Tân Thịnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp

08:12, 22/12/2010
Anh Trần Thiện Tài, xóm 9, xã Tân Thịnh (Nam Trực) chuyển đổi 7 sào đất cấy lúa sang trồng cây cảnh cho thu nhập mỗi năm 150-200 triệu đồng.  Ảnh: Dương Đức
Anh Trần Thiện Tài, xóm 9, xã Tân Thịnh (Nam Trực) chuyển đổi 7 sào đất cấy lúa sang trồng cây cảnh cho thu nhập mỗi năm 150-200 triệu đồng.
Ảnh: Dương Đức

Với diện tích trên 800ha đất canh tác, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, xã Tân Thịnh (Nam Trực) đã tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh như: vùng trồng lúa đặc sản tám, nếp; vùng chăn nuôi theo mô hình kinh tế tổng hợp; vùng trồng hoa, cây cảnh. Trên cơ sở đó, hai HTXNN Nam Tân và Nam Thịnh đã thực hiện tốt việc dồn điền đổi thửa và đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi nội đồng, bảo đảm chủ động tưới tiêu thuận lợi, phù hợp với yêu cầu sản xuất của từng loại cây trồng. Các hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thuỷ sản và trồng cây cảnh cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều gia đình đã chủ động nạo vét ao đầm, khoanh vùng, đắp bờ, cải tạo đất, xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo mô hình phát triển kinh tế gia trại. Để việc chuyển đổi đạt hiệu quả cao, UBND xã đã chỉ đạo các HTXNN tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn xã viên cách thức chọn cây, con giống, kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y bảo đảm hiệu quả. Các HTX đã tổ chức 25 buổi tập huấn về kỹ thuật thâm canh lúa, sử dụng phân bón đa dinh dưỡng và 10 buổi tập huấn chuyên về kỹ thuật nuôi lợn hướng nạc, nuôi bò sinh sản và sử dụng thuốc thú y cho xã viên. HTXNN và Hội Nông dân phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức cấy khảo nghiệm các giống lúa lai và trình diễn các mô hình sử dụng phân bón đa dinh dưỡng trong sản xuất nông nghiệp. Qua các mô hình trình diễn, đã chọn được nhiều giống lúa có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt; Bắc Thơm số 7, Việt Hương Chiếm, D.ưu 527 làm giống chủ lực của địa phương. Nhờ đó, năng suất lúa bình quân cả năm của xã đạt 120 tạ/ha. Để giảm bớt khó khăn cho xã viên, HTXNN Nam Tân và Nam Thịnh đã tổ chức dịch vụ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp theo hình thức trả chậm. Mỗi năm, các HTX cung ứng 4-6 tấn thóc giống và 80-100 tấn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đáp ứng yêu cầu sản xuất và bảo vệ cây trồng. Ngoài việc được tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật ứng dụng trong nông nghiệp, xã viên còn được tiếp cận với nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng Chính sách Xã hội... Đến nay, đã có 420 hộ dân được vay vốn từ Ngân hàng NN-PTNT, với tổng nguồn vốn là 9,2 tỷ đồng và 800 hộ khác được vay từ Ngân hàng Chính sách-Xã hội với dư nợ 6,5 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn vốn vay, nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại đã hình thành và hoạt động hiệu quả. Toàn xã có 800 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2009, được sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các HTXNN đã triển khai áp dụng mô hình gieo sạ trên diện tích hơn 100ha và sử dụng máy gặt đập liên hoàn vào hỗ trợ việc thu hoạch cho nông dân. Việc áp dụng hình thức gieo sạ thay cho phương thức cấy lúa truyền thống đã đem lại hiệu quả kinh tế cao do tiết kiệm được thời gian, ngày công lao động và chi phí vật tư nông nghiệp. Năm 2011, các HTX phấn đấu mở rộng diện tích gieo sạ trên 80% diện tích đất cấy lúa; tiếp tục chuyển đổi 10ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả ở các xóm Nam Dương, Tân Thành, Ngọc Thỏ, Cao Lộng... sang trồng hoa, cây cảnh. Từ nhiều năm nay, một số hộ dân như các ông Trần Văn Việt, Trần Văn Thiệu xóm Nam Dương, từ 3-5 sào đất vườn trồng cây xanh thế kết hợp với trồng đào, quất đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Phát huy lợi thế vùng đất bãi ven sông, xã Tân Thịnh tiếp tục duy trì 8ha trồng dâu, phần còn lại tập trung nuôi thuỷ sản và gia súc, gia cầm. Đến nay, tổng đàn lợn của xã ước đạt 7.000-8.000 con; 600 con trâu bò và 17.000-18.000 gia cầm các loại. Trong xã có 30 gia trại nuôi lợn theo hướng công nghiệp, mỗi trang trại có 3-10 đầu lợn nái và 10-100 lợn thịt cho thu nhập 100-150 triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu như gia đình ông Điểm, ông Hoàn (xóm Duyên Hải), ông Mậu, bà Cốm (xóm Từ Quán), ông Đoàn (xóm Vũ Tiến)...

Cùng với việc chuyển đổi và phát triển sản xuất nông nghiệp, xã khuyến khích các hộ gia đình phát triển nghề thợ xây và các ngành nghề khác như: cơ khí, vận tải, mộc dân dụng, dịch vụ cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, nghề xây dựng truyền thống của xã phát triển, thu hút 2.500 lao động thường xuyên và lao động thời vụ.

Thời gian tới, xã Tân Thịnh tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích nông dân chuyển diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thuỷ sản kết hợp với chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Tập trung đầu tư mở rộng diện tích vùng trồng hoa, cây cảnh kết hợp với nuôi thuỷ sản và chăn thả gia súc theo quy mô trang trại, gia trại thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hoá phát triển. Xã Tân Thịnh phấn đấu cơ cấu kinh tế nông nghiệp sẽ là: trồng trọt 60% - chăn nuôi 30% và thuỷ sản 10%./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com