Điều hành xuất khẩu gạo theo hướng có lợi cho người trồng lúa

08:12, 01/12/2010

Từ nhiều năm nay, nước ta là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, nên hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta chưa được quy hoạch một cách khoa học, vẫn trong tình trạng “trăm hoa đua nở”, nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Tất nhiên, những người trồng lúa vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi hơn cả.

 

y
Xuất khẩu gạo là thế mạnh của Việt Nam.
Ảnh: Internet

Nhằm chấn chỉnh kịp thời hoạt động xuất khẩu gạo theo hướng có lợi, bảo đảm tiêu thụ thóc gạo cho người trồng lúa, cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước ngày 4-11-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Nghị định nêu rõ: Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng đủ các điều kiện về đăng ký kinh doanh, kho chuyên dùng phù hợp tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, đồng thời phải có cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ. Kho chứa và cơ sở xay, xát thóc phải thuộc sở hữu thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo…

Nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định thì tất cả thương nhân trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế sẽ được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (Giấy chứng nhận), có quyền được kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định của pháp luật. Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: Được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Có ít nhất 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Việc điều hành xuất khẩu gạo phải bảo đảm các mục tiêu, nguyên tắc sau: Góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa và bảo đảm lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành. Bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước. Thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả.

 

Dây chuyền xay xát gạo xuất khẩu, công suất 10.000 tấn/năm của Cty cổ phần Thuý Đạt, KCN Hoà Xá (TP Nam Định). Ảnh: Đức Hoa
Dây chuyền xay xát gạo xuất khẩu, công suất 10.000 tấn/năm của Cty cổ phần Thuý Đạt, KCN Hoà Xá (TP Nam Định).
Ảnh: Đức Hoa

Hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc cân đối nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước, công bố vào quý 4 hằng năm nguồn thóc, gạo hàng hóa có thể xuất khẩu trong năm kế hoạch tiếp theo; cập nhật và thông báo với các cơ quan chức năng về tình hình sản xuất, sản lượng, chủng loại theo mùa vụ trong năm. Việc điều hành xuất khẩu gạo thực hiện trên cơ sở nguồn thóc, gạo hàng hóa được cân đối cho xuất khẩu hàng năm theo quy định. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn tổ chức hệ thống thu mua, phân phối gạo và bảo đảm bình ổn thị trường tiêu dùng nội địa; kiểm tra việc thực hiện mua thóc, gạo hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Khi giá gạo trong nước biến động gia tăng vượt mức quy định theo pháp luật hiện hành, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành về bình ổn giá mặt hàng gạo và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo, hướng dẫn thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đưa ngay gạo dự trữ lưu thông bổ sung vào nguồn cung ứng thị trường trong nước. Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có trách nhiệm tham gia bình ổn giá và được bù đắp các chi phí phát sinh theo hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc công bố và áp dụng các biện pháp bình ổn giá thóc, gạo thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về kinh doanh xuất khẩu gạo, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn bị thu hồi Giấy chứng nhận… Trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của UBND, Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức khác, Bộ Công Thương xem xét, áp dụng biện pháp xử lý vi phạm đối với thương nhân theo quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người trồng lúa trong cả nước./.

Giang Long (theo: QĐND)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com