Xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

07:12, 03/12/2010

Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp trong tỉnh mở hướng xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tổng Cty cổ phần sợi Việt An (CCN An Xá - thành phố Nam Định) mỗi năm phải nhập 3.000 tấn bông trị giá khoảng 6 triệu USD. Để chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, doanh nghiệp đã khảo sát và trồng thử nghiệm bông tại tỉnh Sơn La là vùng có lợi thế về tiềm năng đất đai, khí hậu, để xem xét hiệu quả và mở rộng diện tích. Cty ký hợp đồng với Viện nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố (Ninh Thuận) để khảo nghiệm và tổ chức trồng thử nghiệm các giống bông mới.  Trong các năm 2007-2009, diện tích trồng bông tại Sơn La là 1.200 ha. Trong phạm vi điều tra, khảo sát lựa chọn quy hoạch vùng trồng bông với diện tích 5.000 ha trên địa bàn 2 huyện Phù Yên và Bắc Yên, năm 2010, doanh nghiệp đã thành lập chi nhánh tại Sơn La để thuận lợi cho việc trồng và chế biến nguyên liệu từ cây bông. Bước đầu sau khi trồng khảo nghiệm gần 300 ha, doanh nghiệp đã tổ chức ký hợp đồng trồng 5.000 ha trong năm 2011. Nhờ đó, doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng tốt còn địa phương tận dụng quỹ đất luân canh tăng vụ góp phần nâng cao thu nhập, tạo điều kiện cải tạo đất, bảo vệ môi trường sinh thái.

Cty TNHH Nam Dược (KCN Hoà Xá) sử dụng nhiều dược liệu trong nước để sản xuất, trong đó có cây dây thìa canh, cát cánh, ngưu tất, đinh lăng… Năm 2006, được sự giúp đỡ của Trường Đại học Dược Hà Nội, Cty đã tổ chức trồng thử nghiệm cây dây thìa canh tại xã Hải Lộc (Hải Hậu), huyện Phú Lương (Thái Nguyên). Qua trồng khảo nghiệm, chất lượng cây dây thìa canh thu được ở Hải Lộc cao hơn ở Phú Lương do chất đất phù hợp hơn. Từ đó Cty ký hợp đồng với một số hộ để mở rộng diện tích. Năm 2006, anh Lâm Thanh Vân xã Hải Lộc là người đầu tiên trồng khảo nghiệm cây dây thìa canh trên diện tích 40m2. Đến năm 2008, khi thu hoạch cây đủ tiêu chuẩn làm dược liệu, chất lượng tương đương cây tự nhiên. Hiện nay gia đình anh Vân trồng 3 sào, gia đình ông Tấn trồng 1 sào. Cây không bị bệnh, chi phí làm giàn cho 1 sào đất trên 2 triệu đồng. Cây được thu từ năm thứ 3 đến năm thứ 7-10. Năm 2010 gia đình anh Vân thu 30 triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí) so với cấy lúa giá trị 1 sào cây dây thìa canh cho thu nhập cao gấp 10 lần. Hiện nay cây dây thìa canh thu mua trong tỉnh mới chiếm khoảng 10% lượng nguyên liệu, Cty đang có kế hoạch mở rộng diện tích để chủ động nguồn nguyên liệu tăng thu nhập cho nông dân. Ngoài cây dây thìa canh Cty Nam Dược còn tổ chức trồng và thu mua các loại cây dược liệu khác cho nông dân các địa phương trong tỉnh như cây đinh lăng trồng ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thuỷ; cây ngưu tất trồng ở huyện Vụ Bản; cây cát cánh trồng ở các huyện Vụ Bản, Trực Ninh… Cty đang hướng dẫn một số hộ trong tỉnh nuôi giun quế làm dược liệu cũng cho thu nhập ổn định.

Hiệu quả của việc xây dựng vùng nguyên liệu đã rõ. Để nhân rộng, rất cần sự phối hợp của nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các địa phương.

Trần Hữu Quyết



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com