Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế trang trại

09:12, 31/12/2010

Trên diện tích 5,1ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả được anh Nguyễn Minh Thang, hội viên nông dân chi 4, xã Xuân Đài (Xuân Trường) đấu thầu để đào ao thả cá và xây dựng trang trại nuôi lợn. Năm đầu, anh đầu tư trên 950 triệu đồng xây dựng 400m2 chuồng trại nuôi 300 đầu lợn, đào 9 mẫu ao để nuôi thả cá truyền thống. Cuối năm anh thu hoạch được 10 tấn cá và 35 tấn lợn thịt, tổng thu nhập sau khi trừ chi phí còn lãi 150 triệu đồng. Năm 2007, anh tiếp tục đầu tư thả cá giống và lợn siêu nạc. Anh tập trung phát triển đàn lợn trên 600 con và tận dụng thức ăn thừa của lợn để nuôi cá; ngoài ra anh cho cá ăn thêm rau, nõn chuối. Đến hết năm, gia đình anh đã thu được 15 tấn cá và trên 60 tấn lợn thịt, thu nhập trên 220 triệu đồng. Năm 2008, có kinh nghiệm hơn, anh nuôi được 20 tấn cá. Lợn siêu nạc vẫn là con nuôi chính trong trang trại của gia đình anh với 76 tấn lợn thịt. Tính tổng thu nhập năm 2008, gia đình anh đã đạt 2,1 tỷ đồng. Năm 2009, 2010 cho thu nhập cao hơn, với tổng thu nhập gần 3 tỷ đồng mỗi năm.

Cty hoa cây cảnh Châu Giang của gia đình anh Phạm Minh Châu, xã Nam Toàn (Nam Trực), mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng từ nghề kinh doanh hoa cây cảnh.  Ảnh: ĐỨC ĐẠT
Cty hoa cây cảnh Châu Giang của gia đình anh Phạm Minh Châu, xã Nam Toàn (Nam Trực), mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng từ nghề kinh doanh hoa cây cảnh.
Ảnh: ĐỨC ĐẠT

Hiện nay, toàn tỉnh đã có trên 1.200 trang trại, trong đó có 543 trang trại chăn nuôi lợn, 588 trang trại nuôi thủy sản và 73 trang trại tổng hợp. Thực tế cho thấy, phát triển kinh tế trang trại không chỉ tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo mà còn là loại hình tổ chức sản xuất hàng hóa phù hợp với nền kinh tế thị trường hội nhập và mở cửa hiện nay. Các trang trại đã góp phần khai thác tiềm năng từ đất đai, lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh. Hiệu quả từ phát triển kinh tế trang trại mang lại đã rõ, nhưng đến nay những mô hình này vẫn chưa được nhân ra diện rộng. Trong 2 năm gần đây, số trang trại chăn nuôi mới được thành lập không nhiều. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay phần lớn các trang trại tập trung phát triển chăn nuôi là chính. Chưa có nhiều mô hình kinh tế trang trại áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến mang lại hiệu quả cao. Phần lớn các trang trại phát triển chủ yếu theo bề rộng, chưa đầu tư chiều sâu. Hầu hết  các chủ trang trại hoạt động tự phát thiếu sự liên doanh, liên kết hỗ trợ nhau nên thường gặp nhiều rủi ro... Hơn nữa, hầu hết các chủ trang trại chưa được đào tạo những kiến thức, kỹ năng cần thiết về trình độ quản lý, hoạch toán kinh tế, kinh doanh, thị trường, năng lực dự báo… đồng thời lại gặp những khó khăn về vốn đầu tư, cơ chế chính sách nên hiệu quả kinh tế không cao.

 Để mô hình kinh tế trang trại phát triển, mang lại hiệu quả, trước hết các cấp HND, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển kinh tế hộ, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò và xu thế phát triển của kinh tế trang trại. Các huyện, thành phố cần tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế trang trại phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông...; đồng thời, thực hiện đồng bộ một số chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại như đất đai, đầu tư tín dụng, thị trường... Các chủ trang trại phát huy mọi tiềm năng thế mạnh, tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật và tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh trong cơ chế thị trường, có tầm nhìn để lựa chọn xây dựng phương án đầu tư có hiệu quả. Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và HND các cấp cần tăng cường chỉ đạo, có sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh./.

Vũ Hoàng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com