Đánh giá về kết quả nuôi trồng thủy sản năm 2010, đồng chí Nguyễn Quang Trực, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định: “Nuôi trồng thủy sản trong năm tuy có gặp khó khăn song là năm thắng lợi nhất từ trước tới nay. Diện tích được mở rộng, năng suất sản lượng và hiệu quả tăng cả trong vùng nội đồng và vùng mặn lợ. Nhiều mô hình nuôi bền vững và các loại thủy sản mới, đặc sản có giá trị cao được người nuôi và các địa phương tập trung đưa vào sản xuất…”.
Năm 2010, toàn tỉnh đã đưa vào 15.739 ha để nuôi trồng thủy sản, tăng 197 ha và bằng 101,2% so với năm 2009. Trong đó, diện tích nuôi vùng mặn lợ là 6.214 ha, tăng 1%; diện tích nuôi vùng nước ngọt là 9.520 ha, tăng 130 ha và bằng 101,3% so với năm 2009. Tổng sản lượng nuôi trồng cả năm đạt 49.305 tấn, tăng 7.100 tấn và bằng 116,8% so với năm 2009. Nếu trong nuôi trồng vùng nước ngọt năm 2010 tăng 2.450 tấn, bằng 110,9% thì nuôi trồng vùng mặn lợ đạt còn cao hơn, tăng 7.136 tấn, bằng 136,15% so với năm 2009. Sản lượng nuôi trồng tăng và năng suất của từng loại thủy sản đưa vào nuôi của cả 2 vùng mặn lợ và nước ngọt đều tăng. Với vùng nuôi nước ngọt: cá truyền thống, năm 2010 năng suất đạt bình quân 2,57 tấn/ha, tăng 0,27 tấn/ha; cá rô phi đơn tính đực năng suất đạt bình quân 4,37 tấn/ha, tăng 0,7 tấn/ha; tôm càng xanh năng suất đạt 2,17 tấn/ha, tăng 1,04 tấn/ha; cá lóc bông năng suất đạt 18,2 tấn/ha, tăng 5,3 tấn/ha so với năm 2009. Với vùng nuôi mặn lợ, năng suất tôm thẻ chân trắng đạt bình quân 11 tấn/ha, trong khi đó, năm 2009 năng suất bình quân nuôi thâm canh mới đạt 3,1 tấn/ha và nuôi bán thâm canh chỉ đạt 1,4 tấn/ha… Tôm sú mẫn cảm với thời tiết, khí hậu và môi trường nên diện tích nuôi chuyên canh giảm nhiều so với năm 2009 để chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng năng suất cao, dễ nuôi và trong năm có thể nuôi được 2 vụ. Ngoài ra, các hộ nuôi tôm sú còn nuôi xen canh với các đối tượng nuôi khác như cua rèm, cá bống bớp… tôm ít bị bệnh, cá thể lớn, các loại nuôi cùng trong ao, đầm đều cho năng suất khá nên hiệu quả cao hơn nhiều so với tôm sú nuôi chuyên canh và đỡ rủi ro hơn. Năm nay, giá thủy sản tăng cao. Cụ thể, giá tôm sú tăng 40 nghìn đồng/kg; giá tôm thẻ chân trắng tăng 30 nghìn đồng/kg; giá cua gạch năm 2010 đang đạt 250-300 nghìn đồng/kg; giá cá vược tăng 20 nghìn đồng/kg; giá cá song, giá ghẹ nuôi tăng 30-50 nghìn đồng/kg so với năm ngoái… Theo đồng chí Trần Công Khôi, Trưởng Phòng nuôi trồng thủy sản (Sở NN-PTNT), hiệu quả nuôi trồng năm nay nhiều loại tăng gấp rưỡi năm ngoái vì năng suất tăng cao, giá nhiều loại cũng tăng cao. Thực tế về các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như: Giao Xuân, Giao Phong, Bạch Long (Giao Thủy), Nghĩa Bình, Nghĩa Châu, Nam Điền, Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng), Hải Hoà, Hải Châu, Hải Đông (Hải Hậu), Mỹ Thắng, Mỹ Tiến (Mỹ Lộc)... người nuôi đều phấn khởi vì hiệu quả kinh tế cao, khá bền vững.
Ngư dân xã Hải Chính (Hải Hậu) sau những ngày ra khơi.
