tín dụng chảy trong lưu thông đó chỉ có thể là từ đơn vị này sang đơn vị khác mà thôi. Năm 2010, số dư nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh Nam Định ước đạt 11.503 tỷ đồng, tăng 2.301 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó dư nợ cho vay ước thực hiện 15.216 tỷ đồng, tăng 2.321 tỷ đồng so đầu năm. Tuy nhiên, có những đơn vị thu hút khá nhiều vốn nhưng thực tế dư nợ cho vay tín dụng chỉ đạt khoảng 30% nguồn vốn mà mình đã huy động tiết kiệm đạt được. Có những đơn vị vẫn còn khả năng cho vay nhưng thiếu hạn mức hay vượt quá tốc độ tăng trưởng hoặc thiếu vốn cũng đành chịu. Người xưa đã có câu ví von trong hoàn cảnh này là “kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”. Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, tại kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 16-6-2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011. Hoạt động ngân hàng hoàn thiện hơn khi đã được thể chế hoá thông qua hai Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng. Năm 2011 vẫn được nhìn nhận đánh giá nền kinh tế chịu nhiều tác động từ ngành ngân hàng khi các ngân hàng thương mại phải tăng vốn điều lệ theo quy định của Nhà nước từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng mặc dù đã được giãn thời gian thực hiện đến cuối năm. Anh Nguyễn Hồng Giang, Giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBANK) - Chi nhánh Nam Định cho biết: Hệ thống VPBANK cả nước đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng khoảng 70% trong năm 2011, với giá trị tổng tài sản tăng 55%, huy động vốn tăng 80% để đáp ứng trước yêu cầu mới. Cùng với đó là công cuộc cải tổ hệ thống đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp. Không nằm ngoài hệ thống VPBANK, trên cả nước sẽ có nhiều ngân hàng thương mại thực hiện cải cách trên, qua đó tạo nên những bước đột phá cho thị trường tiền tệ năm 2011.

Cty TNHH cơ khí Đình Mộc, xã Xuân Kiên (Xuân Trường) đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm máy chế biến lâm sản, tạo việc làm cho 120 lao động có thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: ĐỨC hoa
Cty TNHH cơ khí Đình Mộc, xã Xuân Kiên (Xuân Trường) đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm máy chế biến lâm sản, tạo việc làm cho 120 lao động có thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.
Ảnh: Đức Hoa

Đồng chí Đoàn Tiến Dũng, Giám đốc Cty cổ phần may Nam Hà cho biết: Khi nền kinh tế nước ta tham gia toàn cầu hoá thì sẽ chịu sự tác động của nền kinh tế toàn cầu. Khi mất cân đối tài chính trên toàn cầu điều tất yếu cũng sẽ xảy ra đối với kinh tế nước ta và hoạt động của các doanh nghiệp và nhất là doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu. Sân chơi đã là toàn cầu với 153 nước thành viên trong WTO mà không chỉ còn là trong phạm vi nước Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp chúng ta cần phải năng động hơn trong xu thế hội nhập. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều có “kẻ thắng người bại” vấn đề đặt ra đó là mỗi cá nhân phải biết nắm bắt, tận dụng được cơ hội cho mình. Những ý tưởng, những giá trị gia tăng mới phải được tạo ra để cạnh tranh thay vì cạnh tranh theo kiểu truyền thống cạnh tranh về giá. Đối với Cty cổ phần may Nam Hà để tự hoàn thiện và nâng cao uy tín trên thương trường không gì khác chính tự thân phải thay đổi trước. Bản thân mỗi một người từ lãnh đạo đến người lao động trực tiếp của Cty cổ phần may Nam Hà ngoài việc đang áp dụng các tiêu chuẩn quy định trong quản lý, sản xuất tất cả đều đang thực hiện theo hai chương trình 5S bao gồm: Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng và chương trình TPM cũng với 5 mục tiêu nhằm nâng cao hiệu suất lao động, vận hành sử dụng trang thiết bị an toàn của mình. Bên cạnh đó, đối với Cty cổ phần may Nam Hà quá trình đầu tư là một chuỗi không ngừng khi thế giới luôn vận động thay đổi. Kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị năm 2010 vẫn giữ vững mức tăng trưởng trên 25% so với năm 2009. Thu nhập người lao động tăng từ 2 triệu đồng/người/tháng trong năm 2009 lên bình quân 2,7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2010, đơn vị đã tiến thêm một bước khi thực hiện bán cổ phần cho người lao động. Đây cũng là ý nghĩa xuyên suốt trong quá trình sản xuất kinh doanh của đơn vị khi đặt người lao động là trung tâm trong mọi hoạt động. Qua đó, người lao động nhất là trong ngành sản xuất dệt may được tôn trọng và bình đẳng. Năm 2010, Cty cổ phần may Nam Hà dự tính cổ tức được chia cho các cổ đông là 20% trên mỗi giá trị cổ phần.

Năm 2010 đã khép lại với các chỉ tiêu về phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Nam Định đều vượt so với kế hoạch. Tổng sản phẩm GDP ước đạt 10.455 tỷ đồng, tăng 10,5%, giá trị hàng xuất khẩu ước đạt 248,7 triệu USD, tỷ lệ xuất siêu đạt 51,7 triệu USD trong năm 2010. Tốc độ tăng vốn đầu tư cho phát triển xã hội đạt 29%, vượt kế hoạch đề ra. Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác định các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2010-2015. Mục tiêu đề ra trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ đạt tổng sản phẩm GDP tăng 12% trở lên, giá trị hàng xuất khẩu đạt 280 triệu USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khoảng 25% cùng nhiều chỉ tiêu khác. Theo các chuyên gia kinh tế cho biết muốn đạt được tốc độ tăng trưởng 1% GDP sẽ cần lượng vốn tương ứng gấp 2,5 đến 3 lần mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Do vậy nguồn vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng góp phần lớn trong chỉ tiêu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.

Giải pháp chung đối với nền kinh tế đó là một mặt chúng ta đang nỗ lực để được 153 nước trong Tổ chức Thương mại thế giới và các nước khác trên thế giới công nhận nước Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Mặt khác, chúng ta đang hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách phù hợp đáp ứng yêu cầu đặt ra như: Thuế, Hải quan, Ngân hàng, Đầu tư… Những gì đất nước trải qua kể từ khi hội nhập WTO, tuy thời gian chưa dài và chúng ta chưa thể “đoán - định” được điều gì nhưng cũng đủ để trải nghiệm sâu sắc về những bước thăng trầm của hội nhập kinh tế thế giới, để rồi mỗi bước tiến của chúng ta là một chặng đường cho phát triển bền vững. Chúng ta cần phải xem xét, đánh giá để định hướng chiến lược, dự báo phát triển cho các năm tiếp theo./.

  Văn Bắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com