Hiện nay, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, nhất là giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề diễn ra ngày càng gay gắt. Sự cạnh tranh lành mạnh sẽ là động lực để các doanh nghiệp khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, nội lực, tạo dựng những sức mạnh mới. Sự cạnh tranh cũng đem đến cho người tiêu dùng nhiều lợi ích như: chất lượng, mẫu mã hàng hoá ngày càng được cải thiện, giá sản phẩm ngày càng hợp lý… Tuy nhiên, sự cạnh tranh cũng có nguy cơ gây tổn thất, thiệt hại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng xã hội nếu các doanh nghiệp tham gia cạnh tranh không bảo đảm nguyên tắc “lành mạnh”.
Sản phẩm máy tuốt lúa của Cty TNHH cơ khí Tân Việt, xã Xuân Tiến (Xuân Trường).
Ảnh:
Dương Đức
|
Anh Đinh Tân Việt, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Tân Việt, CCN Xuân Tiến (Xuân Trường) cho biết: Trong làng nghề cơ khí Xuân Tiến đang tồn tại sự cạnh tranh thiếu lành mạnh về mẫu mã sản phẩm. Hầu hết các hộ sản xuất máy tuốt lúa trong làng đều gia công sản phẩm có kiểu dáng, công suất tương tự nhau. Để bán được sản phẩm, các doanh nghiệp thường phải hạ giá bán sản phẩm. Ở mức giá bán thấp, lợi nhuận không cao, các doanh nghiệp nhỏ hơn sẽ bị các doanh nghiệp lớn áp đảo, khó tồn tại. Bằng chứng là trước kia trong làng có 20 hộ sản xuất máy tuốt lúa thì đến thời điểm hiện nay một số hộ đã chuyển sang mặt hàng khác. Một số hộ mỗi năm chỉ sản xuất, tiêu thụ khoảng 100 máy, những doanh nghiệp lớn có thể tiêu thụ gấp 10 lần. Đồng chí Nguyễn Hữu Trọng, Phó Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Thời gian qua, trong khối sản xuất bánh kẹo tại KCN Hoà Xá đã xảy ra tình trạng các doanh nghiệp cùng làm một sản phẩm giống nhau; với tên na ná nhau như sản phẩm bánh quy Daniasa, Danisan… Cách thức cạnh tranh này khiến doanh nghiệp dễ đánh mất lòng tin trước khách hàng, khó phát hiện được thương hiệu, còn người tiêu dùng không có cơ hội sử dụng những sản phẩm ngày càng đạt chất lượng tốt hơn. Anh Lê Tuấn Lực, Trưởng Phòng BCVT-CNTT (Sở Thông tin và Truyền thông) chia sẻ: Qua phản ánh của một số khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông, có nhiều trường hợp nhân viên hợp đồng của hãng này phủ nhận hiệu quả kinh doanh, chất lượng dịch vụ của hãng khác, gây tâm lý hoang mang, nghi vấn của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp mình đang sử dụng. Tại buổi đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp các KCN năm 2010, đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chỉ ra tình trạng cạnh tranh về nhân lực mang tính không lành mạnh giữa các doanh nghiệp dệt may. Một số doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chế độ ưu đãi, mức lương hấp dẫn khi quảng cáo tuyển dụng nên đã nhanh chóng thu hút được công nhân của các đơn vị bạn. Tuy nhiên trong thực tế làm việc, người lao động không được hưởng đầy đủ các chế độ ưu đãi như doanh nghiệp quảng cáo. Thậm chí có nơi công nhân đã làm việc vài tháng còn chưa được thanh toán tiền lương. Việc làm này gây ra tình trạng thường xuyên biến động nhân lực của các doanh nghiệp dệt may khiến các doanh nghiệp không ổn định được sản xuất, ảnh hưởng đến việc ký kết hợp đồng, doanh thu và uy tín trước khách hàng. Những lao động liên tục đi tìm nơi làm việc mới nhằm tiếp cận được doanh nghiệp có mức thu nhập hấp dẫn hơn cũng bị tuột mất cơ hội gắn bó với một doanh nghiệp, để được hưởng các chế độ đầu tư lâu dài như: BHXH, BHYT, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề… Ngoài ra, còn có hình thức liên kết để cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp buộc người tiêu dùng phải mua sản phẩm đã được ấn định về chất lượng, giá cả gây tổn thất lớn về kinh tế của người tiêu dùng. Cụ thể như việc liên kết của một số doanh nghiệp trong tiêu thụ các mặt hàng sữa bột, thuốc tân dược…
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cạnh tranh là một trong những yếu tố quan trọng nhưng vấn đề là phải hướng các doanh nghiệp vào quỹ đạo cạnh tranh lành mạnh. Để làm được điều đó, cần phải có sự nỗ lực, chung sức của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. Các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giúp các doanh nghiệp và nhân dân nắm được các quy định pháp luật liên quan đến cạnh tranh như: Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, Pháp lệnh giá…; yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật này. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Các doanh nghiệp phải chủ động thiết lập chiến lược kinh doanh tránh sa đà, chạy theo sự tăng trưởng về số lượng mà không tạo ra lợi nhuận; phải quan tâm tạo dựng vị thế bằng chính sự khác biệt, độc đáo của sản phẩm. Về phía người tiêu dùng, cần có thái độ phê phán, tẩy chay, lên án các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh./.
Nguyễn Thanh Thuý