Ảnh:
Trần Duy Hưng (
Giao Thủy)
|
Để có một năm nuôi trồng thắng lợi như năm nay, yếu tố đầu tiên là công tác sản xuất giống thuỷ sản ở tỉnh ta có bước đột phá. Năm 2010, toàn tỉnh đã sản xuất trên 3.423 triệu con cá bột các loại, tăng 1.321 triệu con, bằng 163% so với năm 2009. Một số giống thuỷ sản cho hiệu quả kinh tế cao như ngao, cá vược, cá song, bống bớp (vùng mặn lợ); cá rô đồng, cá lăng chấm, cua đồng đã được sản xuất và đang tiếp tục hoàn thiện quy trình để sản xuất số lượng lớn hơn trong những năm tới. Riêng con ngao giống ở Giao Thuỷ năm nay đã sản xuất được trên 1,8 tỷ con, gấp 2,1 lần so với tổng số giống mặn lợ sản xuất được trong năm 2009 của toàn tỉnh (!). Năm 2008-2009, giá ngao giống đang ở ngưỡng trên dưới 30 đồng/con thì năm nay chỉ còn 6-7 đồng/con, tạo thuận lợi cho người nuôi có lượng giống để thả đúng mật độ, đúng thời vụ. Một số giống mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi như cá song, cá vược, cá chim biển vây vàng (vùng mặn lợ); cá lăng chấm, cá rô đồng, cua đồng (vùng nước ngọt)... cũng được các trại giống thuỷ sản của tỉnh sản xuất thành công và đang sản xuất hàng loạt trong những năm tới. Đến nay, toàn tỉnh đã và đang triển khai 44 dự án nuôi trồng thuỷ sản tập trung với 2.880ha, tổng vốn đầu tư hơn 462 tỷ đồng. Hiện đã đưa vào hoạt động 36 dự án, tạo thuận lợi cho vùng nuôi và người nuôi đạt hiệu quả bền vững. Trong năm 2010, ngành thuỷ sản đã phối hợp với các cơ quan, các địa phương mở 60 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng, trị bệnh... cho hơn 7.000 hộ nuôi ở các địa phương. Xây dựng 25 mô hình nuôi và cử cán bộ trực tiếp xuống “ba cùng” hướng dẫn kỹ thuật, cách quản lý, chăm sóc, áp dụng các kiến thức, kỹ thuật, công nghệ nuôi mới... kết hợp với tổ chức các đoàn tham quan, hội thảo để trao đổi học tập và nhân rộng trong những năm tới. Nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: nuôi cá chim biển vây vàng cho lãi ròng 201 triệu đồng/ha/năm; nuôi cá bống bớp cho lãi ròng 217 triệu đồng/ha/vụ; nuôi cá quả đen cho lãi ròng 440 triệu đồng/ha/vụ; nuôi cá rô đồng cho lãi ròng 200 triệu đồng/ha/năm; nuôi cá song cho lãi ròng 194 triệu đồng/ha/vụ... Nhiều vùng nuôi đã biết sử dụng chế phẩm vi sinh thay cho các loại hoá chất Clorin để làm sạch môi trường nước, loại bỏ các chất độc, chất hữu cơ thừa trong ao nuôi với giá rẻ và hiệu quả cao hơn. Công tác quản lý phòng trừ dịch bệnh trên đàn thuỷ sản nuôi được kiểm soát chặt chẽ mặc dù bệnh trên tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, cá bống bớp... còn xảy ra ở một số ít diện tích gây chết rải rác nhưng không phát triển thành dịch. Trong năm, ngành đã tiến hành lấy 190 mẫu thuỷ sản để xét nghiệm; trong đó có 3 mẫu tôm bố mẹ, 27 mẫu tôm P15 và 160 mẫu tôm thương phẩm, kết quả xét nghiệm được thông báo sớm cho các chủ cơ sở để kịp thời xử lý do đó đã hạn chế được bệnh dịch trong nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Do tôm sú hay bị bệnh và mẫn cảm với thời tiết, môi trường và được Sở NN-PTNT khuyến cáo nên người nuôi đã chủ động chuyển sang nuôi tôm thẻ, cá bống bớp, cá song, cá vược... Một số hộ chuyển sang nuôi quảng canh cải tiến, nuôi xen canh với các đối tượng khác, một số hộ có kinh nghiệm mới nuôi thâm canh và bán thâm canh. Đồng thời, Sở NN-PTNT cũng chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi về khung thời vụ thả giống tốt nhất, làm tốt công tác thú y thuỷ sản nên bệnh dịch đã được ngăn chặn, khống chế, đặc biệt là ở vùng nuôi tôm Giao Phong, Bạch Long (Giao Thuỷ), Hải Lý (Hải Hậu).
Năm 2010 là năm nuôi trồng thuỷ sản thắng lợi chưa từng có. Từ thành công này, ngành NN-PTNT, các địa phương và các vùng nuôi sẽ đúc kết, rút ra những bài học kinh nghiệm để chỉ đạo, tổ chức nuôi trồng thuỷ sản cho những năm tiếp theo để đạt kết quả bền vững./.
Tất Thắc